16/04/2024

Như mọi năm, năm nay Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, cũng kêu gọi đóng góp để trợ giúp Giáo hội tại Thánh Địa, để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo tại đây và để mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói.

 

Audio

Trong thư đề ngày 26/02 vừa qua, Đức Hồng y Sandri kêu gọi đóng góp trong cuộc quyên góp được tổ chức vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Đây là nguồn chính yếu để trợ giúp cuộc sống của các tín hữu tại các nơi thánh. Việc quyên góp này đã được các Đức Giáo hoàng muốn như là cách thế làm chứng cụ thể về sự liên kết giữa các Kitô hữu trên thế giới và tại các nơi thánh. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập ngày này vào năm 1976.

Số tiền thu được trong cuộc quyên góp này giúp cho việc chăm sóc gìn giữ các nơi thánh, duy trì các cơ sở mục vụ, giáo dục, y tế và xã hội. Những vùng được trợ giúp nhờ quyên góp này là Giêrusalem, Palestine, Israel, Giordania, đảp Síp, Syria, Libăng, Ai Cập, Etiopia, Eritrea, Thỗ Nhĩ Kỳ và Iran.

Giáo hội quan tâm đặc biệt đến Kitô hữu ở Thánh Địa

Trong thư, Đức Hồng y Sandri nói rằng “Thánh Địa là nơi Chúa Giêsu đã sống nỗi đau khổ của ngài khi biến chúng thành hành động cứu độ nhờ tình yêu vô bờ bến.” Do đó, “Thánh Địa, cách đặc biệt là cộng đoàn Kitô hữu ở đây, luôn chiếm một vị trí quan trọng và đặc biệt trong trái tim của Giáo hội hoàn vũ.”

Đức Hồng y cho biết những thử thách đau khổ của Giáo hội tại Thánh Địa từ “bi kịch số tín hữu địa phương ngày càng suy giảm” đến “những cuộc chiến kéo dài và mệt mỏi” đã “tạo ra và tiếp tục tạo ra hàng triệu người tị nạn”, ảnh hưởng “đến tương lai của cả nhiều thế hệ”.

Các hành động cụ thể

Trong bối cảnh này, Đức Hồng y cho biết Giáo hội “tiếp tục hoạt động để bảo vệ sự hiện diện của Kitô hữu và lên tiếng cho những người không có tiếng nói”, cả ở cấp độ mục vụ và phụng vụ, nhưng cũng theo những cách cụ thể hơn. Ví dụ, bằng cách tham gia vào “giáo dục chất lượng thông qua các trường học”, đó là “nền tảng để bảo vệ bản sắc Kitô giáo và xây dựng sự chung sống huynh đệ, cách đặc biệt là với người Hồi giáo”. Hoặc xây dựng “những ngôi nhà cho những người trẻ muốn bắt đầu một gia đình mới, cũng như để tạo việc làm”. Hoặc “cung cấp trợ giúp vật chất cụ thể ở những nơi nghèo đói, cũng như nhu cầu sức khỏe và tình trạng khẩn cấp nhân đạo liên quan đến dòng người tị nạn và người nước ngoài di cư lao động”.

Tất cả công việc được trợ giúp nhờ cuộc lạc quyên vì Thánh Địa, cũng như chăm sóc các đền thánh, sẽ không thể nếu không có những đóng góp. Bên cạnh đó đóng góp này sẽ mang lại công việc xứng đáng cho nhiều Kitô hữu đang tham gia vào việc đón tiếp hàng triệu khách hành hương đến các nơi thánh.

Năm 2019 “Lạc quyên vì Thánh Địa” thu được gần  7 triệu đô la. Số tiền này được dùng trong các lãnh vực đào tạo về văn hóa, tu đức và nhân văn cho các chủng sinh và linh mục của các Giáo hội thuộc Bộ các Giáo hội Đông phương; trợ cấp cho các hoạt động của các trường học; những trợ cấp thông thường và bất thường. (ACI 04/03/2020)

Hồng Thủy – Vatican