Lúc 10h sáng ngày 24/1, Chúa Nhật thứ III thường niên, Chúa Nhật Lời Chúa, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng, thay mặt Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ tại đền thờ Thánh Phêrô. Theo dự định, chính Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ này; tuy nhiên, do bị đau thần kinh toạ, Đức Thánh Cha đã uỷ nhiệm cho Đức TGM Rino Fisichella thay ngài dâng Thánh Lễ. Sau phần công bố Lời Chúa, Đức TGM Fisichella đã đọc bài giảng được Đức Thánh Cha soạn trước. Đức Thánh Cha khai triển bài giảng dựa trên bài đọc Tin Mừng, về việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, với hai ý: (1) nói về điều gì và (2) nói với ai.
Thánh lễ Chúa Nhật Lời Chúa
Nói về điều gì?
Trước hết “nói về điều gì?”. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng thế này: “thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Thiên Chúa đang ở gần, đây là sứ điệp đầu tiên. Nước Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất. Thiên Chúa không ở trên trời xa thẳm, tách biệt với thân phận con người, như chúng ta thường nghĩ, nhưng Người ở với chúng ta. Khi Chúa Giêsu làm người thì thời gian xa cách đã kết thúc. Từ đó, Thiên Chúa hết sức gần và không bao giờ tách rời khỏi bản tính nhân loại của chúng ta, và Người không bao giờ mệt mỏi vì nó. Sự gần gũi này nằm ở phần mở đầu của Tin Mừng, rằng Chúa Giêsu “đã nói” (câu 15): Người không chỉ nói một lần duy nhất, nhưng Người tiếp tục lặp lại nhiều lần. Nếu đây là lời khởi đầu và không ngừng lặp lại trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, thì điều đó cũng phải thường xuyên trong đời sống và lời loan báo của Kitô hữu. Trước mỗi lời nói về Thiên Chúa, thì đã có Lời của Người dành cho chúng ta, rằng: “Đừng sợ, Ta ở cùng con. Ta ở gần con và sẽ gần con”.
Lời Chúa cho phép chúng ta đụng chạm đến sự gần gũi này. Đây là thuốc giải cho sự sợ hãi phải một mình đối diện với cuộc sống. Thật vậy, Thiên Chúa, qua Lời của Người, an ủi chúng ta và ở cùng những ai đơn độc. Khi nói với chúng ta, Người nhắc chúng ta rằng chúng ta ở trong trái tim của Người, chúng ta quý giá trong mắt của Người. Lời của Thiên Chúa thấm đượm sự bình an, nhưng không để chúng ta an vị. Lời Chúa là Lời của an ủi, nhưng cũng là Lời của hoán cải. “Anh em hãy hoán cải”, Chúa Giêsu nói ngay sau khi công bố Nước Thiên Chúa đến gần. Bởi vì với sự gần gũi của Người, thì thời gian xa cách với Thiên Chúa và với người khác kết thúc; và thời gian mỗi người chỉ nghĩ cho riêng mình cũng kết thúc. Sự xa cách không phải là của Kitô hữu, bởi vì ai có kinh nghiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa thì không thể xa cách người bên cạnh, không thể lánh mặt họ trong sự thờ ơ. Theo nghĩa này, ai thân quen với Lời Chúa sẽ nhận được sự đảo lộn lành mạnh về cuộc sống của mình: họ khám phá ra rằng cuộc sống không phải là thời gian để nhìn vào mình từ ánh nhìn của người khác và lo bảo vệ chính mình, nhưng là cơ hội để đi đến gặp gỡ người khác nhân danh Thiên Chúa gần gũi. Như thế Lời Chúa, được gieo nơi mảnh đất trái tim chúng ta, giúp chúng ta gieo hy vọng qua sự gần gũi, như Thiên Chúa làm với chúng ta.
Nói với ai?
Điểm thứ hai là: Chúa Giêsu nói với ai? Trước hết Người nói với những người đánh cá của miền Galilê. Họ là những người đơn sơ, sống bằng hoa trái tay họ ngày đêm chăm chỉ làm việc. Họ không phải là chuyên gia Kinh Thánh, cũng không nổi bật về khoa học và văn hoá. Họ sống trong một khu vực hỗn tạp, với nhiều dân tộc, sắc tộc và tôn giáo: đây là vùng đất xa sự thuần khiết tôn giáo của Giêrusalem nhất, xa trung tâm của đất nước nhất. Nhưng Chúa Giêsu bắt đầu từ đó, không phải từ trung tâm mà là từ ngoại biên. Ngài làm điều đó cũng để nói với chúng ta rằng không ai ở ngoài rìa trái tim Thiên Chúa. Tất cả có thể nhận được Lời Chúa và chính mình gặp Lời Chúa. Có một chi tiết hay trong Tin Mừng rằng, lời loan báo của Chúa Giêsu đến “sau” lời của Gioan. Đây là một cái “sau” mang tính quyết định, đánh dấu sự khác biệt: Gioan chào đón dân chúng trong sa mạc, nơi dành cho những ai có thể rời khỏi nơi họ sống. Ngược lại, Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa nơi con tim của xã hội, với tất cả mọi người, nơi họ đang sống. Ngài cũng không nói vào thời điểm và lịch làm việc cố định: ngài nói khi đi dọc bờ biển, khi những người đánh cá đang chài lưới. Ngài đến với con người tại những nơi và thời điểm thường ngày nhất. Đây là sức mạnh phổ quát của Lời Chúa, đến với tất cả và trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Nhưng lời cũng có sức mạnh đặc thù, nghĩa là nói với mỗi người theo cách thức trực tiếp và cá vị. Các môn đệ không bao giờ quên những lời đã được nghe trong ngày đó trên bờ hồ, gần chiếc thuyền, với những người thân và đồng nghiệp, những lời này mãi mãi đánh dấu cuộc đời của họ. Đức Giêsu nói với họ: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người.” (v.17). Đức Giêsu không thu hút họ bằng những bài thuyết giảng cao siêu và không thể đạt được, nhưng nói về cuộc sống của họ: với những người đánh cá thì Ngài nói về lưới người. Nếu Đức Giêsu nói: “hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành các Tông Đồ, các anh sẽ được sai vào thế giới và loan báo Tin Mừng với sức mạnh Thánh Thần, các anh bị giết chết nhưng trở thành các thánh”, thì chúng ta có thể tưởng tượng được Phêrô và Anrê sẽ trả lời thế nào: “Xin cảm ơn, nhưng chúng tôi thích lưới và thuyền của chúng tôi hơn.” Ngược lại, Đức Giêsu kêu gọi họ khởi đi từ cuộc sống của họ. Từ câu nói lưới người như lưới cá, họ sẽ từng bước khám phá rằng cuộc sống bằng nghề đánh cá thì ít ỏi, trong khi ra khơi theo Lời Chúa Giêsu lại là bí ẩn của niềm vui.
Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta: Người tìm chúng ta tại nơi của chúng ta, Người yêu chúng ta như chúng ta là và kiên nhẫn đồng hành từng bước với chúng ta. Giống như với những người đánh cá, Người chờ đợi chúng ta nơi bờ của cuộc sống. Với Lời của Người, Người muốn chúng ta thay đổi lộ trình, để chúng ta không còn lây lất, nhưng ra khơi phía sau Người.
Lời mời gọi mang Kinh Thánh theo mình
Bài giảng của Đức Thánh Cha kết thúc với lời mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ Lời Chúa. Đó là bức thư tình dành cho chúng ta, được viết từ Người biết chúng ta cách đặc biệt: khi đọc nó, chúng ta nghe lại tiếng Người, nhìn thấy khuôn mặt của Người, và đón nhận Thánh Thần của Người. Lời làm cho chúng ta gần với Thiên Chúa.
Hãy mang theo Lời Chúa bên mình, trong túi, trên điện thoại. Hãy dành cho Lời Chúa một vị trí xứng đáng trong ngôi nhà của chúng ta, ở nơi chúng ta dễ nhớ để mở ra hằng ngày, có thể vào đầu ngày hoặc cuối ngày. Như thế, giữa muôn vàn lời nói vào tai chúng ta, cũng có những Lời Chúa đến được con tim chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta cầu xin Chúa sức mạnh để tắt tivi và mở Kinh Thánh; để đóng điện thoại và mở Tin Mừng. Trong năm phụng vụ này, chúng ta đọc Tin Mừng Maccô, đơn giản nhất và ngắn nhất. Tại sao chúng ta lại không một mình đọc nó, từng bước nhỏ hằng ngày? Người sẽ làm cho chúng ta cảm thấy Chúa gần gũi và khơi dậy nơi chúng ta lòng cam đảm trên hành trình cuộc sống.
Văn Yên, SJ – Vatican News