Tiền đầu tư cho vũ khí có thể chuyển đổi cho viện trợ và chăm sóc sức khỏe, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch. Ủy ban ứng phó Covid-19 của Vatican đã kêu gọi như trên trong một cuộc họp báo sáng thứ Ba với chủ đề “Chuẩn bị tương lai, xây dựng hòa bình trong thời điểm Covid-19”.
Gia tăng mua vũ khí chưa từng có trước đây
Với việc chi tiêu toàn cầu cho quân sự năm 2019 là 1,9 ngàn tỷ đô la Mỹ, gấp 300 lần ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới, Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ và phát triển con người toàn diện, Chủ tịch Ủy ban ứng phó Covid-19 cho rằng, cần toàn cầu hóa tình liên đới, bởi vì hiện nay, mặc cho khủng hoảng virus corona, người ta vẫn tiếp tục chi tiêu cho vũ khí.
Giảm xung đột để giảm bất công
Vì vậy, theo Đức Hồng y, “việc giảm xung đột là khả năng duy nhất để giảm bất công và bất bình đẳng. Thực tế, bạo lực vũ trang, các cuộc xung đột và nghèo đói là nguyên nhân ngăn chặn hòa bình, vi phạm nhân quyền và cản trở sự phát triển”. Theo Chủ tịch Ủy ban ứng phó Covid-19, trong thời gian gần đây, việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua lệnh ngừng bắn toàn cầu và 170 quốc gia chấp thuận lời kêu gọi ngưng vũ khí của Liên Hợp Quốc là những dấu hiệu tích cực. Đức hồng y kết luận: “Trong thời kỳ khủng hoảng, tình liên đới là tên mới cho hòa bình”.
Sơ Smerilli: người dân muốn có một nhà nước đầu tư cho công ích
Tiếp sau Đức Hồng y Turkson, sơ Alessandra Smerilli, nhà kinh tế, điều phối viên của đội đặc nhiệm Kinh tế của Ủy ban ứng phó Covid-19, cho rằng cần tăng cường các hệ thống y tế, chuyển đổi các công ty sản xuất vũ khí. Sơ nói: “Chúng ta cần bảo vệ, chống lại các bệnh truyền nhiễm và đầu tư vào phòng ngừa: Covid-19 đã cho thấy chúng ta không đủ tài chính cho việc điều trị bệnh truyền nhiễm tại trung tâm của nhiều hệ thống y tế. Đức Thánh Cha đã yêu cầu chúng tôi phải đưa ra các giải pháp sáng tạo. Chúng ta hãy tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì chạy đua vũ trang, chúng ta chạy đua cho thực phẩm, sức khỏe và công việc? Người dân đang cần điều gì ngay lúc này? Họ cần một nhà nước mạnh về quân sự, hay một nhà nước đầu tư cho công ích?”. Sơ đưa ra một ví dụ và tiếp tục đặt câu hỏi: “Ở Ý, trong giai đoạn 1 của đại dịch, một số công ty trước đây chuyên sản xuất vũ khí đã bắt đầu sản xuất máy thở, tại sao điều này không thể thực hiện trong thời gian dài?”
Cần có một cách thức mới trong việc kiểm soát vũ khí
Cũng liên quan đến vũ khí, ông Alessio Pecorario, điều phối viên của Ủy ban ứng phó Covid-19 Vatican, thành viên của Bộ phục vụ và phát triển con người toàn diện cho rằng: “Hiện nay, số tiền đầu tư cho quân sự vượt xa thời Chiến tranh Lạnh. Nếu muốn vật tư y tế, an ninh lương thực và phục hồi kinh tế tập trung vào công bằng xã hội và nền kinh tế xanh, thì phải lấy các nguồn lực có thể lấy được từ lĩnh vực quân sự trong bối cảnh đổi mới cách thức kiểm soát vũ khí. An ninh lương thực phải đứng đầu và rất cần thiết cho an ninh quốc tế”.
Ngọc Yến – Vatican News