Sau hơn 1 tháng rưỡi bị ngưng vì đại dịch Covid-19, nhiều cộng đoàn tôn giáo đang hoặc sắp sửa mở lại các hoạt động phụng tự có giáo dân tham dự, nhưng với các biện pháp hạn chế, phòng ngừa lan lây Coronavirus.

 

Một Thánh lễ trong mùa đại dịch  (ANSA)

 

 Thực vậy, Đền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô đã bị đóng cửa từ ngày 10 tháng 3-2020. 1 tháng rưỡi đã trôi qua từ ngày biểu tượng của các hoạt động tôn giáo nói chung và của Công Giáo nói riêng bị ngưng lại vì đại dịch Covid-19. Nhưng đó đây, tại nhiều địa phương, các hoạt động tôn giáo dần dần được mở lại, với các thánh lễ có giáo dân được tham dự, ban đầu với một số nhỏ, và được nới rộng thêm, tuy luôn luôn phải tuân giữ các biện pháp phòng ngừa lan lây Coronavirus.

Hàn quốc

 Tại Á châu, hôm 20-4-2020, Chính Phủ Hàn Quốc đã nới rộng các biện pháp phong tỏa và cho mở lại một số hoạt động, trong đó có các thánh đường, trước sự tiếp tục giảm sút số người bị lây nhiễm Coronavirus.

 Các nước Âu Châu

 Tại Âu Châu, thuộc hàng đầu tiên mở lại các hoạt động tôn giáo theo chiều hướng này phải kể đến Ba Lan, bắt đầu từ thứ hai 20-4-2020, với số tín hữu được dự lễ là 50 người.

 Tại Cộng hòa Tiệp, bắt đầu từ thứ hai 27 tháng 4-2020, có thể có 15 người dự mỗi thánh lễ, tiếp đến từ ngày 1-5 có thể có 30 người dự, rồi từ ngày 8-6, tất cả các thánh đường sẽ được mở cho tất cả mọi người dự lễ.

 Tại Cộng hòa Liên Bang Đức, bang đầu tiên trong số 16 bang đã cho mở lại các buổi lễ tôn giáo có giáo dân tham dự, là bang Sachsen (Sassia), ở miền Đông nước Đức, cho mở lại từ hôm 20-4-2020, trong giai đoạn đầu không quá 15 người dự lễ rồi sẽ nới rộng. Cũng vậy đối với thủ đô Berlin với 50 người dự lễ mỗi lần.

 Nhiều bang khác tại Đức cũng thông báo việc dần dần mở lại các buổi lễ tôn giáo có giáo dân tham dự từ sau ngày 30-4-202. Ví dụ bang Bavaria, có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Đức, cho biết việc mở lại các buổi lễ có giáo dân sẽ bắt đầu từ thứ hai 4-5 tới đây.

 Hôm 24-4-2020, HĐGM Đức đã công bố một loạt các biện pháp vệ sinh phòng chống Coronavirus nên thi hành sau khi mở lại các thánh lễ có giáo dân tham dự, tuy rằng trước đó một số giáo phận đã đề ra các biện pháp, vì thời điểm mở lại các buổi lễ khác nhau tùy theo mỗi bang và giáo phận.

 Italia

 Tại Italia, HĐGM cũng đang làm việc với chính phủ để nới rộng các điều kiện cử hành các lễ nghi tôn giáo, sau ngày 4-5-2020, khi đất nước này tiến qua giai đoại thứ 2 trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

 Hôm 24-4-2020, Chủ tịch HĐGM Italia, ĐHY Gualtiero Bassetti, TGM giáo phận Perugia, kêu gọi mở lại các thánh lễ có giáo dân tham dự và các lễ an táng có thân nhân dự lễ. ĐHY Bassetti, nói rằng: ”Tôi chân thành nói với tất cả các cơ quan và các tổ chức: nay đã đến lúc mở lại các thánh lễ chúa nhật và các lễ an táng tại nhà thờ, không kể bí tích rửa tội và các bí tích khác, dĩ nhiên là theo các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh, trước sự hiện diện của nhiều người tại những nơi công cộng”.

 – Tại Thụy Sĩ, Chính phủ Liên bang cho biết các buổi cử hành tôn giáo công cộng tại nước này tiếp tục bị cấm cho đến ngày 8-6 tới đây, tuy nhiên các lễ an táng có thể được nới lỏng từ ngày 27-4, nhưng chỉ được phép cử hành trong khuôn khổ gia đình.

 Công Giáo tại Áo đang chuẩn bị mở lại các buổi lễ từ ngày 15-5-2020.

 Tại Pháp, Chính phủ dự kiến sẽ thẩm định vấn đề mở cửa các nhà thờ vào đầu hoặc giữa tháng 6. Còn tại Bồ đào nha, việc mở cửa nhà thờ có giáo dân tham dự phụng vụ, dự kiến từ tháng 5 sắp tới.

 Mặt trái của các buổi lễ trực tuyến

 Trong thời gian qua, hầu hết các nơi trong Giáo Hội hoàn vũ, bắt đầu từ Vatican, các buổi lễ được trực tuyến. Nhưng trong thánh lễ trực tuyến lúc 7 giờ sáng ngày 17-4-2020, ĐTC đã cảnh giác đừng biến Giáo Hội thành một cộng đoàn tiềm thể, không có đời sống cộng đoàn. Ngài nói: ”Một tình thân mật mà không có cộng đoàn, không có Giáo Hội, không có các bí tích, đó là điều nguy hiểm, nó có thể trở thành một thứ thân mật chỉ có tính chất tri thức, tách rời khỏi dân Chúa.”

 Từ đó, ĐTC nhận xét rằng ”trong thời kỳ đại dịch này, người ta hiệp thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng không ở gần nhau, như đang xảy ra trong Thánh Lễ này. Đó là một tình trạng khó khăn, khiến các tín hữu không thể tham dự các buổi cử hành và có thể tự mình rước lễ thiêng liêng. Chúng ta phải ra khỏi đường hầm này để cùng nhau tái trở thành Giáo Hội với nhau, vì đây không phải là một Giáo Hội, nhưng là một Giáo Hội ở trong tình trạng khó khăn, có nguy cơ trở thành tiềm thể.”

 Có một khía cạnh khác ĐTC không nói tới, nhưng rất thực tiễn, đó là không có giáo dân tham dự các buổi lễ, thì giáo xứ sẽ bị thiếu hụt tài chánh, gặp khó khăn trong việc trang trải các phí tổn của giáo xứ.

 Lòng khao khát của các tín hữu

Những sự kiện trên đây nói lên lòng khát khao của các tín hữu được tham dự thánh lễ trực tiếp, và ra khỏi tình trạng bị hạn chế hiện nay vì đại dịch. Trong bối cảnh này, đây đó có những vụ nhân viên an ninh nhà nước can thiệp thái quá. Như tại Italia, có ít nhất 40 LM bị cảnh sát làm biên bản phạt, hoặc bắt ngưng thánh lễ đang cử hành vì cho rằng các vị vi phạm các qui luật an ninh chống Coronavirus. Nhưng một ban luật sư đang chuẩn bị giúp các LM khởi tố chống lại những hành động lạm dụng quyền bính và phạt sai trái trong những vụ này. Một vài đại biểu quốc hội như ông Vittorio Sgarbi thuộc đảng Forza Italia và ông Enrico Aimi, hoặc thượng nghị sĩ Alessandro Pagano, đưa một số vụ ra trước quốc hội để trách cứ chính phủ hạn chế tự do tôn giáo.

  – Như vụ chiều ngày 30-3-2020, cha sở Domenico Cirigliano, 76 tuổi, của Giáo Xứ Đức Mẹ Truyền Tin ở Rocca Imperiale, tỉnh Cosenza, nam Italia, đã cầm thánh giá phép lạ tiến qua các đường phố trong giáo xứ để làm phép cho dân chúng. Dân chúng rất hài lòng và mở cửa sổ đón nhận. Các bạn trẻ ủng hộ qua whatsapp. Cha đi một mình và không có nguy cơ gây lây nhiễm virus cho ai, nhưng đã bị cảnh sát lập biên bản phạt 400 Euro và nếu trả tiền phạt ngay trong vòng 5 ngày thì được giảm xuống còn 280 Euro. Thị trưởng cũng buộc cha Domenico bị cách ly 14 ngày.

