26/04/2024

Nếu bạn sắp kết hôn, / bạn phải biết bạn đi về đâu. Phúc thay đôi bạn nào hiểu được cuộc hôn nhân của họ là nẻo đường đi về Quê hương Nước Trời.

 

 

  1. và M. gặp nhau cách đây gần một thế kỉ ở dải đồi miền nam Ohio, một làng quê cạnh dòng sông Ohio. C. bấy giờ 9 tuổi khi bố em gom bọn trẻ trên chiếc xe bò đi đám tang. Một người hàng xóm mới qua đời, để lại người vợ góa với bốn đứa con thơ.

Sau lễ tang, bọn trẻ chơi đùa quanh khu nghĩa trang, C. để ý cô bé M. 7 tuổi đứng bên gia đình đang đau buồn. Cậu nghĩ “thật buồn, tội nghiệp cô bé giờ không còn bố”. C. khi ấy chợt nghĩ và thề nguyện với mình trong lòng sẽ quan tâm đến cô bé những tháng năm sắp tới.

  1. và M. chẳng bao lâu sau đó gặp nhau mỗi ngày. Cả hai đứa đều ở trong đám trẻ cùng đi đến trường hằng ngày, tung tăng trên con đường hơn một dặm dẫn xuống ngôi trường một phòng học duy nhất.

Thời gian trôi qua tình bạn càng khắng khít. C. học xong lớp tám và phải rời trường để phụ gia đình chăm nom việc đồng áng. M. rồi cũng trở thành cô giáo dạy các trường làng quê ở Ohio. Hai đứa thích nhau và bắt đầu hẹn hò. Hai người cũng cùng đi nhà thờ.

Khi C. đến hai mươi tư tuổi, anh rời nông trại và đến Pittsburg làm việc tại nhà máy. Anh cần có nhiều thu nhập hơn những hoa lợi từ nông trại nhỏ bé của gia đình anh. Thế là anh khởi sự làm việc như một nhân viên chăm gia cầm. Anh làm việc tốt và chăm chỉ để rồi bốn năm sau anh và M. cưới nhau.

Ngày cưới, đôi bạn và gia đình họ cùng bạn bè đến nhà thờ quê hương sở tại mình. Cha xứ già đã nghỉ hưu Newman làm lễ cưới cho họ. Ngài phải ngồi hầu như suốt buổi lễ vì sức khỏe đã yếu do đã quá tám mươi.

Nhưng cha Newman đã làm một nghi thức đặc biệt. Trước Thánh lễ, ngài hướng về C. và nói “Khi cha tuyên bố anh chị thành vợ thành chồng, con hãy nắm lấy tay M. và không bao giờ buông ra nữa”. C. đã làm đúng như cha dặn. Để có nhau và giữ nhau, từ nay và mãi về sau.

Sau đó, mọi người vui mừng chia sẻ với nhau chiếc bánh kem và ly rượu sâm banh ngọt ngào. Và đôi tân hôn qua đêm ở nhà mẹ cô dâu. Ngày hôm sau, hai vợ chồng thăm gia đình họ hàng C., thưởng thức món gà rán và tiếp tục ăn bánh ngọt. Ngày hôm sau nữa, đôi bạn đến Pittsburgh, để C. tiếp tục làm việc và M. bắt đầu làm quen và ổn định cuộc sống ở căn nhà mới.

  1. trở lại làm việc ở nhà máy, trong thành phố đầy khói bụi của các nhà xưởng sản xuất. M. cảm thấy đơn độc trong môi trường mới này, cô thường hay nhớ tưởng những người dân ở quê nhà.Khi vui cũng như khi buồn.

Nhưng rồi tình hình trở nên tốt đẹp hơn. Cô và C. gặp được một giáo xứ mới, có các cặp vợ chồng trẻ đồng trang lứa và những người bạn tốt thân thiện, một vài người trong số đó sau này đã trở thành bạn thâm niên với họ đến cuối đời.

Rồi cũng đến lúc có khủng hoảng. Nhà máy của C. vẫn hoạt động nhưng bây giờ thời gian lao động trở nên sít sao, căng thẳng hơn. Anh phải làm cật lực. M. nắm tài chính gia đình và vật vã để tiết kiệm từng đồng bạc. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan.

Đó là thời gian không lâu trước khi chào đón đứa con đầu lòng chào đời. M. vẫn ổn cho tới một ngày giữa tháng Năm lúc cô mang thai khoảng tám tháng.

Hôm đó sau khi ăn sáng xong, cô đau bụng dữ dội. C. vội vã đem cô đến bệnh viện. Một giờ trôi qua, rồi một giờ nữa. Anh cứ lo lắng canh chừng tại phòng đợi, trong khi bác sĩ cố hết sức và cuối cùng thành công cứu cả mẹ M. và con trong bụng.

Đứa bé sinh ngược và phải mổ, cơ thể bé nhỏ của M. toang hoác rã rượi, nhưng sau cùng cô điều dưỡng mang một bé trai bé bỏng đến trao cho C. đang nóng ruột trong phòng đợi. Hai anh chị đặt tên con là To., ở nhà gọi là cu Min.

  1. và bé Min ở bệnh viện thêm một tuần lễ nữa. Khi về nhà, em bé ăn uống rất khó khăn. Hai vợ chồng thử mọi cách để thúc con ăn.

Họ mang con đến bác sĩ khám, ông bảo “Em bé phải bú sữa mẹ thôi, nếu không em sẽ không bao giờ nuôi lớn lên bình thường được”. Bác sĩ gợi ý M. uống chất dinh dưỡng Malt-Nutrine. Thế nhưng, C. và M. không thể mua nổi với giá cả quá đắt như vậy. Bởi thế bác sĩ hỏi liệu anh chị có thể tự pha chế được thứ thức dinh dưỡng này không.

  1. trả lời “tôi không biết, nhưng có thể sẽ học làm được mau thôi”.

Và anh đã học được cách pha chế. Chẳng bao lâu C. thấy anh có thể sản xuất được tám mươi chai chỉ với một đô-la, và M. uống mỗi ngày ba chai. Cuối cùng thì M. cũng có sữa căng đầy cho con bú. Bé Min bắt đầu lớn như thổi. Khủng hoảng sinh đẻ và thách thức sự sống còn của bé Min chỉ làm cho tình yêu của C. và M. sâu đậm thêm.

Năm tháng trôi qua mau, C. làm việc đằng đẵn chăm chỉ tại nhà máy cán thép và dần vươn lên từ một công nhân bình thường thành quản đốc. Bé Min đã lớn thành cậu sinh viên To., rồi gia nhập quân ngũ, đóng quân tại California, và lập gia đình.

Cuối cùng, C. cũng nghỉ hưu, ông và M. mau chóng dời đến Fresno, California để sống gần To. và gia đình nhỏ của cậu. Cuộc sống của C. và M. thư thả. Hai người ghi danh vào sinh hoạt giáo xứ ở đó và trông nom hai cháu gái bé bỏng rất dễ thương đang lớn từng ngày.

Dòng đời trôi. C. chăm sóc M. mắc bệnh ung thư ngực, giải phẫu mắt, và gãy hai xương chậu. Ông rốt cuộc phải tự lo mọi chuyện bếp núc, giặt giũ, phơi đồ, xếp quần áo. Ông tắm rửa cho vợ, bà bị sụp cột sống do bệnh loãng xương. Khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe.

Một buổi tối tháng Tám, lúc C. tắt truyền hình và hai vợ chồng sắp đi ngủ thì M. ngã quị kêu thét đau đớn. Ông hoảng loạn gọi 911 và chờ đợi. Tại bệnh viện, M. được cấp cứu mổ khối u loét bị vỡ.

Từ đó, ông không thể trực tiếp chăm sóc vợ như trước được nữa. Cả nhà quyết định đưa bà đến Nhà Hi Vọng (Hope Community Home), một viện điều dưỡng không xa nhà họ mấy. M. dần làm quen với các nhân viên điều dưỡng và những cư dân ở đó. Bà là một bệnh nhân dễ chịu, dịu dàng, vui vẻ hay cười, không bao giờ phàn nàn.

Căn phòng bà ở khá rộng, ông có thể đem cái ghế gỗ đung đưa từ nhà đến, đặt cạnh giường bà nằm. Đó chính là cái ghế hai người đã mang đi từ Pittsburgh. Chiếc ghế cọt kẹt êm ả đung đưa có C. ngồi bên cạnh cho bà bình yên thư thái.

  1. mỗi ngày một yếu nhợt đi. C. tiếp tục giúp bà ăn ba lần mỗi ngày. Ông cứ nghĩ ngợi băn khoăn có nên dọn vào ở đây với bà không thay vì đến ở với To. và gia đình nó. Ba lần mỗi ngày C. lái xe đến ở với M. tại ngôi Nhà Hi Vọng này. Ông vẫn giúp bà mỗi bữa ăn. Khi ông phải nạp trả lại bằng lái xe vì đã quá già, vào ngày sinh nhật thứ chín mươi hai, C. phải đi về bằng xe bus công cộng để ở đó giúp M. mỗi bữa ăn và ngồi trên chiếc ghế gỗ đu đưa bên M.
  2. giúp M. súc miệng rửa hàm răng giả, chêm gối chăn quanh người bà khi ngồi xe lăn, dịu dàng sấy tóc cho bà. Mỗi dịp lễ Giáng sinh, ông mua cho bà hai bộ đồ mới toanh mặc ở nhà. Ông dâng hoa nhà thờ họ mừng kính Chúa Mẹ cầu nguyện cho bà.
  3. bắt đầu có những dấu hiệu bị lẫn. Bà không biết chắc chắn bản thân mình là ai, mình đang ở đâu. M. càng lẫn nhiều ông càng hoảng. Sau cùng, sau năm năm C. đến hằng ngày giúp bà mỗi bữa ăn, bác sĩ của ông khuyên ông phải bớt lại. Vì thế ông chỉ còn đến thăm bà hai lần mỗi ngày thôi.

Ngày 23 tháng Giêng dương lịch, gia đình gặp bác sĩ. Có tin không lành. M. bị viêm phổi, không ăn được nữa. Cơ thể bà bắt đầu teo tóp dần. Thần Chết đến gần.

Từ đó, C. luôn ở bên cạnh M. nói luôn miệng “M. ơi đừng chết nhé. Anh van em đừng  bỏ anh”.

Rồi biết rằng cái M. cần nhất lúc này là lời đoan hứa của ông, C. rốt cuộc thốt lên “Được rồi, em yêu. C. đây. Anh yêu em”.

Ngày 27 tháng Giêng, Chúa nhật. To. đi nhà thờ và nhận Mình Thánh Chúa. Mọi người giáo dân trong nhà thờ đều biết tại sao ông C. vắng mặt. Sau Thánh lễ, To. và cha xứ đến thăm C. mang Mình Thánh Chúa cho ông. Họ cùng đọc Thánh Vịnh 23.

Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, / tôi chẳng thiếu thốn chi. / Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. / Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. / Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.

Mọi người chìm lắng trong Bình an phó thác.

Họ rời đi. Một mình C. ở lại. Nghiêng mình trên giường ông dịu dàng khẽ nói “Chào M.”.

