Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ lên tiếng phản đối về luật chống khủng bố mới, sẽ được áp dụng trong tương lai, vì luật có nguy cơ vi phạm các quyền tự do cá nhân của các nhóm ở bên lề xã hội, các nhóm chính trị, tôn giáo và thiểu số.
Vào ngày 13/6 tới, luật liên bang về các biện pháp của cảnh sát chống khủng bố sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Theo các nhà chức trách của liên bang và cơ quan tình báo, trong nước mối đe dọa khủng bố vẫn còn ở mức báo động, cần phải thích ứng các biện pháp đối phó.
Nội dung chính của luật mới thiết lập trên cơ sở pháp lý cho phép các cơ quan thực thi pháp luật “phòng ngừa” chống lại những kẻ khủng bố tiềm năng. Như thế, luật cho phép bắt giữ các cá nhân ngay cả khi “các dấu hiệu không đủ để bắt đầu một tố tụng hình sự”.
Luật mới đã bị các nhà quan sát, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia chính trị phản đối vì cho rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng.
Trong một thông cáo, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ phản đối luật này, cho rằng đây chỉ là kiểu lý luận “mục đích biện minh cho phương tiện”, và yêu cầu đặt lại vấn đề các nguyên tắc nền tảng như giả thiết vô tội hoặc nguyên tắc phân quyền.
Ủy ban viết: “Từ quan điểm đạo đức xã hội, có thể thấy rõ sự căng thẳng giữa một bên là các biện pháp an ninh, và một bên là các quyền tự do cơ bản dựa trên nhân quyền. Với dự luật này, quyền tự do hoặc các quyền tự do cá nhân của các nhóm ở bên lề xã hội, các nhóm chính trị, tôn giáo và thiểu số có nguy cơ bị vi phạm”.
Theo Hội đồng Giám mục, sẽ phù hợp hơn nếu “xem xét kỹ lưỡng các biện pháp chống khủng bố đã có hiệu lực, trước khi đưa ra các biện pháp mới nhằm hạn chế các quyền cơ bản của cá nhân”. Ủy ban Công lý và Hòa bình lo ngại về “sự kiểm soát và phòng ngừa toàn cầu” này, đồng thời cho rằng “lý tưởng an ninh toàn cầu chỉ là ảo tưởng. Nền dân chủ được xây dựng trên mối quan hệ của tự do và tin tưởng, hòa bình và công lý không thể được xây dựng “bằng cách thực hiện các biện pháp an ninh được đề xuất”.
Chính văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở Genève cũng đã phản đối đối với luật mới này, đồng thời tố cáo những thuật ngữ mới như “sự lan truyền của sợ hãi” được đưa vào văn bản luật.
Ngọc Yến – Vatican News