Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Congo, ủng hộ sáng kiến của Thụy Sĩ có tên “Các công ty đa quốc gia có trách nhiệm”. Các công dân dự kiến sẽ bỏ phiếu về sáng kiến này vào ngày 29/11 sắp tới.
Sáng kiến được đề xuất để các công ty đa quốc gia có trách nhiệm bảo vệ con người và môi trường. Cụ thể, các quy tắc nghiêm khắc hơn được áp dụng cho các công ty Thụy Sĩ, yêu cầu họ tôn trọng nhân quyền và các tiêu chuẩn môi trường trong các công ty con của họ, giữa các nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh. Hơn nữa, các công ty phải thực hiện các biện pháp cụ thể trong trường hợp có vi phạm, và họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót do các chi nhánh khác hoặc công ty đối tác hoạt động ở nước ngoài gây ra. Cuối cùng, đề xuất quy định tất cả các công ty phải được xét xử bởi Tòa án Thụy Sĩ, theo luật Thụy Sĩ.
Đức Hồng y Ambongo đã hoan nghênh sáng kiến này và nhấn mạnh: “Sáng kiến này sẽ cung cấp cho các bên bị thiệt hại khả năng khẳng định quyền của họ khi điều này không thể thực hiện được ở đất nước của họ, mang lại cho họ khả năng một vụ kiện công bằng, có thể hành động theo cách phòng ngừa và tránh bị lạm dụng”.
Đức Hồng y nói thêm: “Congo là một trong những quốc gia giàu có ở châu Phi về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sự phong phú của những nguyên liệu thô này không tương xứng với sự nghèo đói của người dân Congo. Sự giàu có này, thay vì đóng góp vào sự phát triển của đất nước và ủng hộ người dân đã trở thành nguyên nhân của các cuộc xung đột”.
Theo Đức Tổng Giám mục Kinshasa, các công ty đa quốc gia có thể là một nhân tố phát triển quan trọng khi họ tôn trọng nhân quyền và các tiêu chuẩn môi trường. Nhưng trái lại họ cũng có thể góp phần vào sự khốn khổ của những người dân bị ảnh hưởng. Hội đồng Giám mục Congo đã nhiều lần tố cáo những hậu quả tiêu cực của các hoạt động khai thác trong nước, trong đó có các công ty Thụy Sĩ. Nhưng dù mọi lời hứa được đưa ra, tình hình vẫn không được cải thiện.
Gần đây, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ đã kêu gọi công dân bỏ phiếu ủng hộ sáng kiến này. Trong một ghi chú, Ủy ban nhắc lại rằng “nhân quyền không thể thương lượng và bảo vệ môi trường là nghĩa vụ”. Do đó, sáng kiến đối với các công ty đa quốc gia có trách nhiệm là “một yếu tố quan trọng trong nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường”, bởi vì “đó là một đóng góp quan trọng cho một thế giới công bằng hơn”. (CSR_8632_2020)
Ngọc Yến – Vatican News