Bàn tay nhỏ nhắn của nàng trong lòng bàn tay ông như ngày tân hôn, M. trút hơi thở cuối cùng. Để yêu thương tôn trọng nhau mọi ngày đến cuối cuộc đời.

Vài ngày sau bà nằm yên nghỉ mãi mãi với chiếc hộp nhỏ đặt bên cạnh. Trong đó là chiếc áo cưới hồng nhạt ghi dấu thời gian sáu mươi năm trước M. mặc trong ngày cưới, khi nàng nói lời hứa yêu thương tôn trọng C. cùng sẻ chia cuộc đời này với ông.

Tôi không có đặc ân được gặp gỡ C. và M.. Khi được nghe câu chuyện thật đẹp này tôi buộc thốt lên lời ngợi khen chúc tụng. Họ rõ ràng mong muốn cùng giúp nhau lên trời. Họ khao khát muốn người bạn đời của mình được nên tốt đẹp hơn. Họ nhằm chờ nhau ở bến bờ vĩnh hằng kia.

Họ có một mục đích bí nhiệm. Họ biết mục tiêu của mình hướng đến trong cuộc đời. Châm ngôn dạy rằng “Bạn hãy khởi đầu bằng cách nghĩ đến đích điểm cuối cùng”. Nói cách khác, hãy biết bạn đang đi về đâu. C. và M. đã sống đúng như vậy. Đôi bạn ấy biết mục đích của họ (là lên trời), và đã cùng nhau đeo đuổi nó trong cuộc hôn nhân trong hơn sáu mươi năm ròng.

Thánh Gioan Thánh Giá chia sẻ lời khôn ngoan này: Mục đích của Thiên Chúa là biến đổi linh hồn bạn nên vĩ đại. Đó là mục đích.

Hầu hết chúng ta đều sống, đúng hoặc không đúng, với những gì ta mong đợi. Khi hai người kết hôn, nếu như họ ôm ấp thiết tha cái hoài bão làm cho bạn đời của mình luôn tốt đẹp hơn, giúp anh ấy cô ấy vươn lên trời, cuộc hôn nhân ấy sẽ đơm hoa kết trái, triển nở. Tốt hơn nữa, nếu như họ hiểu rằng Thiên Chúa đang hành động biến linh hồn họ nên vĩ đại, họ có một mục đích chung, có một đích đến cùng nhắm tới. Họ biết họ đi về đâu: lên trời, về với Chúa. Đó là hoài bão cao nhất của mọi người.

Hãy biết bạn đang đi về đâu. Đó là bí quyết sống có mục đích.

Thiên Chúa tỏ hiện trong lời thề hứa. Mọi ngày.

Hôn nhân là một huyền nhiệm. Có điều gì đó tồn hữu trong hôn nhân sâu xa hơn nữa chứ không chỉ là bốn mắt nhìn nhau.

Chỉ một từ mô tả được điều ấy, là huyền nhiệm (mystery). Có từ ngữ nào mô tả được thực tại hai con người hòa nhập thành một, hai cuộc đời kết nối với nhau thành một không? Mỗi cuộc hôn nhân mang lấy một cuộc sống duy nhất và mọi sự trong cuộc sống của hai người phối ngẫu hoàn toàn chỉ cho mối quan hệ đó. Đó là một huyền nhiệm. Và đó là huyền nhiệm của bí tích.

Một “sự kết hợp huyền nghiệm” (“mystical union”) có lẽ là cách nói tốt nhất mô tả một cuộc hôn nhân lành mạnh. Nhưng “kết hợp huyền nghiệm” không phải là từ ngữ thông dụng chúng ta dùng hằng ngày.

Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn kết hợp trong huyền nhiệm với bạn, kết hiệp giữa các ngôi vị trong tinh thần. Bạn hãy cố nghĩ đến chuyện ấy. Thánh Kinh là một câu chuyện tình yêu. Thật vậy, từ đầu đến cuối Thánh Kinh là một chuyện hôn phối. Khởi đầu với câu chuyện tạo dựng Ađam và Evà, hôn phu và hôn thê đầu tiên, trong Sáng thế. Thánh Kinh đạt đến đỉnh cao và kết thúc ở Khải huyền, với thị kiến về lễ cưới vinh hiển của Con Chiên. Ở lễ cưới thiên quốc ấy, mọi người dân trung tín của Thiên Chúa sẽ được kết hiệp với Ngài một lần dứt khoát, và mãi mãi. Sách Thánh cho chúng ta thấy ước muốn sau cùng của Thiên Chúa là kết hôn với chúng ta. Chúng ta là dân yêu quí của Ngài. Chúng ta sẽ là Hiền thê của Ngài. Đó là một sự kết hợp huyền nghiệm.

Thiên Chúa kết hợp một đôi bạn trong hôn nhân giống như Ngài kết hợp bạn và tôi trong chính Ngài vào ngày cánh chung đó. Cuộc hôn nhân thế gian này của bạn bây giờ là một nhiệm tích vì nó chỉ đến cái viễn tượng cánh chung đó của Khải huyền, khi chúng ta sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Các bí tích, như Rửa tội, Thánh Thể, Thêm sức, và Hôn phối, tất cả là dấu chỉ bề ngoài của thực tại Thiên Chúa đang làm bên trong chúng ta. Trong hôn nhân, Ngài kết hợp hai con người lại với nhau một cách thiêng liêng, giống như Ngài sẽ đích thân làm với mỗi người chúng ta tại lễ cưới cánh chung.

“Và tôi thấy Thành thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” (Kh 21,2).

Hôn phu và hôn thê bây giờ giống như khi ấy sẽ là Thiên Chúa và Hội Thánh Người. Một huyền nhiệm.

