24/11/2024

Sáng thứ Tư 12/8, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chúng các tín hữu. Như thường lệ, buổi tiếp kiến diễn ra tại Thư viện Dinh Tông Toà và được phát trực tuyến cho các tín hữu tham dự. Thay cho bài giáo lý, Đức Thánh Cha có những suy tư về đại dịch covid-19. Đây là bài thứ hai trong loạt bài suy tư của ngài về đại dịch.

 

 

Đức Thánh Cha nói trong bài suy tư:

Trận đại dịch lần này đã cho thấy tất cả chúng ta dễ bị tổn thương và có liên đới với nhau như thế nào. Nếu chúng ta không chăm sóc nhau, khởi đi từ những người rốt hết, tức là từ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm các thụ tạo khác; chúng ta không thể chữa lành được thế giới này.

Chúng ta phải tuyên dương sự cống hiến của rất nhiều người trong những tháng vừa qua đã và đang minh chứng cho một tình yêu đầy tính nhân văn và Kitô giáo dành cho nhân loại. Họ đã dấn thân phục vụ bệnh nhân cho dầu sức khỏe của họ có nguy cơ bị đe dọa. Tuy nhiên Vi-rut Corona không chỉ là một căn bệnh mà chúng ta phải chiến đấu; nhưng ngang qua cơn đại dịch, nhiều bệnh lý xã hội được phơi bày ra ánh sáng. Một trong số đó là cái nhìn méo mó về con người, tức là một cái nhìn phớt lờ đi phẩm giá và đặc tính tương quan của con người. Đôi khi chúng ta nhìn tha nhân giống như một đồ vật, tức là để sử dụng hoặc bị vứt bỏ. Nhưng thực tế, chính cách nhìn này khiến ta ra mù lòa và tạo nên một thứ văn hóa bài trừ mang tính cá nhân và gây hấn, biến con người thành một thứ hàng hóa tiêu dùng (Xem Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 53; Thông điệp Laudato si’, số 22).

Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn con người trong một cách thức khác. Thiên Chúa tạo dựng ta không như các đồ vật, nhưng như những người được yêu thương và có khả năng để yêu, tức là giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Như vậy, Thiên Chúa đã ban cho ta một phẩm giá độc nhất, mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Ngài và với anh chị em chúng ta trong khi tôn trọng tất cả tạo vật. Trong mối hiệp thông này, Thiên Chúa ban cho ta khả năng sinh sôi và bảo vệ sự sống (x. St 1,28-29), khả năng lao tác và chăm sóc trái đất (x. St 2,15; LS, 67).

Tin Mừng cho chúng ta một ví dụ điển hình về cái nhìn mang tính chủ nghĩa cá nhân, khi thân mẫu của hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin ĐGS đặc ân cho con mình (x. Mt 20,20-28). Bà mong muốn hai con được ngồi bên tả và bên hữu của vị tân vương. Nhưng ĐGS đã đề nghị một cách nhìn khác: đó là cách nhìn của sự phục vụ và dâng hiến chính mạng sống mình vì tha nhân. ĐGS đã khẳng định lối nhìn này bằng cách: ngay sau đó, Ngài đã làm sáng mắt cho hai người mù và khiến họ trở thành môn đệ (x. Mt 20,29-34).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt biết quan tâm đến anh chị em mình, đặc biệt là những ai đang đau khổ. Là môn đệ của ĐGS, chúng ta không mong muốn mình trở thành những người thờ ơ và nặng tính cá nhân chủ nghĩa. Nhưng chúng ta muốn nhận ra phẩm giá con người nơi mỗi nhân vị, cho dù họ thuộc chủng tộc, ngôn ngữ và hoàn cảnh nào.

Công đồng Vaticano II nhấn mạnh rằng phẩm giá này là bất khả xâm phạm, bởi vì “con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gaudium et spes, 12). Như thế, phẩm giá con người là nền tảng của mọi đời sống xã hội và quyết định những nguyên tắc hoạt động của xã hội đó. Trong văn hóa hiện đại, tham chiếu gần nhất với nguyên tắc phẩm giá con người bất khả xâm phạm là Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà thánh Gioan Phaolo II đã định nghĩa là “một cột mốc quan trọng trong hành trình dài và cam go của nhân loại”[1], và là “một trong những diễn đạt đỉnh cao của ý thức con người”[2]. Quyền lợi không chỉ mang tính cá nhân mà còn có tính xã hội, thuộc về mọi dân tộc và quốc gia[3]. Thực vậy, con người với phẩm giá của mình là một thực thể xã hội, được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi.

Nhận thức mới mẻ này về phẩm giá con người mang lại những áp dụng nghiêm túc về mặt xã hội, kinh tế và chính trị. Nhìn người anh em và mọi tạo vật như món quà được trao ban từ tình yêu thương của Thiên Chúa Cha sẽ khơi dậy nơi ta hành vi của sự quan tâm, chăm sóc và biết ngỡ ngàng. Như vậy, người tín hữu chiêm ngắm tha nhân như anh em chứ không như kẻ xa lạ; nhìn anh em mình bằng lòng trắc ẩn và cảm thông, chứ không phải bằng sự khinh khi và thù hận. Khi chiêm ngắm thế giới dưới sáng đức tin và với sự giúp sức của ân sủng, con người sẽ lao tác để làm triển nở sức sáng tạo và lòng nhiệt thành, ngõ hầu có thể hóa giải những bi kịch của lịch sử. Con người nhận thức và phát triển khả năng của mình như là những trách nhiệm xuất phát từ đức tin, như những ân sủng của Thiên Chúa để phục tha nhân và mọi thụ tạo.

Trong khi chúng ta đang cố gắng chữa lành bệnh tật do vi-rút gây ra, đức tin thôi thúc chúng ta dấn thân cách nghiêm túc và tích cực để chống lại sự thờ ơ trước những vi phạm nhân quyền. Đức tin luôn đòi hỏi chúng ta phải để mình được chữa lành và ăn năn sám hối từ chủ nghĩa cá nhân của chính chúng ta, dù cá nhân hay tập thể. Xin Chúa “phục hồi thị giác” cho chúng ta để ta có thể khám phá ra là một thành viên của gia đình nhân loại có ý nghĩa gì. Và ước mong rằng cái nhìn mởi mẻ này được chuyển thành những hành động cụ thể của lòng nhân ái và tôn trọng đối với mỗi nhân vị, cũng như sự quan tâm và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

[1] Diễn văn trước Đại hội Liên Hợp Quốc (ngày 2 tháng 10 năm 1979), 7.

[2] Diễn văn trước Đại hội Liên Hợp Quốc (ngày 5 tháng 10 năm 1995), 2.

[3] X. Bản Tóm Tắt Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 157.

Chuyển ngữ: Anh Phương, SJ – CTV Vatican News