24/11/2024

Tôn giáo là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy lương tâm nhân loại phục vụ công ích. Đây là lời khẳng định của các vị lãnh đạo tôn giáo Ấn Độ trong một tuyên bố chung được gửi đến Hãng tin Fides trong những ngày gần đây.

 

Một người Công giáo Ấn Độ cầu nguyện với kinh mân côi  (AFP or licensors)

 

Các vị lãnh đạo tôn giáo, gồm Ấn giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Sikh và một số các tổ chức liên tôn đã ký kết một hiệp ước để góp phần hạn chế sự lây lan của Covid-19 ở Ấn Độ. Các tổ chức tôn giáo khẳng định ý muốn giữ lại vai trò xây dựng cho công ích của các tôn giáo, nối kết các tín đồ các tôn giáo lại với nhau.

Trong khi đất nước phải ứng phó với đại dịch, các vị lãnh đạo muốn có một tiếng nói chung để tập trung sức mạnh cho việc phục vụ và hiệp nhất. Vì thế, tất cả cho rằng cần tránh định kiến, tư tưởng loại trừ, mê tín và cuồng tín nhân danh tôn giáo. Phải ưu tiên cho khoa học can thiệp trong việc chữa trị bệnh nhân. Về phần mình, tôn giáo tiếp tục dấn thân trong lãnh vực tinh thần và vật chất. Tuyên bố chung khẳng định: “Các tôn giáo có lẽ là phương tiện hiệu quả hơn cả để động viên lương tâm nhân loại phục vụ công ích. Vì thế, chúng ta hiệp nhất, trở thành một sức mạnh duy nhất thúc đẩy hành động giúp vượt qua đại dịch”.

Trong bản tuyên bố chung, các vị lãnh đạo nhận định: “Trong khi thế giới đang nỗ lực chống đại dịch, các tôn giáo thường được nói đến trong cả hai bối cảnh: tiêu cực và tích cực. Một mặt, trong thời điểm bất an này, có nhiều người hướng về tôn giáo vì niềm hy vọng, sức mạnh và lấy lại tinh thần. Đức tin đã truyền cảm hứng cho mọi người tinh thần liên đới và ước muốn phục vụ người khác, đặc biệt những người dễ bị tổn thương. Nhưng trong một số người, tôn giáo cũng được sử dụng để gây chia rẽ và loại trừ, nhằm củng cố định kiến, từ chối khoa học và chạy theo mê tín”.

“Điều cấp bách hiện nay là: Chúng tôi, đại diện các tôn giáo, tái khẳng định những nguyên tắc chung cho tất cả các tôn giáo, những điều ảnh hưởng lớn đến câu trả lời của chúng tôi đối với cuộc khủng hoảng hiện nay. Nội dung giáo lý tinh thần và luân lý thiết yếu của các tôn giáo giống nhau. Trong cuộc khủng hoảng này, tất cả các tôn giáo phải tìm cách thúc đẩy sự hiệp nhất và tình liên đới, để cùng với nhân loại chiến đấu chống lại thử thách chung này. Tôn giáo dạy rằng tất cả nhân loại được nối kết và phụ thuộc lẫn nhau: là một gia đình và là các tế bào của một thân thể”.

Theo cuộc điều tra dân số năm 2011: người Ấn giáo chiếm 80% dân số Ấn Độ với 1,3 tỷ người. Trong khi đó Hồi giáo chiếm 14%, và Kitô giáo là 2,3%. (Fides 04/5/2020)

Ngọc Yến – Vatican News