Huyền nhiệm ấy là huyền nhiệm của bí tích. Hai cuộc đời thực sự trở thành một. Người chồng và người vợ kết hợp với nhau, cả trong thể xác, tình cảm và linh hồn, trong mọi thể thức. Chồng và vợ cùng chung sống, cùng nhau tạo lập một cuộc sống trong tư cách một đôi, và họ có tiềm tàng khả năng là đối tác giao ước với Thiên Chúa để tạo dựng sự sống mới qua con cái. Vợ chồng sẽ vui hưởng hạnh phúc cùng nhau, chịu khổ chịu cực cùng nhau, và luôn giúp nhau cho đến khi răng long tóc bạc. Đời sống và kinh nghiệm của họ sẽ trở thành một kết hợp huyền nghiệm, một bí tích. Hãy nhớ lời của thánh Gioan Thánh Giá: Mục đích của Thiên Chúa là muốn làm cho linh hồn bạn nên vĩ đại. Các bí tích đều có ý hướng như thế. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần ước muốn dùng cuộc hôn nhân của bạn để chia sẻ ân sủng vô hình và sự thánh thiện bên trong cho linh hồn bạn. Đó là sự hoạt động của một bí tích.

Bạn nghĩ xem bạn đã thường nghe như thế nào, người ta nói li dị như là một cái chết. Bởi hôn nhân không giống như mọi mối quan hệ khác. Nó không chỉ là một cuộc sống chung; cũng không phải là một hợp đồng, một thỏa ước. Hôn nhân cung cấp cho ta một cái gì sâu xa hơn và mầu nhiệm hơn nhiều: đó là vì nó là huyền nhiệm bí tích.

  1. và M. lấy nhau và cùng phục vụ trong môi trường giáo dục được vài mươi năm. Hai vợ chồng được mọi người quí mến bởi khả năng giảng dạy và lãnh đạo tuyệt vời của họ. R. trở thành chủ tịch của một trường cao đẳng và phục vụ trong nhiệm vụ ấy hơn hai mươi năm. Anh và M. có nhiều bạn hữu khắp nơi trên thế giới và nhiều người phải ganh tị khi thấy đôi bạn này sống say mê và có lí tưởng cuộc đời và niềm tin của họ.

Khi hai người đến độ tuổi ngũ tuần, một ngày nọ, trong khi kể chuyện về một sự kiện ở Florida, M. kể lặp lại lần nữa cùng một câu chuyện chỉ trong vòng sau đó có 5 phút. R. nhận thấy hơi kì lạ. Xưa nay chưa hề có chuyện ấy. M. chỉ mới có 55 tuổi thôi.

Việc lặp đi lặp lại trong khi M. phát biểu giữa công chúng bắt đầu thấy xảy ra thường xuyên hơn, nhưng chưa đến mức làm R. quá lo lắng. Mãi đến ba năm sau, khi M. bị đau và đi khám tim ở bệnh viện, bác sĩ mới báo tin chấn động: cô ta mắc bệnh Alzheimer. Và như thế có nghĩa là sẽ bắt đầu một quá trình M. từ từ bị tổn thất và hao mòn dần sự tinh anh sắc sảo cùng những tài năng đặc biệt của cô.

Tuy nhiên, cô vẫn còn nhận việc nói chuyện với công chúng và tham gia giảng dạy. Cô vẫn có những lúc, trong một vài khung cảnh nào đó, nói lặp sự kiện, rồi quên (không biết) mình đang ở đâu trong những lúc khác, và nói không mạch lạc trước mặt mọi người, về nhà cô cảm thấy kiệt quệ, buồn tủi vì đã không còn làm tốt được như xưa nữa. Bệnh Alzheimer ngày càng phát trầm trọng hơn, từ từ như dòng băng giá tan chảy lẻn dần vào trí óc và linh hồn cô.

Chẳng bao lâu R. cảm thấy sợ để mặc M. ở một mình, nên từ đó họ đi đâu cũng có nhau. Bất cứ ở đâu họ đến, nếu anh chỉ rời mắt khỏi nàng chỉ một chốc lát cô liền đi lạc. M. đang vuột khỏi tay anh, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Người làm giúp việc nhà cũng rời bỏ càng khiến nhiệm vụ chăm sóc M. thêm nặng nề.

  1. lúc nào cũng phải đi bên cạnh nàng, chẳng bao lâu làm anh quá tải. Một lần hai người đi Atlanta, chuyến bay bị hoãn lại hai tiếng đồng hồ. Trong khi đợi ở phi trường, M. cứ hỏi đi hỏi lại một chuyện gì đó. Cứ khoảng mỗi 5 phút M. lại rảo bước đi loanh quanh không mục đích dọc ngang sân ga phi trường mênh mông. R. phải hối hả đi theo mới bắt kịp nàng. Một lần sau vô số những cuộc đi bộ rượt đuổi bở hơi tai như thế, một chị nhân viên ngồi ở băng ghế đối diện mới thốt lên với một người bạn, “giá mà tôi cũng sẽ gặp được một người đàn ông yêu thương tôi như thế!”.

Rốt cuộc sự căng thẳng đến mức giới hạn của nó. R. phải xin từ nhiệm chức chủ tịch hội đồng trường cao đẳng đang lúc rất thịnh phát. Ban quản trị trường rất ngạc nhiên trước quyết định từ bỏ vị trí lãnh đạo ấy của anh. Họ sẵn sàng trả chi phí chăm sóc M. toàn thời gian để cho R. có thể tiếp tục công việc của anh. Bạn bè khuyên R. chỉ cần đưa vợ vào nhà an dưỡng để anh có thể “rảnh tay tiếp tục” nhiệm vụ.

  1. bình thản nhưng kiên quyết từ chối ý kiến đề nghị của ban quản trị. Anh nhẹ nhàng nhắc lại lời thề hứa của anh trước mặt Chúa bốn mươi hai năm trước:Khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng M. mọi ngày suốt đời anh.

Thế là anh từ nhiệm và chăm sóc M., người bạn đời thiêng liêng của anh, toàn thời gian. Trong bức thư xin từ nhiệm anh viết: “Có nghĩa vụ, có công bằng, chính trực, nhưng ở đây còn có điều gì lớn lao hơn nữa, đó là tôi yêu M. Cô ấy là niềm vui của tôi… Tôi không buộc phải, nhưng tôi được cơ hội chăm sóc cô ấy! Một vinh dự lớn để được chăm sóc một con người tuyệt vời như thế”.

Năm tháng trôi qua, bệnh Alzheimer lần hồi khóa chặt dần con người của M., thì cũng đồng thời khép từng phần con người của R. lại. Sau cùng, M. không còn nhận biết được R. là ai nữa. Nhưng thật trớ trêu, bệnh tình M. càng xấu đi, R. càng yêu thương nàng sâu sắc hơn, dòng yêu thương thấm rỉ ra từ mọi ngóc ngách linh hồn anh.

Vâng, quả thật anh có mất kiên nhẫn. Vâng, quả là anh thấy cô đơn. Vâng, quả là anh có cảm thấy thất vọng. Thế nhưng, còn có cái gì đó mạnh mẽ hơn, sâu thẳm, lớn lao hơn chống đỡ anh.

Anh tựa nương vào gia đình và bạn bè. Anh cậy dựa vào những kỉ niệm đẹp, bình yên mà anh và M. đã xây dựng bao năm qua. Nhất là anh kín múc giải khát được từ nguồn tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa.

Sau một đời yêu mến và phụng sự Chúa, R. học biết ca tụng Ngài trong cả những ngày đen tối nhất và không còn hi vọng gì. Lời ca tụng đã đem lại bình an khuây khỏa cho linh hồn mệt mỏi nặng nề của anh.

Như thế đó, dẫu không còn giao tiếp bình thường được nữa, sau hai mươi lăm năm M. trôi tuột dần cho đến ngày qua đời ở tuổi tám mươi mốt, R. vẫn ở đó bên cạnh vợ. Lòng thương yêu vợ của anh được tình yêu Chúa ấp ủ hai người, nuôi dưỡng.

Dĩ nhiên, rất nhiều người không hiểu được ý nghĩa của bí quyết của nhiệm tích này. Một nghiên cứu thực tế đã cho ta thấy rằng khi rơi vào tình cảnh bệnh nan y, bảy trên mười cặp tan vỡ. Căng thẳng làm người ta quá sức chịu đựng. Đáng tiếc thay, thường là người chồng lìa bỏ chính vào cái lúc người bạn đời cần ông nhất. Trong phần nhiều hoàn cảnh đó, người chồng bỏ rơi vợ vì ông nhận hiểu hôn nhân một cách sai lầm ích kỉ. Hôn nhân, theo ông, là cái gì đó chỉ liên hệ đến ông và như ông mong muốn, hơn là một huyền nhiệm của bí tích.

Các bạn tránh bi kịch ấy như thế nào? Bằng cách hãy ôm lấy huyền nhiệm bí tích hơn là chùn bước trước gian nan. R. hiểu rằng anh giúp M. lên trời bằng việc yêu thương nàng và giúp nàng hoàn tất cuộc hành trình trần gian tốt nhất. Anh cũng khám phá ra rằng phục vụ M. đau bệnh như thế là làm cho anh thành con người tốt hơn. Linh hồn anh dần lớn lao lên khi mỗi ngày qua đi. Khi phục vụ nàng, R. tìm thấy được cơ hội để triển nở nên dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, và quảng đại hơn. Phát triển như thế cho anh kinh nghiệm yêu mến trong cuộc đời này và tình yêu Thiên Chúa ở một mức độ anh chưa bao giờ khám phá được bằng cách nào khác.

Có dễ làm như thế không? Hẳn là không. Điều đó có đáng cho ta tìm kiếm không? Chắc chắn như thế rồi. Khi tình yêu trở nên sâu sắc và nở hoa tươi thắm, nó tuyệt đẹp để cho người ta ngắm nhìn tán thưởng.

Khi một cặp vợ chồng thực sự khám phá rằng họ đang sống một huyền nhiệm bí tích, thì sự khám phá đó sẽ biến đổi mối quan hệ của họ. Họ bước ngay vào một mức độ mới mẻ, sâu xa hơn, phong phú hơn. Thiên Chúa đang hoạt động trong họ và qua họ. Họ không chỉ là đối tác phối ngẫu của nhau; họ còn là đối tác của Thiên Chúa nữa.

  1. và M. đã ôm lấy huyền nhiệm bí tích không chỉ vào ngày cưới, nhưng mỗi ngày trong cuộc hôn nhân của họ như Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi lời thề hứa của họ.

Khi tôi nghe câu chuyện thật ý nghĩa này, tôi nhận ra rằng không phải ai cũng sống câu ngạn ngữ “Nếu bạn cảm thấy điều ấy tốt đẹp, hãy làm đi”. Đơn giản là có cái gì đó còn đẹp hơn là việc bạn có cả khối tri thức phức tạp. Trong cuộc sống có một số việc gì đó còn quan trọng hơn làm được những gì bạn muốn và chỉ biết tìm vui thú.

Trong tất cả, yêu thương là từ ngữ đẹp nhất. Không phải bất cứ loại tình yêu nào, nhưng là tình yêu nhân hậu, tình yêu biết hi sinh, cho đi, xem người bạn trọng hơn mình, như Chúa Giêsu đã yêu và vẫn còn yêu thương chúng ta. Tình yêu hóa thân trên thập giá, tình yêu tự hiến.

Trong một thế giới điên cuồng đi tìm thực hiện chính bản thân, Thiên Chúa cho ta thấy còn có cái gì hơn nữa.

Nhưng tôi sẽ cho bạn thấy một cách thức tuyệt diệu hơn.

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Đức mến không bao giờ mất được….

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cr 12,31tt).

Đức mến chính là tình yêu thương quảng đại biết hi sinh. Tình yêu triển nở, chín muồi theo thời gian. Tình yêu của con người phản ánh tình yêu sống động của Thiên Chúa trong các mối quan hệ. Đó là huyền nhiệm bí tích, hay bí quyết của nhiệm tích.

Trong đời hôn nhân, Một lớn hơn Hai.

Một làm sao lại lớn hơn Hai được? Ai cũng biết Một cộng Một là Hai. Và dĩ nhiên, ai cũng biết Hai thì lớn hơn Một.

Nhưng trong thực tế Một thực sự có thể lớn hơn Hai. Đó là bí quyết của sự đồng lao cộng tác.

  1. và H. đã dạy tôi “bài toán học” này. Khi đã kết hôn được hơn năm mươi năm tôi gặp họ lần đầu tiên, họ sống rất giản dị. Ông P. đã từng là công nhân xây dựng và làm quản đốc. Bà H. làm nhân viên thủ thư một thư viện lâu năm trước khi nghỉ hưu. Họ có ba người con trai đã lớn và đã có gia đình.

Trong cuộc sống hưu trí lặng lẽ ấy hai người làm gì cũng có nhau. Họ đi dạo với nhau. Họ đọc sách với nhau. Họ cùng nhau làm việc thiện nguyện ở giáo xứ. Họ hầu như lúc nào cũng ăn với nhau. Nhất là họ cùng làm đất làm vườn với nhau.

Khó mà nói ai, ông hay bà, vui thú việc điền viên này hơn. Dù thế nào, mảnh vườn của họ cũng “ngon” nhất, cả cộng đồng xóm giềng phải ganh tị. Khu vườn của họ không quá to tát cũng không quá nhỏ, nhờ bàn tay của hai người nó sinh hoa kết trái xum xuê hàng năm. Họ trồng cà chua và bí, một ít bắp và đậu, và một loạt các loại rau khác đôi bạn dùng trong các bữa ăn đãi khách hay cho chính họ.

Nhưng trên hết, ông bà trồng hoa hồng. Thật ra, trồng hoa hồng là niềm đam mê của họ. Họ đã thử nghiệm nhiều giống hoa hồng khác nhau, và hàng năm sản sinh ra một loài với một màu một vẻ duy nhất từ mảnh đất vườn dành riêng đó. Dĩ nhiên, hai người rất hào phóng sẵn sàng chia sẻ các bông hoa của họ cho mọi người. Những bông hoa tươi đẹp đó xuất hiện trên các cổng chào các ngôi nhà trong xóm làng, tại nhà thờ, và trong các giỏ hoa ông P. hay bà H. đem tặng khi đi thăm bạn bè, người thân của họ.

Khi các con gái nhà tôi chào đời, ông bà đến thật sớm ngay sau đó cùng với chiếc bình đầy hoa hồng tươi thắm chúc mừng. Hoa hồng là biểu trưng cho sức sống, vẻ đẹp, và lòng nhân hậu của cặp vợ chồng này. Họ cùng nhau chăm chút và trồng tỉa cẩn thận vườn hoa hồng của họ. Họ cùng nhau cười vui chia sẻ thành quả lao động của họ cho người khác.

Nhiều năm sau khi chúng tôi dọn đi nơi khác, vợ tôi và tôi được mời về thăm. Ông P. mới qua đời cách đó không lâu, chúng tôi chưa gặp lại bà H. kể từ khi chồng bà ra đi. Chúng tôi định đến chào và thăm hỏi sức khỏe và cuộc sống của bà H. thế nào, bà sống một thân một mình từ nay.

Buổi chiều chạng vạng, A. và tôi dừng xe ở nhà thờ để ngắm nhìn lại khung cảnh êm đềm vùng quê một lúc. Thật ngạc nhiên, chúng tôi nhận ra bà H. đã ở đấy, đang cắm hoa cho nhà thờ những bông hoa đẹp nhất của bà – hoa hồng, đỏ, trắng, những bông hoa hồng Double Delight cực xinh tươi, đơn sơ mà lộng lẫy.

Không cần phải nói, chúng tôi rưng rưng cảm động được gặp lại bà H. và vui sướng lại thấy những hoa quả của bàn tay khéo léo tỉa tót của bà. Tôi ôm bà và nói: “Hoa hồng của bác rất đẹp. Thật là tuyệt vời được gặp lại bác và những bông hoa tươi thắm của bác”.

Bà H. phấn khích tươi cười, mãn nguyện về những cánh hoa khoe sắc, ngưng giây lát rồi cất tiếng nói “Anh chị nghĩ thế hả? Tôi những tưởng liệu những bông hoa này có khoe nở được không nếu không có ông ấy”.

Bà đã thấy khó hình dung được mình sẽ làm vườn thế nào đây mà không có P. bên cạnh. Ông là một phần của bà, và bà là một phần đời ông. Bà thật sự không thể thấy được mình kết thúc công việc ở đâu và ở đâu ông việc ông P. bắt đầu, cũng như ngược lại. Hai cuộc sống quấn chặt vào nhau đến nỗi không thể nghĩ đến cuộc sống của người này mà không có người kia. Quả thật, Một thì lớn hơn Hai. Những bông hoa hồng ấy là hiện thân của một cuộc sống duy nhất như thế đó. Hai người đã cùng nhau vun trồng những bông hoa hồng trong bao nhiêu năm, và họ đã đồng lao cộng tác như thế thật là đẹp và sinh nhiều kết quả. Nhưng bây giờ, bà H. không thể tưởng tượng được lao công của họ sẽ bị chia cắt như thế nào. Công việc của họ làm cùng nhau như thể là công trình của một nghệ nhân lành nghề duy nhất chứ không phải là của hai con người.

Đức Giêsu, khi được chất vấn về hôn nhân, trả lời rằng “lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li” (Mc 10,6-9).

Dĩ nhiên, người ta có thể hiểu đoạn văn này theo nghĩa hành vi tính dục vợ chồng. “Cả hai sẽ thành một xương một thịt” hiển nhiên bao hàm yếu tố xác thịt. Điều đó chắc chắn là một phần trong những gì Đức Giêsu đang diễn tả. Đó là sự kết hợp hai thân xác thành một diễn ra trong hành vi yêu thương của sự thân mật vợ chồng.

Thế nhưng, mầu nhiệm hôn phối còn sâu xa hơn nhiều hành vi giao hợp tính dục thể xác. Một cuộc hôn nhân lành mạnh nhất, một hôn phối thánh thiện, còn thực hiện điều gì hơn nữa chứ không chỉ trộn lẫn hai thể xác thành một. Hai linh hồn, hai trái tim, hai cuộc đời dần dần nên một theo năm tháng ngày giờ. Hai con người, hai nhân vị hoàn toàn giờ thành một.

Đó là điều Hội Thánh dạy khi nói «Sự ưng thuận là ‘một hành vi nhân linh qua đó hai người phối ngẫu trao thân cho nhau và đón nhận nhau’: “Anh nhận em làm vợ anh…”; “Em nhận anh làm chồng em…”. Sự ưng thuận này kết hợp hai người phối ngẫu với nhau, đạt đến sự hoàn hợp khi hai người “trở nên một xác thịt”» (GLHTCG 1627).

P.và H. không còn chỉ là hai cá thể yêu nhau. Họ đã trở thành P. và H., một toàn thể hợp nhất bất khả phân li. Là Một.

Các huấn luyện viên khơi cảm hứng cho các cầu thủ, họ dạy họ nói làm sao để tất cả đội bóng trở thành một toàn thể “ăn ý” với nhau, một toàn thể hợp ý hợp lực thì mạnh hơn một tập thể gồm thành phần các cá nhân cầu thủ tài giỏi mà rời rạc. Một đội bóng vô địch thường không bao gồm hầu hết thành viên là ngôi sao. Đội vô địch là một đội biết phối hợp kì diệu các tài năng cá nhân thành phần, sao cho cả đội hợp lực thì mạnh hơn các thành phần của mình. Các nhân viên kinh doanh trong một doanh nghiệp cũng như vậy. Sự đồng lao cộng tác của các thành viên cùng nhau làm việc thống nhất sẽ tạo hiệu quả hơn rất nhiều so với một tập thể những người xuất sắc nhưng làm việc độc lập, riêng biệt.

Trong hôn nhân sự tình cũng đúng như thế, nhưng các thành viên sống tâm tình ấy một cách thân mật sâu xa hơn, phong phú, thiêng liêng hơn. “Bài toán mới” này, Một thì lớn hơn Hai, quả thật là huyền nhiệm. Bởi đó, người ta thấy tại sao nhiều người góa bụa đã chiến đấu để cố tìm lại được sự thăng bằng cuộc sống sau cái chết của người bạn đời. Họ không chỉ mất “một nửa kia” của mình. Cái họ mất mát thì sâu xa hơn nhiều. Họ mất đi một phần của chính bản thân mình. Họ mất một phần suy tưởng của mình, một phần niềm tin, ngay cả một phần thú đam mê (như việc điền viên) của họ cũng biến mất. Kí ức chung của họ đã bị cắt đứt. Quả thực, Một thì lớn hơn Hai, khi một người phối ngẫu mất đi, người còn lại bị thay đổi sâu sắc. Một phần thâm sâu bản thân đã bị mất.

Và điều tương tự cũng xảy ra như vậy trong hoàn cảnh những người li dị.

Nước mắt nhòe nhoẹt, cảm xúc hỗn độn chênh vênh, K. ngồi trong văn phòng của tôi vào ngày sau khi anh li dị vợ. Vợ anh đã bỏ đi với người đàn ông khác, bây giờ K. cầm trong tay tờ chứng nhận li hôn như di tích duy nhất còn lại của cuộc hôn nhân mười năm đã vuột qua. Tòa án tuyên bố dứt khoát: “Bằng quyết định này Tòa án tuyên bố cho li hôn…, khế ước hôn nhân hoàn toàn bị tiêu hủy kể từ hôm nay, … sẽ được coi như là những người độc lập, không còn liên kết với nhau bởi một quan hệ vợ chồng hay bất cứ hợp đồng dân sự nào”.

  1. đưa tôi xem tờ Quyết định và hỏi: “Làm sao người ta có thể tuyên bố được chúng tôi không còn một kết nối với nhau nào nữa? mối liên kết chúng tôi hoàn toàn bị gỡ bỏ rồi sao? Cô ấy là vợ tôi, vì Chúa. Cô ấy là mẹ của các con tôi. Cắt đứt ư? Cô ấy là một phần bản thân tôi. Chúng tôi sẽ phải kết hợp với nhau mãi mãi”. Những năm sau đó, mỗi khi gặp lại K., anh không bao giờ ngưng nói rằng anh đã mất một phần mình không bao giờ lấy lại được.

Các nghiên cứu cho thấy rằng khi hai người đã hòa hợp làm một trong đời hôn nhân, họ sống một cuộc sống rất khác. Đặc biệt, trí khôn họ như một cặp đôi trở nên thông minh sáng suốt hơn rất nhiều so với hai con người cá thể riêng biệt. Trong tư thế một cặp đôi họ có thể đưa nhau đi tới được những chỗ mới. Trí tưởng tượng của họ phóng khoáng, rộng mở, chia sẻ với nhau những chuyện đời, tuổi thơ, những chuyến du lịch nghỉ hè, và cả những sự kiện gây tổn thương cá nhân, những thứ ấy giúp triển nở trí khôn. Một khi chia sẻ được những kinh nghiệm sống ấy, những kinh nghiệm đó hòa lẫn vào trong cuộc sống chung từng ngày của đôi bạn, chúng trở thành một phần thường trực của con người bạn, trong tư cách như một cá vị cũng như một cặp đôi.

Trí thông minh kết nối với nhau như thế còn mở rộng ra trong đời sống thực tế. Chẳng hạn như chồng có thể bắt đầu trông cậy vào tài tháo vát của vợ mình giải quyết các vấn đề chi tiêu tài chánh gia đình – không chỉ thanh toán các thứ hóa đơn hàng tháng, nhưng còn đầu tư cho tương lai khi vợ chồng sẽ về hưu vẫn sát cánh với nhau, gởi tiền tiết kiệm, sắm bảo hiểm, thẻ tín dụng. Người vợ thu thập thông tin cho gia đình về tình hình tài chính. Người vợ có thể trông nhờ vào sự khôn ngoan tích lũy được của người chồng để ông hướng dẫn trong lãnh vực tinh thần. Gia đình có thể trông cậy vào ông chỉ ra những cách thế sống thực hành cầu nguyện, phục vụ, và đức tin.

Hợp sức trong đồng lao cộng tác mở rộng cách mới mẻ khi gia đình gia tăng nhân khẩu. Một đứa trẻ là thành viên của gia đình có thể được trông nhờ vào khả năng và sáng kiến áp dụng kĩ thuật công nghệ mới giúp ích cho cuộc sống gia đình, như sử dụng các điện thoại thông minh đời mới với các phần mềm ứng dụng cho gia đình xem phim ảnh và giải trí. “Con giúp mẹ hiểu vận hành làm sao trả phí điện thoại này được không?” Một đứa con khác có thể rành rẽ việc lướt mạng thông tin để tìm trên các bản đồ những nơi nghỉ mát thú vị, hay những chỗ đậu xe khi đi thăm bạn bè, hoặc khám phá những công cụ hữu ích khi đi du lịch. “Những vật dụng hay những điều gì chúng ta cần chuẩn bị, sắm sửa cho chuyến đi nghỉ hè năm nay vậy há?”

Các nhà xã hội học khám phá thấy rằng các cặp vợ chồng, và các thành viên gia đình tự động phân chia các việc và các lãnh vực thông tin, và bắt đầu tin cậy vào nhau. Như thể tận dụng nguồn lực gia công tìm kiếm thông tin nơi các thành viên khác nhau của gia đình. Họ gặt hái được hiệu quả nhiều nhờ có một bộ óc tập thể phục vụ cho cả cộng đoàn gia đình mà không một trí thông minh cá nhân nào làm được vì hạn chế khả năng và thời gian. Thực ra, khi một người bố, hay người mẹ qua đời, hay khi gặp tình trạng li hôn, cả gia đình phải chiến đấu vì một phần nguồn lực trí tuệ và khả năng xử lí thông tin của họ bị thiệt hại. Xét mặt đời sống thực tế, nguồn lực trí tuệ tập thể này chứng tỏ một cách khác Một thì lớn hơn hai rất nhiều. Người bạn còn sống hay phần gia đình còn lại, về mặt nào đó, trở nên kém cỏi hơn vì mất mát một nguồn thâu nhập thông tin và bộ phận xử lí. Một đôi thì mạnh hơn hai cá thể độc lập.

Chắc chắn điều này đúng cho A. và tôi khi chúng tôi sống quan hệ với những người khác. Cả hai chúng tôi đều có khuynh hướng hướng ngoại, nhưng theo cách khác nhau. Tôi thích gặp gỡ những người mới và chuyện trò qua loa. Có lẽ tôi là một nhân viên chào hàng thích hợp cho Walmart. Quả thực, đó là ý định của tôi khi về hưu đấy! Tôi có thể nhớ rất tốt hầu hết những cái tên, danh mục.

Còn A. không thể nhớ được như vậy. Nhưng cô ấy có khả năng nắm bắt rất chính xác về con người, người này có tính khí thế này, người kia có ưu điểm kia, và họ có đáng tin cậy không. Cả hai chúng tôi đều vui với người khác, nhưng chúng tôi giúp nhau triển nở. Tôi nhớ được những cái tên người ta, và cô ấy thì hiểu được họ sâu sắc. Chúng tôi cùng hợp sức phục vụ thì sẽ tốt hơn hành động riêng rẽ. Một thì mạnh hơn Hai.

Sự hợp lực trong đồng lao cộng tác rất kì diệu trong hôn nhân. Đó là điều Đức Giêsu có ý khi Người nói “cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Một quả thực lớn hơn Hai. P. và H. đã chứng minh cho chân lí đó. Và các bông hồng của họ cũng nói lên như vậy.

Đó là bí quyết của Đồng lao Cộng tác.

Tác giả: Dr. Allen Hunt
Chuyển ngữ: Louis Tuấn
Trích từ: “The 21 Undeniable Secrets of Marriage”

Nguồn: WHĐ GM VN