Thánh Eugène de Mazenod, người sáng lập Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Hội Dòng mà tôi thuộc về, trước khi qua đời ngài để lại cho chúng tôi lời trăn trối cuối cùng: “Giữa anh em, bác ái, bác ái, bác ái”. Không phải khi nào tôi cũng sống được điều này, dù tôi mong mình sống được, nhất là ngày hôm nay.
Chúng ta đang ở trong thời buổi cay đắng. Đâu đâu cũng có giận dữ, lên án người khác và cay đắng bất đồng; đến mức bây giờ đơn giản là chúng ta không còn có thể có một cuộc thảo luận hợp lý về bất cứ vấn đề chính trị, đạo đức hay về giáo điều tế nhị nào. Chúng ta biến thành quỷ đến mức mà mọi cố gắng lý luận với nhau (đó là không nói đến việc đi đến một thỏa thuận hay giải quyết một bất đồng) chỉ làm nặng thêm sự thù nghịch. Nếu bạn nghi ngờ điều này, bạn chỉ cần đọc báo buổi chiều, đọc bất kỳ báo nào hay theo dõi các thảo luận về hầu hết các vấn đề đạo đức và tôn giáo, bạn sẽ thấy rõ.
Điều hiển nhiên đầu tiên là sự căm thù trần trụi có bên trong tiềm năng của chúng ta, làm cho chúng ta luôn có khuynh hướng biện minh cho các nền tảng đạo đức và tôn giáo: chúng ta đấu tranh cho sự thật, cho sự đúng đắn, cho công chính, cho Chúa, cho gia đình, cho nhà thờ, cho giáo lý đúng, cho việc giữ đạo, cho chính Chúa Kitô,… vì vậy sự tức giận và thù hận của chúng ta được biện minh. Sự giận dữ được biện minh, nhưng sự hận thù là dấu hiệu không thể sai lầm rằng chúng ta đang hành động trái với sự thật, với sự đúng đắn, với công chính, với Chúa, với gia đình, với nhà thờ, với giáo lý đúng, với giữ đạo và với Chúa Kitô. Sẽ khó để nghĩ rằng loại tranh luận này lại từ Thần Khí và không từ một nguồn nào khác.
Khi nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy tất cả năng lực của Ngài đều hướng về sự hiệp nhất. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng hận thù, như đã được minh chứng rõ ràng trong Bài giảng Trên núi, trong lời cầu nguyện linh mục ở Bữa Tiệc ly trong Tin Mừng Thánh Gioan, như được thể hiện rõ trong những lời cảnh báo thường xuyên dạy chúng ta phải kiên nhẫn với nhau, không phán xét nhau, nhưng tha thứ cho nhau.
Nhưng người ta có thể phản đối: thế còn những lời phán xét (có vẻ) chua cay của Chúa Giêsu? Thế khi Ngài gay gắt nói về người khác thì sao? Thế khi Ngài mất bình tĩnh và dùng roi để đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ thì sao? Ngài đã không tuyên bố: Ta đến để mang lửa đến cho trái đất đó sao?
Các tuyên bố này thường bị chú giải sai và dùng sai để hợp lý hóa cho sự thiếu đức ái trong tinh thần kitô chân chính của chúng ta. Khi Chúa Giêsu nói Ngài mang lửa đến trái đất và mong lửa này bùng cháy, lửa của Chúa Giêsu nói ở đây không phải là lửa chia rẽ nhưng là lửa của tình yêu. Chúa Giêsu mong muốn yêu thương, không xa lánh. Thông điệp của Ngài đã dấy lên sự chống đối hận thù, nhưng Ngài không cho mình là chiến binh văn hóa hay tôn giáo. Ngài chỉ giảng và chỉ thể hiện tình yêu, điều này đôi khi lại tạo nên phản đề của nó. (Và nó luôn là như vậy.) Đôi khi Ngài khơi dậy hận thù nơi người dân, nhưng không bao giờ Ngài ghét bỏ. Thay vào đó, Ngài khóc thương cảm, hiểu rằng đôi khi thông điệp về tình yêu và sự bao gồm lại khơi dậy hận thù trong lòng con người, vì một lý do nào đó, ở thời điểm nào đó, con người không thể mang trọn chữ yêu thương. Hơn nữa, sự việc Ngài đuổi các người đổi tiền ra khỏi đền thờ luôn được chúng ta trích dẫn để biện minh cho sự giận dữ và phán xét của chúng ta trên người khác, nhưng ở đây nó có một tầm mức quan trọng và ý nghĩa rất khác. Hành động của Ngài khi Ngài dọn dẹp đền thờ (một cách hợp pháp) của người do thái, họ bắt người dân phải đổi tiền để mua của lễ dâng lên Chúa, ở đây Ngài loại bỏ trở ngại trên con đường đến với Chúa, chứ không phải Ngài tức giận với một số người cụ thể nào đó.
Chúng ta thường xuyên bỏ qua Tin Mừng. Chủ nghĩa phe phái, chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, lợi ích kinh tế, sự khác biệt lịch sử, đặc quyền lịch sử và nỗi sợ hãi mãi mãi gây ra sự phân cực cay đắng, tạo mối thù gặm nhấm chính trong cộng đoàn; và hận thù này luôn được biện minh bằng cách kêu gọi đến một số nền tảng đạo đức hoặc tôn giáo cao. Nhưng Tin Mừng không bao giờ cho phép điều này. Tin Mừng không bao giờ cho phép chúng ta đóng khung đức bác ái, nó từ chối không để chúng ta biện minh sự cay đắng của mình vì các lý do đạo đức và tôn giáo. Nó kêu gọi chúng ta đến với tình yêu, với sự đồng cảm và với lòng tha thứ, vượt qua mọi chia rẽ để mong điều tốt và làm điều tốt, chính xác cho những người ghét chúng ta. Và Tin Mừng hoàn toàn cấm hợp lý hóa sự thù hận nhân danh Tin Mừng hoặc nhân danh sự thật, công lý hoặc giáo điều đúng đắn.
Cố linh mục thần học gia Dòng Tên Michael J. Buckley (1931-2019) khi nhìn sự phân cực cay đắng trong các Giáo hội, ngài cho rằng không có gì biện minh cho sự cay đắng của chúng ta hiện nay: “Tuy nhiên điều đáng buồn là thường chúng ta không có cách nào khéo léo để đưa các nam nữ tu sĩ đừng chống nhau trong hình thức lên án khủng khiếp. Chiến tranh, dù chiến tranh cá nhân là những thực tế khủng khiếp, và khủng khiếp nhất trong số này thường được biện minh vì tôn giáo. Để đánh lừa hoặc chia rẽ dưới vỏ bọc tốt, dưới danh nghĩa chính thống hay phóng khoáng, cộng đoàn hay tự do cá nhân, ngay cả chính sự thánh thiện, các chia rẽ của con người có thể từ từ biến thành ti tiện, hoặc yếm thế, hoặc thù nghịch, hoặc cay đắng. Và theo cách này Giáo hội kitô bị chia rẽ.”
Chúng ta phải cẩn thận trong văn hóa và tôn giáo của chúng ta.
Lm. Ron Rolheiser
Nguồn: ronrolheiser.com