23/11/2024

WHĐ (12.7.2020) – Sách Công giáo, – trong cộng đồng Công giáo, cũng được gọi là “sách đạo”, – đã đóng một vai trò tương đối quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam, ngay từ những buổi đầu, tức vào thế kỷ XVII. Sách đã được đề cập đến một cách khá thường xuyên trong các tài liệu đương thời của các thừa sai. Nhà cầm quyền Việt Nam, ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài, có lẽ cũng đã hiểu rất rõ tầm quan trọng này, nên trong số các biện pháp đưa ra nhằm ngăn cấm việc truyền bá Công giáo, thường có biện pháp tịch thu và đốt sách đạo.

 

 

Sách do các thừa sai sử dụng để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo của các ngài hay sách được sử dụng trong cộng đoàn Công giáo, tại Việt Nam, trong thế kỷ XVII, gồm nhiều loại và từ nhiều nguồn khác nhau.

SÁCH ĐƯỢC ĐEM TỪ NGOÀI VÀO

Trước hết, đó là loại sách kinh nguyện, nghi lễ được dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Loại sách này được in bằng chữ la tinh và thường thấy trong hành trang của các thừa sai, bên cạnh một số đồ đạo khác như ảnh đạo, tràng chuỗi… Bên cạnh đó là sách Kinh Thánh. Kinh Thánh, vào thời này, cũng thường bằng chữ la tinh. Việc sử dụng các bản dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ thông dụng, vào thế kỷ này, chưa phải là phổ biến lắm ngay tại châu Âu. Loại sách này được các thừa sai sử dụng cho các buổi giảng dạy, nhưng đôi khi cũng còn được sử dụng trong các cuộc tranh luận với người ngoài Công giáo[1].

Một loại sách khác cũng được các tài liệu đương thời của các thừa sai thường xuyên nhắc đến dưới cái tên gọi chung là “sách trình bày đạo thánh”. Các tài liệu cũng nói rõ là loại sách này được viết bằng chữ Hán và thường là được đem từ Trung Quốc sang. Như chúng ta đã biết, trước khi sang Việt Nam, dòng Tên đã có cả một quá trình dài hoạt động truyền giáo tại Trung Quốc. Trong quá trình này, một số thừa sai, có người rất nổi tiếng như Mattêô Ricci, hoạt động truyền giáo tại Trung Quốc từ năm 1583 đến 1610, đã cùng với một số nhà nho theo Công đạo, dịch hoặc biên soạn những tập sách bằng chữ Hán trình bày những giáo lý cốt yếu của Công giáo[2]. Thực vậy, sách tại Trung Quốc, vào thế kỷ XVI, XVII, qua kỹ thuật in bản khắc gỗ, đã là một phương tiện khá thịnh hành để phổ biến kiến thức và tư tưởng. Các thừa sai cũng đã sớm sử dụng phương tiện này trong hoạt động truyền giáo của các ngài. Sách các thừa sai biên soạn cũng đã được đưa tới Nhật Bản, Triều Tiên… [3]. Loại sách này xem ra cũng đã được phổ biến một cách khá rộng rãi tại Việt Nam, nhất là nơi các thày giảng và một số tín hữu gốc nhà nho. Trong số các thày giảng, những người đọc được chữ nho không phải là hiếm. Mặt khác, vào hậu bán thế kỷ XVII, tại các cơ sở đào tạo ở Đàng Ngoài, các thày giảng, nhất là các lớp trẻ, đã được học chữ Hán, chữ Nôm, mẫu tự la tinh và tiếng la tinh. Họ đã không chỉ được khuyến khích mà còn bị bắt buộc phải đọc sách và đôi khi phải tường trình với thừa sai nội dung sách đã được giao cho đọc[4].

