24/04/2024
Tranh của Họa sĩ Lê Sa Long

“Kitô hữu vô danh” là một khái niệm được gán cho Karl Rahner (1904-1984). Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong khảo luận Poetry and the Christian (1960), và được Karl Rahner triển khai trong các khảo luận Christian and Non-Christian (1962), Anonymous Christian (1965), Annnymous Christianity and the Missionary Task of the Church, và Observations on the Problem of the ‘Anonymous Christian’ của một tác phẩm đồ sộ Theological Investigation.

Đương thời, các nhà thần học nổi tiếng khác như Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và E. Schillebeeckx đã từng phê bình quan niệm “Kitô hữu vô danh” của Karl Rahner. Tuy nhiên, trong bài chia sẻ này, tôi không có ý trình bày về một khái niệm thần học hoặc các tranh luận thần học, mà chỉ muốn chia sẻ một một chút suy tư về các “Kitô hữu vô danh” trong thời điểm hiện tại. Chúng ta cũng nhớ rằng, những suy tư của nhà thần học Karl Rahner là một đóng góp quan trọng xây dựng nội dung cho Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium – LG) của Công đồng chung Vatican II.

Trong hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium – LG), một mặt nhắc lại tính cách quan trọng của ơn cứu độ trong Giáo Hội (LG số 10), nhưng một mặt lại mở rộng phạm vi của Giáo Hội; những Kitô hữu đã chịu phép Rửa tội, đương nhiên là con cái của Giáo Hội, nhưng những người chưa là Kitô hữu, chưa đón nghe Tin Mừng, thì nhờ vào nhiều phương cách khác nhau cũng có liên quan (liên hệ) tới đoàn thể Dân Thiên Chúa:

“Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.” (LG số 16)

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) thì khẳng định, có những “con đường” xuất phát từ thụ tạo, tức là từ thế giới vật chất và con người, giúp con người nhận biết Thiên Chúa. Giáo Hội tin rằng, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt vào trong tâm khảm con người một nỗi khát khao hướng về Ngài, bởi vì chỉ nơi Ngài con người mới tìm gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ hằng khát khao. Vì thế, GLHTCG số 30 và 33 nói thế này:

“Cho dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mỗi người tìm kiếm Người để được sống và được hạnh phúc. Nhưng sự tìm kiếm này đòi hỏi con người vận dụng tất cả trí tuệ, ý chí chính trực, “một lòng ngay thẳng”, và phải có cả chứng từ của người khác hướng dẫn họ kiếm tìm Thiên Chúa.” (GLHTCG số 30)

“Con người: với tâm hồn cởi mở đón nhận sự thật và vẻ đẹp, với lương tri, tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng vươn tới vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa.” (GLHTCG số 33)

Hội Thánh đã nói rất rõ, tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, họ chu toàn thánh ý Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của lương tâm ngay thẳng, thì họ có thể được cứu rỗi. Thánh ý nhiệm mầu và tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ. Đó là ơn gọi phổ quát mà Thiên Chúa muốn dành cho tất cả mọi người, qua mọi thời đại. Trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, như lời của thánh Phaolô gửi ông Timôthê đã nói: “Đấng [Thiên Chúa] muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (x. 1 Tm 2,4)

Những “Kitô hữu vô danh” là những người chưa lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, nhưng bằng lương tâm ngay thẳng, sống cuộc đời chính trực; với lương tri, tự do, với khát vọng vươn tới vô tận và hạnh phúc; họ đã “chạm” tới Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Những “Kitô hữu vô danh”, qua sự thúc đẩy của lương tâm hướng về sự thiện, họ đang hiện diện đâu đó quanh chúng ta; họ chưa là Kitô hữu nhưng đã sống các giá trị của Tin Mừng.

Những gì tôi thấy và nghe trong những ngày tháng dịch bệnh hoành hành tại Sài Gòn, làm tôi cứ nghĩ đến họ, họ là những “Kitô hữu vô danh”. Những tình nguyện viên, những người làm thiện nguyện với trọn tâm hồn yêu thương người nghèo, họ không chỉ mất sức, mất của, nhưng có nhiều người mất cả mạng sống. Họ khóc vì không thể giúp người nghèo, vì chính các mạnh thường quân cũng đuối sức. Họ thức đêm, trông chờ từng chuyến xe cứu trợ, xe lương thực; nhỡ mà có ách tắc ở đâu họ lại đôn đáo cả đêm lo cho những chuyến xe đó về được Sài Gòn. Họ chưa nghe Tin Mừng của Đức Giêsu, cũng có thể họ chưa bao giờ biết Đức Giêsu đã chết cho con người vì yêu thương và dạy phải sống yêu thương cho đến chết. Nhưng họ, những “Kitô hữu vô danh” họ đã sống các giá trị của Tin Mừng.

Trên đây là những suy tư cá nhân, những cảm nghiệm cá nhân của bản thân tôi về những anh chị em này, những anh chị em không phải là Kitô hữu nhưng hành động hành động của họ làm cho Tin Mừng chói sáng. Thật đáng trân trọng lắm thay! Thật ra họ chưa bao giờ “vô danh”, họ luôn cho “danh” trong lòng của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu. Những lời dạy của Tin Mừng, của Hội Thánh vẫn âm vang đâu đó, mà chúng ta cần phải nghiệm ra trong đời sống thường ngày. Bản thân tôi và một số anh chị em vẫn nhắc nhau, chúng ta cùng cầu nguyện cho các anh chị em ấy được bình an, mạnh khỏe và tràn đầy tình yêu thương của Chúa.

Tu viện Sài Gòn, ngày 26/08/2021

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT