20/04/2024

Sớm Chúa nhật Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa (16/04/2023), Giới trẻ Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chúng tôi lên đường thăm Mái ấm Thiện Phước Nhân Ái tại Xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi.

Sau cơn mưa tối thứ bảy, bầu trời trở nên trong xanh và không khí dịu lại. Hành trình không quá dài, những con đường mở ra trước mắt chúng tôi một mầu xanh biếc. Những cây hoa giấy như bừng tỉnh sau một đêm ướt sũng nước mưa, những bụi hoa cúc, hoa bướm vàng bên đường, và nhất là những cánh rừng cao su hun hút, lấp lánh ánh nắng sớm mai.

Sự ồn ào huyên náo trên xe chợt dừng, khi chúng tôi đến khúc cua với tấm biển “Cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật – Thiện Phước Nhân Ái”, nằm ẩn khuất với rừng cao su xung quanh, phía trước có con mương dẫn nước khá lớn. Lúc đó khoảng hơn 9g00 sáng, chúng tôi mau chóng xuống xe, chào quý Sơ, đồng thời có mấy em “áo vàng” giúp chở đồ vào trong nhà.

Tiếng ồn ào ở tầng trệt căn nhà vọng ra, tôi bước vào trước tiên thấy các em “áo vàng” đang hát và nhảy múa, mắt thì chăm chăm vào cái tivi. Tôi hỏi các Sơ mới biết, đó là nhóm khá hơn, khỏe hơn, tỉnh hơn; còn một nhóm khác trên lầu, các em đa phần là nằm tại chỗ. Cơ sở Thiện Phước hiện có 70 em, số lớn là thiểu năng, dị tật bẩm sinh, bệnh xương thủy tinh, một vài em bị tăng động. Cộng đoàn Dòng Mẹ Nhân Ái phục vụ tại đây có 14 quý Sơ, cùng một số nhân viên phục vụ. Ngoài ra, cộng đoàn còn có một nhà nguyện khang trang và một số quý Sơ trong giai đoạn kinh viện.

Gặp các em thì chủ yếu là cười, và bày tỏ sự gần gũi bằng những cái bắt tay, ánh mắt hoặc nói chung là “ồn ào, nhảy nhót” với các em. Những câu chuyện về việc làm, trò chơi của các em thì có thể kể hoài không hết. Quý Sơ nói, một số bạn “tỉnh hơn” chút thì cho làm việc cùng các Sơ. Sai “hắn” đi chăn bò, sớm ra hắn dắt bò thả ra vườn cao su, bỏ đó đi về… Các Sơ hỏi, bò đâu rồi? Hắn nói… thả ngoài kia rồi, tỉnh bơ vì đối với hắn, làm thế mới là đúng á! Quý Sơ tá hỏa, ùa ra đi tìm dắt về. Chả là, trong nhà có nuôi một số bò, có trồng cỏ cho bò ăn luôn. Chắc hắn nghĩ, ngoài rừng cao su nhiều cỏ hơn chăng? Mấy Sơ phụ trách, mấy cô phục vụ nói: mấy bình nước rửa chén, kể cả can 5 lít tẩy rửa, bọn chúng “phá” thì chỉ 1 phút 30 giây. Nhà vệ sinh liên tục hỏng hóc vì “bọn hắn” khoái trò chơi thả đồ nhựa vào bồn vệ sinh, khuấy vòng vòng, và bọn hắn đứng nhìn cười tít mắt. Có hôm, bọn hắn đổ cả can nước rửa chén, lau nhà vào nhà vệ sinh, sau đó xả nước… bọt bong bóng tràn ra, dâng lên sát trần nhà. Bọn hắn đứng nhìn cười thích thú, đôi mắt mơ màng…

Thực ra có một số em cũng được việc, như quản lý các em nhỏ hơn, thúc giục ăn việc ăn uống, dọn bàn, bưng đồ, có ai mang quà tới là lấy xe đẩy ra chở vào kho… nhưng có thể chỉ lúc “bọn hắn” thích làm!? Tiếng nhạc lớn ở phòng dưới làm không khí huyên náo, quý Sơ nói rằng, bọn hắn, cả nam và nữ thích nhảy. Mà quý Sơ cũng khuyến khích vì để có hoạt động, tiêu hao bớt năng lượng… và “bọn hắn” khỏe lắm. Ý muốn nói nhóm các em “áo vàng”, việc chăm sóc các em vất vả hơn nhóm trên lầu, vì hình như đứa nào cũng “tăng động”. Riêng các em ở trên lầu, đa phần bại liệt nằm tại chỗ. Nhìn các em, chúng tôi không hiểu sao các Sơ, các chị phục vụ có thể chăm sóc? Ví dụ, có bạn trẻ nói với tôi, có bạn chỉ trực cho ngón tay vào họng để móc cái gì đó ra. Ăn uống, vệ sinh, di chuyển, tất cả phải nhờ người khác.

Các anh chị giới trẻ nhảy với nhóm áo vàng được chút thì rời rã chân tay, chạy lên phòng trên ngồi chơi, bế và cho các em ăn khi vào bữa. Quý Sơ nói, ở đây phải ăn 5 bữa lận Cha, sáng 6g30, 10g00; chiều 14g00, 17g00, 19g00. Sáng sớm thì tất cả tập trung tham dự Thánh lễ; quý Sơ nói, có chàng, khi Cha dâng lễ ở trên, ở dưới hắn cũng “dâng lễ”, lập lại lời nói, cử chỉ y chang. Cha dâng lễ cứ tủm tìm cười hoài…

Tình thương không biên giới có thể là mỹ từ, nhưng cũng có thể là sự thật, bởi vì ở nơi đây nếu không có lòng yêu thương các em đủ lớn thì khó có thể chịu nổi. Có Đấng ở trên cao, nhưng lại gần gũi vì Ngài là lòng thương xót. Nói vui với nhau, quý Sơ lỡ yêu tha thiết một Đấng thì “cũng phải” tha thiết yêu đời, yêu người. Cho dù, cái cụ thể nó trần trụi tới mức nào, như những gì mắt thấy tai nghe. Những trẻ em bị bỏ ở rừng cao su, những trẻ em mà ngay cả bố mẹ chúng cũng chẳng buồn nhìn tới, có khi là sợ hãi như một sự chúc dữ nào đó!? Không, ở đây chỉ có chúc lành, chỉ có tình yêu thương, chỉ có lòng thương xót từ trái tim của Đấng bị đâm thâu, lan tràn qua những người nguyện hiến thân vì người khác, vượt qua trở ngại của thân xác yếu hèn, để ôm ấp những trái tim tan vỡ, những tấm thân nhỏ bé ngoằn ngoèo.

Bài học thì ở đâu cũng có, mà bài học cho các bạn giới trẻ là “ra đi” và “chạm tới”. Ra đi khỏi cái vỏ ốc vị kỷ, để chạm tới tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ. Mỗi người sẽ có cảm nhận riêng, chẳng cần phải thi vị hóa làm gì, mà cứ giữ đó để tu tâm dưỡng tính, để thấy tình yêu Chúa quả là bao la mà lại rất cụ thể. Trước khi ra về, chúng tôi ghé Nhà Nguyện để tạ ơn, cầu xin cho quý Sơ và các em được an mạnh. Cũng mong tiếp tục có những bàn tay nối dài “gánh vác lẫn nhau”, để quý Sơ thêm phương tiện phục vụ. Bỏ lại những con đường ngang qua những cánh rừng cao su, nhưng cần lưu giữ một trái tim nhân ái trong tâm lòng.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Sài Gòn, 17/04/2023)

Một số hình ảnh: