“Tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác giữa các quốc gia là một trong những ‘vũ khí’ hữu hiệu chống nạn buôn người”. Đức ông Janusz Urbańczyk đã khẳng định như trên trong bài phát biểu tại cuộc họp lần thứ 1.277 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, được tổ chức tại Vienne từ ngày 30/7 đến 31/8.

 

 

Nạn nhân của nạn buôn người là thành phần bị bỏ rơi nhất
Trong vai trò là Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh cạnh Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu gọi tắt là OSCE, Đức ông Urbańczyk nhấn mạnh rằng, đối với Tòa Thánh, nạn nhân của nạn buôn người là một vấn đề đặc biệt quan trọng vì họ là những người “bị bỏ rơi và bị mất nhân phẩm nhất trên thế giới hiện nay”. Buôn người “là một vết thương khủng khiếp, một bệnh dịch ác nghiệt, một vết thương mở trên thân thể của xã hội đương đại”.

Thiếu hiểu biết về nạn buôn người

Đại diện Tòa Thánh tiếp tục bằng cách lặp lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói: Nạn buôn người biến con người thành “hàng hóa để mua bán và khai thác theo những cách khác nhau và không thể tưởng tượng được”. Hơn nữa, ngày nay, nhiều người còn thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề được cho là “gai góc và đáng xấu hổ”. Đức ông Urbańczyk nhắc lại: “Trên thế giới có hơn 40 triệu nạn nhân bị buôn bán hoặc bóc lột, trong đó một phần tư dưới 18 tuổi, và nếu 20 nạn nhân bị bóc lột tình dục thì có một nạn nhân dưới 8 tuổi”.

Ảnh hưởng của đại dịch

Vị đại diện Tòa Thánh cảnh báo chính đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hình thức buôn người, nghĩa là những người phạm tội ác này đang tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông và lôi kéo trực tuyến. Đại dịch còn cho thấy rõ sự bất bình đẳng hệ thống về kinh tế và xã hội, dẫn nhiều người đến nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Kêu gọi các quốc gia

Vì thế các quốc gia phải gia tăng các quan hệ đối tác và hợp tác. Bởi vì thiếu sự hợp tác giữa các quốc gia thường làm cho các chính sách và các chương trình cho mục đích này không hiệu quả. Đức ông tái xác nhận: “Ở điểm này, tôi hy vọng các quốc gia sẽ chia sẻ thông tin liên quan về nạn buôn người và phát triển các phản ứng chung. Cần có sự hợp tác lớn hơn, cũng như cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia có các tuyến đường buôn người đi qua”.

Đức ông kết luận: “Để đạt hiệu quả, sự hợp tác và phối hợp cũng cần có sự tham gia của xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo và các vị lãnh đạo tôn giáo, cũng như các lĩnh vực kinh tế và truyền thông. (CSR_6278_2020)

Ngọc Yến – Vatican News