Loại sách đạo bằng tiếng Hán được đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam, thực ra, không chỉ qua ngả các thừa sai, mà còn có thể do chính người Việt Nam, không hẳn là tín hữu Công giáo, đem về. Al. de Rhodes đã ghi lại trong tập Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài sự kiện linh mục đã được thấy một cuốn sách loại này do một người đã tham gia đoàn đi sứ Trung Quốc đem về như một món quá quý giá của một thừa sai người Phương Tây ông gặp ở Bắc Kinh đã tặng ông[5]. Theo như sự kiện được trình bày thì cuốn sách đạo này đã có mặt tại Việt Nam rất sớm, vào cuối thế kỷ XVI hay đầu XVII, nghĩa là trước cả khi các thừa sai dòng Tên đầu tiên từ Macao tới Việt Nam.

Ở đây, cũng cần nói thêm là sách bằng chữ Hán được các thừa sai đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thế kỷ XVII không chỉ gồm có sách đạo, mà còn có cả sách khoa học, không dính líu gì tới đạo, nhưng đã được sử dụng như là phương tiện để các thừa sai tiếp cận và trình bày về Công giáo với vua, quan. Một trong những cuốn sách loại này được biết đến là cuốn sách Hình cầu Euclide, “mà một cha ở bên Tàu đã dịch ra chữ Tàu và có trang trí nhiều hình rất đẹp”[6]. Vẫn theo Hồng Nhuệ thì người dịch ra tiếng Tàu cuốn sách hình học của nhà toán học người Hy Lạp của thế kỷ thứ ba trước công nguyên này không ai khác là linh mục Mattêô Ricci cùng với sự cộng tác của một người Trung Hoa và đã ấn hành với nhan đề “Kỷ hà nguyên bản”[7]. Cuốn sách này đã được Al. de Rhodes tặng cho chúa Trịnh Tráng, khi chúa đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong về tới Thanh Hóa. Và trong khi cắt nghĩa cho chúa về nội dung của cuốn sách này, Al. de Rhodes đã từ việc giảng giải về sự vận chuyển của các tinh tú, đã chuyển qua nói về “Người Thợ toàn năng (Thiên Chúa tạo dựng)”[8].

Khi các thừa sai người Pháp thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris khởi sự vào Việt Nam truyền giáo từ thập niên 60 của thế kỷ XVII, thì Siam đã là một nơi dừng chân của họ trước khi đến Việt Nam. Và sách của các thừa sai Pháp cũng đã được chuyển từ Siam tới Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sách đạo, cùng với một số đồ đạo khác, thường gây nhiều lúng túng cho các thừa sai khi họ phải tới Việt Nam dưới cái “lốt” của các thương gia, trong những thời kỳ có lệnh cấm đạo. Các sách đạo này có thể tố giác với nhà cầm quyền Việt Nam về sự hiện diện của thừa sai trên tàu buôn hoặc trong vùng. Hai thày giảng sang Siam để được thụ phong linh mục, khi từ Siam trở về lại Đàng Ngoài, có mang theo khoảng 30 cuốn sách cho thừa sai Deydier đang hoạt động tại đây dưới cái “lốt” của một thương gia, nhưng khi tới cửa khẩu, thấy tình hình nguy hiểm, hai linh mục mới được thụ phong này đã quẳng tất cả số sách mang theo xuống sông[9].

Trong thế kỷ XVII này, ngoài các thừa sai dòng Tên từ Macao và các thừa sai người Pháp thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris từ Siam tới Việt Nam hoạt động truyền giáo, còn có các thừa sai người Tây Ban Nha thuộc dòng Đaminh ở Philippin qua. Các thừa sai này khởi sự tới Việt Nam từ năm 1676 và chắc chắn các ngài có mang theo một số sách trong hành trang của các ngài. Một trong số các thừa sai này là Juan de Santa Cruz, tới Việt Nam từ 1676 và qua đời tại đây vào năm 1721, đã dịch khá nhiều sách của thánh Augustinô hay của Luis de Granada[10]. Các loại sách này chắc chắn phải là do các thừa sai mang theo từ Philippines vào Việt Nam. Và rất có thể một số được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Thiết tưởng cũng cần phải nêu lên ở đây ý kiến của một số tác giả, như Nguyễn Khắc Xuyên, H. Bernard, cho rằng một số thừa sai dòng Tên đã sử dụng cả những sách bằng tiếng Nhật phiên âm theo mẫu tự la tinh, trong đó, có bản dịch sách Giáo lý, trong công cuộc truyền giáo và giảng dạy cho những người Nhật tị nạn tại Hội An vào đầu thế kỷ XVII[11].