 – Hoặc tại Marina di Ceveteri, miền Lazio, gần Roma, hôm 15-3-2020, 2 cảnh sát đột nhập thánh đường buộc 1 LM là cha Mimmo thuộc giáo xứ thánh Phanxicô, phải ngưng thánh lễ đang cử hành không có giáo dân tham dự. Cảnh sát nói rằng cha đã không đóng cửa nhà thờ, và bên ngoài thánh đường có vài giáo dân.

 – Hoặc hôm chúa nhật 19-4-2020, tại giáo phận Cremona, cha sở già Lino Viola, 88 tuổi cử hành thánh lễ có 1 gia đình 6 đang có tang dự lễ, vài người khác lẻn vào sự lễ ”ké”. 1 nhân viên hiến binh đến buộc cha ngưng thánh lễ, nhưng cha không chịu. ĐHY Becciu Tổng trưởng Bộ Phong thánh và ĐHY Krajewski Chánh sở từ thiện của ĐTC đã bày tỏ liên đới với cha già. Hiến binh (Carabieri) đã biên phạt cha Viola 680 Euro, nhưng nhiều người khuyên cha khiếu nại, đừng trả tiền phạt bất công này.

 Trang mạng ”La bàn thường nhật mới” (La Nuova Bussola quotidiana) truyền đi ngày 18-4-2020 cho biết Luật sư Francesco Fontana, thuộc luật sư đoàn ở thành phố Milano, đang thu thập các dự kiện và tài liệu để giúp các LM bị phạt oan khởi tố chống lại những vụ lạm quyền của cảnh sát, hoặc do sự quá sốt sắng, hoặc vì thành kiến, ác cảm với tôn giáo.

 Trong khi chờ đợi, luật sư Francesco Fontana khuyên các LM bị phạt đừng trả tiền phạt vì những hình phạt đó trái luật (KNA 20-4-2020)

 Tại Pháp

 Tại Pháp cũng có vụ tương tự, nhưng giáo quyền bênh vực các linh mục và phản đối hành động sai luật của các nhân viên an ninh.

Thực vậy, Đức TGM giáo phận Paris, Michel Aupetit, tố giác 3 cảnh sát võ trang đã đột nhập một thánh đường ở Paris trong lúc 3 LM đang cử hành thánh lễ để yêu cầu ngưng buổi lễ, trái với qui luật cấm cảnh sát võ trang vào 1 thánh đường.

 Vụ này diễn ra hôm chúa nhật 19-4-2020 tại giáo xứ Saint-André-de-l’Europe, thuộc quận 8, trong lúc cha sở Philippe de Maistre đang cử hành thánh lễ với 2 LM đồng tế, cùng với 1 người giúp lễ, 1 ca trưởng, 1 người đánh đàn và 3 giáo dân thưa kinh và đọc sách. Giữa thánh lễ, có 3 cảnh sát vào nhà thờ và yêu cầu ngưng thánh lễ, bất chấp luật cấm các cảnh sát võ trang không được vào nhà thờ.

 Cha Philippe kể lại: ”Tôi tiếp tục dâng lễ, nhưng cảnh sát truyền tôi phải ngưng. Trưởng toán cảnh đòi lập biên bản và để cho 2 cảnh sát viên tiến hành. Người giúp lễ của tôi, cũng là một nhân viên cảnh sát, đã xuống nói chuyện với với họ. Sau 20 phút họ ra đi, sau khi đòi 3 giáo dân phải ra khỏi nhà thờ”. Sau cùng, cha sở không bị lập biên bản.

 Cha Philippe đến tòa thị chính quận 8 ở Paris để bá cáo sự việc, và họ đã can thiệp ngay với sở cảnh sát địa phương. Cha cũng trình Đức TGM Aupetit và ngài đã mạnh mẽ tố giác vụ này hôm 22-4-2020 trên đài phát thanh Công Giáo Radio Notre Dame. Ngài nói: ”Cảnh sát đã võ trang vào trong một thánh đường! Nhưng trong nhà thờ không có kẻ khủng bố! Cần phải giữ bình tĩnh và chấm dứt trò xiệc này. Chẳng vậy người ta sẽ lên tiếng và (..) sủa lớn!” (Le Figaro 22-4-2020)

 G. Trần Đức Anh O.P – Vatican News