20/04/2024

Suy niệm loan báo Tin Mừng

01.10.2019 – Thứ Ba – Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lời Chúa:

Sách ngôn sứ Dacaria Dcr 8,20-23

Đức Chúa các đạo binh phán thế này : Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến. Dân thành này sẽ đến thành khác mà nói rằng : “Nào ta cùng đi làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại và tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ;cả tôi nữa, tôi cũng đi !” Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ở Giê-ru-sa-lem và làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại. Đức Chúa các đạo binh phán thế này : Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói : “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em.”

Tin Mừng Lc 9:51-56

Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng : “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Suy niệm:

Lời ngôn sứ Dacaria 8:20-23 nuôi dưỡng niềm hi vọng của Dân Chúa, dân đang trông đợi sự hoàn thành của mình trong cuộc hành hương của mọi dân tộc trên thế giới cùng tiến về Giêrusalem vào thời sau hết (x. Dcr 8:22). Sách Ngôn sứ Dacaria được đặt ở vị trí áp chót trong nhóm 12 sách Ngôn Sứ. Cùng với ngôn sứ Khácgai, Dacaria được cho là một trong những ngôn sứ cuối cùng họat động vào thời khôi phục cộng đồng Do Thái về mặt tôn giáo và dân sự tại “miền đất của tổ tiên”, khi việc tái thiết đền thờ Giêrusalem đã hoàn tất sau thời lưu đày Babylon.

Lời hứa của ngôn sứ đến ở phần ba của sách Dacaria (Dcr 8:12-14), nhưng đã được báo trước ngay ở phần một, Dcr 2:10-11. Lởi hứa này nằm trong truyền thống ngôn sứ trông đợi cuộc hành hương của mọi dân tộc tiến về Giêrusalem trong hòa bình, như chúng ta thấy trong đoạn Is 2:1-4, một bản văn hầu như giống hệt với Mk 4:1-4. Trên hết, đó là truyền thống của trường phái Isaia khai triển chủ đề về niềm hi vọng này mà Do Thái giáo dứt khoát hướng tới, cùng với việc Đấng Mêsia sẽ đến vào thời sau hết (x. Is 49:22-23).

Về việc mọi dân tộc cuối cùng sẽ hoán cải để trở về với Chúa, truyền thống ngôn sứ đồng thanh xác tín rằng sự hoán cải này sẽ không phải là kết quả của một họat động truyền giáo được thực hiện bởi Do Thái giáo. Sự hoán cải này sẽ là một lời đáp lại hành động của chính Chúa trong trái tim của mọi dân tộc vào thời sau hết.

Bài Tin Mừng về hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem dọi ánh sáng mới vào những lời tiên tri về sự hoán cải của mọi dân tộc về với Chúa, qua việc sử dụng hình ảnh về cuộc hành hương vĩ đại tiến về Giêrusalem vào thời sau hết. Việc Luca nhắc đến “những ngày Người được cất lên trởi” (Lc 9:51) không chỉ liên quan đến việc Đức Giêsu lên trời (x. Lc 24:50-51; Cv 4:46), nhưng cũng chỉ về mầu nhiệm Người chịu khổ nạn và chịu chết tại Giêrusalem. Đức Giêsu đã từng nói điều này cho các môn đệ khi Người giải thich cho Phêrô ý nghĩa của việc ông tuyên xưng Người là Đấng Mêsia. Người nói, “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại” (Lc 9:22). Người lặp lại điều này cho các môn đệ sau khi Người biến hình trên núi (x. Lc 9:44) và lần thứ ba cho Nhóm Mười Hai trước khi Người từ Giêricô đi lên Giêrusalem lần cuối cùng (x. Lc 18:31-33). Vào mỗi dịp như thế, Người đều bảo các môn đệ rằng họ không thể hiểu được ý nghĩa của những lời ấy.

Kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa – cho Ítraen cũng như cho mọi dân tộc – đều đi qua Giêrusalem như là nơi Đức Giêsu “được giương cao” (Ga 12:32). Đó chính là sức hút thần linh sâu xa, không thể cưỡng được, của mầu nhiệm thập giá được Đức Giêsu sống, làm chứng và biến đổi để khơi dậy, củng cố và nâng đỡ chuyển động hoán cải của các dân tộc về Giêrusalem, nơi được Chúa chọn cho mầu nhiệm cứu độ. Đức Giêsu đã cho tham dự vào sứ mạng của Người trước tiên là Nhóm Mười Hai, rồi đến Hội Thánh mà Người đã thiết lập bằng lời kêu gọi cụ thể. Các môn đệ không thể không đi theo Đức Giêsu, mặc dù có lúc họ thấy khó hiểu, dựa vào các lời nói và hành vi của họ: đó là một hành trình hoán cải, bắt đầu bằng một tiếng gọi và tiếp tục suốt cuộc đời mỗi người.

