Trưa Chúa Nhật, 12/12, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn với các tín hữu trước khi đọc kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự vấn với câu hỏi: “Tôi phải làm gì?” Đây là câu hỏi mà đám đông dân chúng, những người thu thuế và binh lính đã hỏi ông Gioan Tẩy Giả.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, trình bày nhiều nhóm người khác nhau như đám đông, người thu thuế và binh lính. Họ bị đánh động bởi lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả và rồi hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Chúng tôi phải làm gì? Đây là câu hỏi mà họ đặt ra. Hãy dừng lại một chút ở câu hỏi này.
Nó không bắt đầu từ ý thức về bổn phận. Đúng hơn, chính tấm lòng được Chúa đánh động, chính lòng hăng hái chờ ngày Người đến đã khiến chúng ta phải nói: chúng tôi phải làm gì? Sau đó, ông Gioan nói: “Đức Chúa đang đến. Chúng ta phải làm gì?” Hãy lấy một ví dụ: chúng ta nghĩ về một người thân yêu đang đến thăm chúng ta. Chúng ta chờ đợi họ với niềm vui và thực sự nóng lòng. Để tiếp đón họ, chúng ta sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn tốt nhất có thể, hay có thể là một món quà nữa… Tóm lại, chúng ta sẽ rất bận rộn. Vì vậy, đối với Chúa, niềm vui khi Ngài đến khiến chúng ta phải thốt lên: chúng ta phải làm gì? Nhưng Chúa đặt câu hỏi này lên mức cao nhất: Tôi phải làm gì với cuộc đời tôi? Tôi được mời gọi làm gì? Tôi phải thực hiện điều gì?
Khi gợi ý cho chúng ta câu hỏi này, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống giao cho mỗi chúng ta một bổn phận. Cuộc sống này không phải là vô nghĩa, cũng không phải là ngẫu nhiên. Không! Đó là một món quà mà Chúa ban cho chúng ta khi nói với chúng ta: hãy tìm hiểu bạn là ai, và phải làm gì để hiện thực hoá ước mơ là cuộc sống của bạn! Xin đừng quên điều này – mỗi chúng ta có một sứ mạng cần phải hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng ngại hỏi Chúa: con phải làm gì? Hãy thường xuyên hỏi Người về câu hỏi này. Câu hỏi này cũng xuất hiện trong Kinh thánh – sách Công vụ Tông đồ. Một số người khi nghe thánh Phêrô loan báo về sự phục sinh của Chúa Giêsu thì “họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: ‘Vậy chúng tôi phải làm gì ?’” (Cv 2,37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: Tôi phải làm gì tốt cho tôi và cho anh chị em? Làm thế nào tôi có thể đóng góp cho điều này? Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào thiện ích của Giáo hội, của xã hội? Mùa Vọng là mùa dành cho điều này: hãy dừng lại và tự hỏi mình làm thế nào để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta đang bận rộn với rất nhiều sự chuẩn bị, cho những món quà và những thứ chóng qua, nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình phải làm gì cho Chúa Giêsu và cho những người khác! Chúng ta phải làm gì?
Trong Tin Mừng, khi người ta hỏi ông Gioan Tẩy Giả: “chúng tôi phải làm gì?” thì ông đưa ra những câu trả lời khác nhau đối với mỗi nhóm. Thực tế, ông Gioan khuyến khích những người có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế, ông nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Lc 3,13); và đối với binh lính: “Đừng hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người ta.” (Lc 3,14). Đối với mỗi nhóm người, ông đưa ra một lời cụ thể, vốn gắn với thực tế cuộc sống của người ấy. Điều này mang đến cho chúng ta một lời dạy giá trị: đức tin được thể hiện trong cuộc sống cụ thể. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết khái quát! Không! Đức tin đụng chạm đến da đến thịt và biến đổi cuộc sống của mỗi người. Chúng ta hãy nghĩ đến một điều cụ thể nơi đức tin của chúng ta. Tôi, đức tin của tôi: nó trừu tượng hay cụ thể? Tôi có dùng nó để phục vụ và giúp đỡ người khác không?
Cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có thể làm gì một cách cụ thể? Trong những ngày mà chúng ta đang đến gần ngày lễ Giáng Sinh. Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Chúng ta hãy đưa ra một cam kết cụ thể, dù chỉ là một cam kết nhỏ, nhưng nó phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, và hãy thực hiện nó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Ví dụ: Tôi có thể gọi điện cho ai đó cô đơn, thăm người già hoặc người bệnh nào đó, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, có lẽ chính tôi cũng cần cầu xin một sự tha thứ, cũng cần cho đi một sự thứ tha, cũng cần một lời giải thích cho vấn đề nào đó, một món nợ phải trả. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và lúc này, sau một thời gian dài, tôi đến với với sự tha thứ của Chúa. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tìm một điều gì đó cụ thể và thực hiện nó! Xin Đức Mẹ, Đấng cưu mang Thiên Chúa làm người, giúp chúng ta.
Nguồn: www.vaticannews.va