SÁCH ĐƯỢC BIÊN SOẠN TẠI VIỆT NAM

Nhưng đáng lưu ý hơn có lẽ là loại sách được soạn hay được dịch ngay tại Việt Nam. Được biết, ngay từ những buổi giảng đạo đầu tiên, Al. de Rhodes đã nhờ người Việt Nam biên chép các bản kinh trên giấy để sử dụng trong cộng đồng, cách riêng, trong việc dạy giáo lý cho trẻ em[12]. Các tài liệu còn cho biết là các cộng đồng tín hữu Công giáo tại Việt Nam, ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ XVII, đã khởi sự sử dụng sách giáo lý, sách kinh… được dịch hay được biên soạn. Các sách kinh này có cả bản Mười giới răn ở phần cuối[13]. Có thể, các bản văn này đã được viết bằng chữ Hán và nhất là bằng chữ Nôm. Theo Võ Long Tê thì trong tiền bán thế kỷ XVII, có cả một “phong trào văn Nôm Công giáo thịnh hành song song với nỗ lực điển chế chữ quốc ngữ…[14]. Thanh Lãng cho biết rõ hơn: chỉ nguyên những sách vở chữ Nôm cộng đồng Công giáo Việt Nam biên soạn vào thế kỷ XVII mà các tác giả còn cất giữ được, có số trang lên tới 42.000 trang trong khi đó sách vở biên soạn bằng quốc ngữ mẫu tự la tinh chỉ có khoảng 700 trang[15]. Sự so sánh này cho chúng ta thấy rằng việc biên soạn sách vở đạo nhằm trước tiên hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và giảng dạy của các thừa sai chứ không phải là để nhằm phổ biến một loại chữ mới nơi người Việt Nam, vì khi chữ quốc ngữ chưa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, các thừa sai đã sử dụng chữ Nôm để truyền đạo.

Tác giả đầu tiên cần được nói tới là thừa sai Girolamo Majorica, người Ý, dòng Tên, tới truyền giáo ở Đàng Trong năm 1623, bị trục xuất khỏi đây năm 1629, tới Đàng Ngoài năm 1631 và từ trần tại đây năm 1656. Tác giả đã viết 48 tác phẩm bằng chữ Nôm gồm văn xuôi và văn vần trong đó có tác phẩm nổi tiếng là cuốn Thiên Chúa Thánh giáo khải mông, một phóng tác dựa vào nguyên tác của Robert Bellarmin, gồm “lời tóm lại mọi sự Đức Chúa Giêsu truyền xướng để cho người ta biết đàng lên Thiên đàng”[16].

Một tác phẩm khác, được giới thiệu là đã được viết bằng chữ Nôm vào thế kỷ XVII, nhưng nay chỉ còn bản dịch ra chữ quốc ngữ được thực hiện vào các thế kỷ sau này, là Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan, một trong những linh mục người Việt Nam đầu tiên. Đây là tập phỏng dịch năm quyển đầu của bộ Kinh Thánh Cựu Ước, được thực hiện vào năm 1670[17].

Trong số các tác phẩm được biên soạn bằng chữ quốc ngữ trong thế kỷ XVII này, trước tiên phải kể đến cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes. Cuốn sách này, tuy được in và xuất bản tại Roma cùng với cuốn tự điển Việt-Bồ-La của cùng tác giả vào năm 1651 nhưng hẳn là đã được khởi sự với sự cộng tác của một số thày giảng. Đây là một bộ sách khá đồ sộ, xuất bản song ngữ, la ngữ và Việt ngữ, gồm các bài giáo lý Công giáo.