Việc Đức Giêsu đi qua Samaria để lên Giêrusalem là một câu truyện biểu trưng cho sự hoán cải mà các môn đệ của Đức Giêsu phải liên tục trải qua nếu họ muốn đồng hành với Người và hỗ trợ Người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng và cúu độ của Người. Khi Người sai các sứ giả đi trước để chuẩn bị đến một làng xứ Samaria (x. Lc 9:52), Người hoàn toàn ý thức về sự thù nghịch và chia rẽ giữa dân Do Thái và dân Samaria (x. Ga 4:20), nhưng điều này không thể ngăn cản Người đến đó: hơn nữa, ngay cả các môn đệ cũng phải học biết xử lý tình trạng thù địch sâu sắc này một cách khác. Hai anh em Giacôbê và Gioan – mà Đức Giêsu đã mỉa mai đặt cho biệt danh là “con của sấm sét” (Mc 3:17) – đã có phản ứng giận dữ và hung hăng (x. Lc 9:54) trước sự đáp ứng tiêu cực của dân làng Samaria (x. Lc 9:53). Hai anh em này được thúc đẩy bởi một niềm xác tín thiếu khôn ngoan rằng mình là những người nắm giữ một chân lý tôn giáo siêu đẳng. Một số thủ bản thời kỳ đầu của sách Tin Mừng, được lưu giữ bằng tiếng Hi Lạp, Syriac và Latinh, có thêm một câu giải thích ngắn vào cuối câu hỏi mà hai môn đệ nêu lên: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó, như ông Êlia đã làm không?” (x. 2V 1:10-12; Hc 48:3). Đối với Đức Giêsu, đây là một lời yêu cầu không chính đáng và nại vào thẩm quyền của Kinh Thánh một cách không phù hợp: “Đức Giêsu quay lại và quở trách họ” (Lc 9:55). Cùng một dị bản cổ xưa của đoạn này có nhắc đến ông Êlia cũng khai triển thêm về lời quở mắng của Đức Giêsu khi Người bảo họ, “Các ngươi không biết mình được Thần Khí nào hướng dẫn, vì Con Người không đến để tiêu diệt nhưng để cứu thoát” (Lc 9:55-56). Giáo huấn Kitô giáo này nhắc nhớ chúng ta về bản chất sứ mạng của Đức Giêsu, không phải là về sự báo oán của Thiên Chúa; việc nhắc đến Thần Khí thúc đẩy hai ông Giacôbê và Gioan là điều có ý nghĩa trong thần học của trường phái Luca, bao gồm cả sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ. Trong câu truyện của sách Tin Mừng, Đức Giêsu chỉ đơn giản đi đến một làng khác (x. Lc 9:56). Đây là một chiến lược mục vụ (x. Lc 10:10-11) cũng sẽ hướng dẫn Phaolô và Banaba trong hành trình truyền giáo đầu tiên của hai ông tới Antiokia thuộc xứ Pisiđia (x. Cv 13:46). Đức Giêsu không nói gì về sự chối từ của dân làng Samaria; hơn nữa, một trong những chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên của Hội Thánh Giêrusalem sẽ được dành cho người Samaria. Trợ tế Philípphê được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sẽ bắt đầu sứ mạng (x. Cv 8:5), và Phêrô và Gioan sẽ hoàn tất sứ mạng này (x. Cv 8:14-17).

Sứ mạng của Hội Thánh là tự biến đổi mình để trở nên giống với con người và mầu nhiệm Đức Kitô. Đây là sự hoán cải bao gồm toàn thể cuộc sống của một con người, dành lại cho Chúa công việc mở cửa sứ mạng và đánh động con tim của người ta. Các dân tộc được hoán cải vào lúc nào và bằng cách nào: đó là công việc của Chúa; công việc của Hội Thánh là tự hoán cải mình để trở về với Thần Khí và với con người Chúa Giêsu.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng