23/11/2024

“Chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin rủ lòng thương con, lạy Chúa: con kêu con gọi Chúa suốt ngày” (Tv 85, 3)

 

Suy niệm loan báo Tin Mừng

09/10/2019 – Thứ Tư Tuần 27 TN

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

Sách Gn 4, 1-11

 Ông Giona buồn bực quá sức và giận dữ, ông cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chớ thì chẳng phải như lời con đã cầu xin khi con còn ở quê nhà con sao? Bởi đó con lo trốn sang Tharsê: vì con biết Chúa là Thiên Chúa khoan nhân, từ bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cất linh hồn con ra khỏi con, vì thà con chết còn hơn là sống”. Chúa liền hỏi rằng: “Ngươi có nghĩ là ngươi giận đúng không ?”

Ông Giona ra khỏi thành phố và ngồi ở phía đông thành phố; ông tự dựng một cái lều, và ngồi dưới bóng nó, chờ xem biến cố sẽ xảy ra trong thành. Chúa là Thiên Chúa khiến một dây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona, rợp bóng trên đầu ông, che mát cho ông (vì ông mệt mỏi); nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng. Sáng sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa, và nó ra khô héo. Khi mặt trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết mà rằng: “Thà con chết đi còn hơn là sống”.

Chúa phán cùng ông Giona rằng: “Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng không ?” Ông thưa: “Ðúng, con giận cho đến chết (đi được!)” Chúa phán: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không làm cho nó mọc lên, đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo. Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao ?”

 Tin Mừng: Lc 11:1-4

Một hôm, Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

 Suy niệm

Kinh Lạy Cha không chỉ đơn thuần là một kinh nguyện; mà như Tertullian nói, kinh Lạy Cha là “bản tóm lược của toàn thể Tin Mừng”, vì trong đó chúng ta tìm thấy những nguyên tắc cơ bản, những niềm hi vọng thâm sâu nhất, và những nhu cầu quyết định nhất của các môn đệ Đức Giêsu.

Tin Mừng Luca trình bày trước hết về hồng ân được gọi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là “Cha”. Coi Thiên Chúa là một người Cha không phải không có trong Cựu Ước (x. Đnl 32:6; Ml 2:10; Gr 3:19; 31:9; và Tv 103:13). Nhưng điều mới mẻ ở đây là xưng hô với Thiên Chúa là Cha, như Đức Giêsu xưng hô với Cha Người, với sự dịu dàng và thân mật của một đứa con thưa với cha mình: “Cha ơi!” Chúa Giêsu có lý khi gọi Thiên Chúa là “Abba”, vì Người là Con của Cha hằng hữu. Trong đức tin, khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Đức Giêsu mời họ hướng về Thiên Chúa như là một người Cha hằng hữu, đầy lòng nhân từ và rất mực yêu thương. Đức Giêsu mở ra cho các môn đệ tình hiệp thông con thảo của Người. Trong Tin Mừng thứ ba, Kinh Lạy Cha là điểm đến từ câu hỏi mà người thông luật hỏi Đức Giêsu về điều người ta phải làm để được sự sống đời đời (x. Lc 10:25tt): mở lòng lắng nghe là điều có tính quyết định, cũng như phải có lòng thương xót khi đối xử với mọi người không phân biệt một ai. Sứ mạng của Đức Giêsu trong đức tin và kinh nguyện mở lòng chúng ta ra cho tình cha của Thiên Chúa như là nền tảng cho một mối quan hệ với người khác như là những anh chị em mình.

Một trong những niềm mong đợi thâm sâu nhất được làm nổi bật bởi Kinh Lạy Cha là lời nguyện cho danh Thiên Chúa được cả sáng. Đúng là tự bản chất Danh của Thiên Chúa đã là thánh rồi (x. Lv 11:44; 19:2; Tv 33:21). Nhưng niềm mong đợi danh Chúa được cả sáng cho thấy mối cam kết sống với tư cách là những con người thuộc về Thiên Chúa: “Các ngươi phải giữ các mệnh lệnh của Ta… Các ngươi không được xúc phạm đến thánh danh Ta, để Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta giữa con cái Ít-ra-en” (Lv 22:31-32). Theo truyền thống Cựu Ước mà Kinh Lạy Cha có gốc rễ trong đó, cách tốt nhất để danh Thiên Chúa được cả sáng chính là những ai xưng mình là dân của Thiên Chúa thì phải sống theo ý muốn của Người.