Các thừa sai người Pháp thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris cũng rất quan tâm tới việc soạn sách đạo để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo của mình và công việc giáo dục các thày giảng, những người Việt Nam cộng tác trực tiếp với các thừa sai trong công cuộc truyền giáo và điều khiển cộng đồng các tín hữu. Theo tư liệu để lại thì hai giám mục Deykier và Bourges, trong số những thừa sai của Hội đầu tiên tới Việt Nam vào giữa thế kỷ XVII, đã soạn trên 40 tác phẩm “bằng tiếng Đàng Ngoài”[18]. Và vẫn theo tài liệu này thì hai trong số các tác phẩm nói trên đã được các tín hữu Đàng Ngoài đọc đi đọc lại. Về nội dung và công dụng của hai cuốn sách này, tư liệu viết: “cuốn thứ nhất gồm 14 bài suy niệm về tứ chung của con người, về tình thương của Thiên Chúa đối với tạo vật của Người và nhiều chủ đề tương tự khác. Chúng ta có thể nói được rằng đây là cuốn “cẩm nang” của người Kitô hữu Đàng Ngoài, họ có trong tay ngày đêm”[19]. Cuốn thứ hai, dành cho các linh mục, chứa đựng những giải đáp cho các vấn nạn lương tâm các linh mục thường gặp trong hoạt động của các ngài.

Giám mục Deydier còn là một thừa sai có mối quan tâm đặc biệt tới việc đào tạo các thày giảng. Liền sau khi tới Việt Nam, giám mục đã cho triệu tập các thày giảng và khởi đầu công việc huấn luyện họ. Giám mục đã soạn cuốn sách nhỏ để dùng vào việc huấn luyện này. Sách gồm 15 chương bàn về lối sống cũng như phận vụ của các thày giảng. Theo như tài liệu cho biết thì cuốn sách này khởi đầu đã được soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha và giám mục hy vọng “sớm dịch ra ngôn ngữ của họ để có thể sử dụng như kim chỉ nam”[20]. Vị thừa sai người Pháp này vốn là người giỏi tiếng Bồ Đào Nha[21]. Khi vừa tới Siam, giám mục đã được mời giảng cho người Bồ. Nếu đây không phải là cuốn sách có sẵn bằng tiếng Bồ, thì phải chăng chính giám mục đã soạn bằng tiếng Bồ, vì biết rằng có nhiều thày giảng biết tiếng Bồ? Sách do thừa sai soạn đã được giao cho các thày giảng chép tay và giữ lấy để học hỏi.

Trong số các tác phẩm về đạo được các tài liệu đương thời nói tới, còn phải kể đến các thư gọi là “thư chung” do thừa sai viết và gửi cho từng cộng đồng tín hữu. Các bức thư này sẽ được đưa ra đọc cho mọi người cùng nghe mỗi khi các tín hữu trong cộng đồng hội họp nhau. “ Thư chung” này có thể thay thế sự hiện diện của thừa sai nhất là khi họ bị cấm hoạt động. Nội dung của các ‘thư chung’ này thường là “những lời khuyên bảo thiêng liêng trích trong Phúc Âm hay ngày lễ các thánh trong tuần” để hỗ trợ tinh thần các tín hữu trong các cuộc cấm cách[22]. Điều có thể làm người ta ngạc nhiên là ngay vào thời kỳ đầu này, cộng đồng các tín hữu đã có lịch riêng “ghi nhớ các ngày lễ và ngày chay trong năm”[23]. Cuốn lịch này đã do chính tay các tín hữu biên soạn ra và “các thày giảng đem đi in ở kinh thành rồi phát cho khắp xứ”[24]. Sự kiện này do Al. de Rhodes ghi lại khi linh mục đang hoạt động tại Đàng Ngoài, tức vào khoảng thời gian giữa các năm 1627 và 1630, nghĩa là rất sớm, ngay buổi đầu của công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài. Chắc chắn đây mới chỉ là một cuốn lịch sơ sài với số “in” ra chắc cũng không nhiều, nhưng việc soạn và phổ biến cuốn lịch này đã cho chúng ta thấy việc cử hành các ngày lễ trong đạo chiếm một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt của các cộng đồng Công giáo ngay từ khi mới được thành lập tại Việt Nam.

Tài liệu của các thừa sai cũng còn cho thấy là nhiều người Việt Nam, sau khi gia nhập Công giáo, cũng đã biên soạn những tác phẩm hay bản văn có nội dung đạo và các tác phẩm này cũng được phổ biến không kém phần rộng rãi. Trước hết phải kể tới một nữ tác giả, được giới thiệu là con gái của người em gái (hay chị) của chúa Đàng Ngoài, tức Trịnh Tráng, có tên đạo là Cathêrina. Con gái của bà Cathêrina này đã soạn bằng thơ “tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Kitô giáng thế, cuộc đời, sự Thương khó, phục sinh và lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối bài thơ một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc âm”[25]. Tài liệu đã không quên nói thêm về việc tác phẩm này được đón nhận và sử dụng trong cộng đồng Công giáo như thế nào: “Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê..[26]. Rất tiếc là tác phẩm này nay không còn tìm ra được nữa. Đây có lẽ là một bài văn và điều đáng lưu ý là tác phẩm này đã trình bày giáo lý dưới khía cạnh lịch sử cứu độ như được trình bày trong Kinh Thánh.

Lịch sử truyền giáo của dòng Đaminh cũng cho chúng ta thấy là các thừa sai người Tây Ban Nha của dòng đầu tiên tới truyền giáo tại Việt Nam, cũng đã bỏ nhiều công sức để dịch hoặc biên soạn các sách đạo để sử dụng trong cộng đồng các tín hữu. Lịch sử này còn ghi lại nhan đề của một số tác phẩm do các linh mục Juan de Santa Cruz, hoạt động gần 50 năm (1676-1721) tại Đàng Ngoài, Raymundo Lezoli, người Ý, tới Phố Hiến năm 1681 và qua đời tại Đàng Ngoài năm 1706, dịch và biên soạn. Tổng cộng có tới 15 đầu sách[27].

KẾT LUẬN

Trong những điều kiện “in ấn” của Việt Nam vào thế kỷ XVII, trình độ của đa số các tín hữu Công giáo, những khó khăn do các sắc lệnh cấm đoán của các chúa Đàng Trong và Đàng Ngoài gây nên, các loại sách đạo này hẳn đã không được phổ biến rộng rãi lắm. Một số do các thừa sai mang theo để sử dụng riêng, để tặng, để làm tài liệu giảng dạy và đào tạo. Tầng lớp thứ hai sử dụng sách tương đối quan trọng là đội ngũ các thầy giảng, một số tín hữu “học thức”. Đối với số đông các tín hữu khác, phổ biến nhất là nghe đọc sách. Các tín hữu có thói quen họp nhau hằng tuần. Chương trình của các buổi họp này đều có mục đọc và nghe đọc sách, nhất là khi không có linh mục để cử hành nghi lễ đạo. Cũng có khi một cuốn sách được đọc đi đọc lại đến độ tín hữu có thể thuộc lòng. Do đó, có thể nói, sách đạo, trong thế kỷ XVII, về “văn bản” thì có lẽ được phổ biến hạn hẹp, nhưng về “nội dung” thì có thể là đã được phổ biến rộng rãi tới toàn thể các tín hữu.

Rất tiếc là ngày nay, một phần lớn của loại sách này chỉ còn được biết đến qua tài liệu. Khí hậu, những đợt truy quét… đã hủy hoại một phần, phần khác bị phân tán. Các thừa sai đương thời cũng đã tỏ ra thấy rõ nguy cơ của sự mất mát này nên đã tìm cách gửi một số ra bên ngoài. Nhưng không phải lúc nào họ cũng gặp may mắn. Có lần, họ đã nhờ người cầm qua Siam gần 40 bản sao các đầu sách được đánh giá là chính yếu để được lưu giữ.

Cách trình bày đạo, giáo lý của các tập sách đạo này, đối với chúng ta ngày nay, sau gần bốn trăm năm, có thể là đã không còn thích hợp, đã lỗi thời… nhưng chúng ta cũng vẫn không thể không đặt ra câu hỏi: các cuốn “sách đạo” này, -chắc chắn là chỉ có một số ít ỏi còn “sống sót”- vẫn còn hữu ích đối với chúng ta ngày nay và thế hệ tín hữu mai sau, do đó đáng được Giáo hội quan tâm và khẩn thiết tìm cách lưu giữ?

Giuse Nguyễn.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 105 (tháng 3 & 4 năm 2018)

__________

[1] Xin xem Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, bản dịch của Hồng Nhuệ, tủ sách Đại Kết xuất bản, Tp.HCM, 1994, tr. 94-95.

[2] Al. de Rhodes, sđd, tr. 116.

[3] Coi Jacques Gernet, Chine et Christianisme, la première confrontation, ed. Gallimard Paris, 1982, tr. 16.

[4] A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, Documents historiques, Paris, 1927, tr.55 và 458.

[5] Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 116-117. Trong phần ghi chú, dịch giả Hồng Nhuệ còn giả thiết rằng đây có thể là cuốn “Thiên Chúa thực nghĩa” của linh mục M.Ricci. Nhưng cũng có thể là cuốn ‘Thiên Chúa thực lục’ của Minh Kiên (1584).

[6] Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 98.

[7]  Al. de Rhodes, sđd, tr. 218.

[8]  Al. de Rhodes, sđd, tr. 98.

[9] Xin xem A.Launay, sđd, tr. 51.

[10] Bùi Đức Sinh, dòng Đaminh trên đất Việt, in lần thứ hai, Saigon, 1993, quyển 1, tr. 47.

[11] Nguyễn Khắc Xuyên, Cathechismus in octo dies divisus, Phép giảng 8 ngày, Tp.HCM, 1993, trong XII và H.Bernard, Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident, Hanoi 1939, tr. 19, do Nguyễn Đình Đầu trích dẫn trong tham luận nhan đề “About the relationship between the Japanese and Vietnamese people on the fields of trade and evangelization at Faifo – Phố Hiến in the early 17th century, đọc tại đại học Sophia, Tokyo, tháng 9.1994.

[12] Al. de Rhodes, sđd, tr. 84.

[13] Al. de Rhodes, sđd, tr. 132.

[14] Võ Long Tê, Thiên Chúa Thánh giáo khải mông, in trong tập Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1993, trg 26.

[15] Thanh Lãng, Thử thiết lập hồ sơ về hai người con gái: Một con của Phật, một con của Chúa, in trong Về sách, sđd tr. 14.

[16] Võ Long Tê trích dẫn, sđd, tr. 32.

[17] Xin xem Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX) sđd, trg 53.

[18] A. Launay, sđd, tr. 296.

[19] A. Launay, sđd, tr. 296.

[20] A. Launay, sđd, tr. 33-34.

[21] A. Launay, sđd, tr. 14.

[22] A. de Rhodes, sđd, tr. 140.

[23] A. de Rhodes, sđd, tr. 160.

[24] A. de Rhodes, sđd, tr. 160

[25] A. de Rhodes, sđd, tr. 106.

[26] A. de Rhodes, sđd, tr. 106.

[27] Bùi Đức Sinh, sđd, tr. 47.