Yếu tố thứ hai của niềm mong đợi mà Kinh Lạy Cha ban tặng là việc Nước Chúa trị đến. Đức Giêsu nói rõ ràng rằng Nước của Cha Người đang hiện diện và hoạt động trong lịch sử. Người tuyên bố rằng Thiên Chúa đang đi vào lịch sử loài người để mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó không một ai cảm thấy mình cô đơn và chúng ta có thể xây dựng một thế giới công bằng hơn, một xã hội hòa bình và đầy tình huynh đệ mà ở đó nhân phẩm của mỗi người được tôn trọng. Khi chúng ta nói “Nước Cha trị đến”, chúng ta diễn tả niềm mong đợi rằng ý Chúa được thể hiện giữa chúng ta, như là ân sủng và đồng thời như là nhiệm vụ thường hằng của tự do và trách nhiệm của con người.

Lời cầu xin thứ nhất trong bản kinh Lạy Cha của Luca được diễn tả bằng những lời này: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Lc 11:3). Lời cầu xin này có thể gói ghém hai ý nghĩa. Một đàng, trước nguy cơ quên mất cảm giác ngạc nhiên và biết ơn của chúng ta, Kinh Lạy Cha nhắc nhớ chúng ta về nhu cầu xin Chúa ban cho lương thực hằng ngày. Đàng khác, Đức Giêsu không dạy chúng ta xin Cha cho “con”, nhưng là cho “chúng con” lương thực hằng ngày”, có lẽ là muốn nhấn mạnh nhu cầu chia sẻ trong tình bác ái với người khác: đời sống thực sự là kết quả của sự hiệp thông và chia sẻ.

Lời cầu xin thứ hai là xin ơn tha thứ. Luca giả thiết rằng, để xin ơn tha thứ thì cần phải nhìn nhận rằng mọi người, bất kể là ai, đều phạm lỗi lầm và chúng ta tất cả đều cần lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Lc 5:8; 6:39-42). Khởi đi từ giả thiết này, tác giả Tin Mừng thứ ba đưa vào một sự ý thức rằng hiệu quả ơn tha thứ của Thiên Chúa dẫn chúng ta tới việc phải đáp lại bằng cách tha thứ cho người khác (x. Mt 6:14-15). Ơn tha thứ của Thiên Chúa luôn luôn được ban cho chúng ta, được ban cho một cách nhưng không. Hiệu quả của nó nơi mỗi người chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta sẵn sàng để cho nó tác động đến đời sống chúng ta, các mối quan hệ của chúng ta, và các tình cảm của chúng ta.

Và sau cùng, Kinh Lạy Cha cho chúng ta có một lời cầu xin thứ ba: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11:4; x. Ga 17:15). Trước tiên chúng ta đã nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình, và bây giờ Cha chúng ta giúp chúng ta lớn lên trong sự ý thức về tính yếu đuối, giòn mỏng của mình. Chúng ta không xin Chúa giúp chúng ta tránh cám dỗ, nhưng xin giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ.

Cầu nguyện luôn luôn là một trải nghiệm về mối quan hệ với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ Đức Kitô trong Thánh Thần. Như một bản tóm lược Tin Mừng, Kinh Lạy Cha cống hiến cho chúng ta những tiêu chí nền tảng cho sự gặp gỡ này và cho sứ mạng theo sau cuộc gặp. Ơn hướng về Thiên Chúa là Cha giúp chúng ta sống với nhau như anh chị em. Bổn phận làm cho danh Cha cả sáng lôi kéo chúng ta vào việc xây dựng nước Chúa, với sự trợ giúp của ơn Chúa. Phúc lành của ơn tha thứ được Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô ban cho chúng ta khiến chúng ta ý thức về nhu cầu lớn lao phải khởi động và khích lệ các tiến trình hòa giải chân chính, là cái không chỉ dẫn đến trải nghiệm về sự tha thứ, mà còn dần dần dẫn đến việc tận diệt tội lỗi.

Tình phụ tử của Thiên Chúa, được mặc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô (x. Ga 12:45; 14:9), làm cho cộng đoàn các môn đệ truyền giáo trở thành một gia đình thực sự, ở đó mọi người được mời vào dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Trong chuyển động được Cha sai đến và trở về cùng Cha, Đức Giêsu biến sứ mạng của chính mình trở thành sứ mạng của chúng ta. Đó là sứ mạng của Hội Thánh Người vì phần rỗi của thế gian (x. Ga 8). Nếu mọi tình phụ tử đều bắt nguồn nơi Thiên Chúa (x. Ep 3:14-21), thì trong Hội Thánh của Con Thiên Chúa, Thần Khí của Chúa Phục Sinh tái sinh tất cả chúng ta như là những người con trai con gái của người Cha chung nhờ phép rửa. Nước Thiên Chúa được hoàn thành nhờ Đức Giêsu trong cuộc Vượt Qua của Người, Nước ấy tìm thấy sự khởi đầu và mầm mống trên trái đất này trong Hội Thánh lữ hành của Người, một bí tích cứu độ phổ quát được Thiên Chúa Cha ban cho mọi người.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng