Trưa Chúa Nhật ngày 6/9, Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin với các tín hữu. Dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIII thường niên, Đức Thánh Cha khai triển việc sửa lỗi như là đặc tính của người Kitô hữu, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đoàn.

 

 

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mt 18,15-20) trích từ bài giảng thứ tư của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mat-thêu, trình thuật được biết dưới tên gọi “Bài giảng về Giáo Hội” hay “Giáo huấn cộng đoàn”. Trình thuật này nói đến việc sửa lỗi anh em, và mời gọi chúng ta suy niệm về chiều kích kép của sự hiện hữu Ki-tô giáo: chiều kích cộng đoàn, hệ ở việc duy trì sự hiệp thông, tức là sự hiệp nhất của Giáo hội, và chiều kích cá nhân, hệ ở việc quan tâm và tôn trọng mọi phán quyết cá nhân.

 

 

Để sửa lỗi người anh em lầm lạc, Đức Giê-su gợi ý một lối sư phạm phục hồi. Lối sư phạm của Chúa Giêsu luôn là lối sư phạm phục hồi. Lối sư phạm phục hồi này ngang qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất nói rằng: “anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (c. 15), điều này có nghĩa là không bêu tội người ấy ra giữa công chúng. Sửa lỗi là đến với người anh em với sự dè dặt, không phải để phán xét nhưng để giúp người ấy nhận ra những gì mình đã làm. Bao nhiêu lần chúng ta đã có kinh nghiệm này: một ai đó đến nói với chúng ta: “Nghe này, trong việc này, bạn đã sai. Bạn phải thay đổi một chút”. Có lẽ lúc đầu chúng ta bực mình, nhưng rồi chúng ta cảm ơn, bởi vì đây là cử chỉ của tình huynh đệ, của sự hiệp thông, của sự giúp đỡ và cứu vớt.

Không dễ để thực hành lời dạy này của Đức Giê-su vì nhiều lý do. Có thể vì sợ người anh em, chị em sẽ phản ứng cách tiêu cực; đôi khi thiếu đi sự tin tưởng cần thiết với người anh chị em đó… và còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng tất cả những lần chúng ta đã thực hiện, thì chúng ta cảm nhận đấy chính là con đường của Chúa.

 

 

Tuy vậy, có thể xảy ra là, cho dù tôi có ý tốt, giai đoạn thứ nhất vẫn bị thất bại. Trong trường hợp này, tốt nhất là đừng nên bỏ cuộc và nói: “Tôi từ bỏ, tôi rửa tay luôn”. Không, lối này không phải của Kitô hữu. Đừng bỏ cuộc, điều quan trọng là không nên bỏ cuộc nhưng tìm đến sự hỗ trợ của vài anh chị em khác. Đức Giê-su nói: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (c. 16). Đây là một trong những điều luật của ông Mô-sê (x. Đnl 19, 15). Điều này có vẻ như đang chống lại bị cáo, nhưng thực ra là để bảo vệ người đó khỏi những người vu khống. Nhưng ở đây, Đức Giê-su còn đi xa hơn ở chỗ, những nhân chứng được yêu cầu không phải để kết án mà để trợ giúp. “Chúng ta đồng ý với nhau, tôi với anh đi nói chuyện với nhau về điều này, về điều đang sai. Nhưng chúng ta nói chuyện như những người anh em”. Đây là thái độ phục hồi mà Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta. Tiếp đến, Đức Giê-su đặt tình huống là giai đoạn này cũng không đem lại kết quả với các nhân chứng, điều khác với luật Mô-sê là, để làm chứng chỉ cần hai hay ba chứng nhân là đủ kết án.

Trong thực tế, ngay cả lòng bác ái của hai hay ba người anh em vẫn chưa đủ, do người này cứng đầu. Trong trường hợp này, Đức Giê-su nói tiếp: “hãy đi thưa cộng đoàn” (c. 17), nghĩa là Hội Thánh. Trong một số trường hợp, tất cả cộng đoàn đều tham gia. Có những điều mà anh chị em trong cộng đoàn không thể làm ngơ, đó là khi cần một tình yêu lớn để được lại người anh em mình. Tuy vậy, đôi khi cả điều này cũng không đủ. Và do đó, Đức Giê-su nói: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế (c. 17). Câu nói này, thoạt nghe thì có vẻ như một thái độ ruồng bỏ, nhưng thực ra, đó là lời mời gọi chúng ta phó mặc người anh em trong tay Chúa. Chỉ có Cha trên trời  mới có thể bày tỏ một tình yêu lớn hơn tất cả những gì chúng ta hợp lại.

 

 

Giáo huấn này của Chúa Giê-su giúp chúng ta rất nhiều, bởi vì – hãy nghĩ về một ví dụ – khi chúng ta nhìn thấy một sai lầm, một khuyết điểm, một sơ xuất ở anh chị em, thường thì việc đầu tiên chúng ta làm là đi nói với người khác về điều đó, ngồi lê đôi mách. Và câu chuyện ngồi lê đóng cửa trái tim cộng đoàn, ngăn cản sự hiệp nhất Giáo hội. Kẻ ngồi lê đôi mách là ma quỷ, kẻ luôn đi nói những điều xấu của người khác, vì họ là kẻ nói dối, cố gắng làm mất sự hiệp nhất Giáo hội, xa lánh anh em mình và không tạo nên cộng đoàn. Xin anh chị em, chúng ta cố gắng không ngồi lê đôi mách. Ngồi lê đôi mách là một bệnh dịch còn tồi tệ hơn cả Covid! Hãy cố gắng: không ngồi lê đôi mách.

Đó là tình yêu của Đức Giê-su khi Ngài tiếp đón người thu thuế và dân ngoại, điều ấy từng khiến dân chúng sửng sốt kinh ngạc. Đây không phải là sự kết án mà không có báo trước, nhưng là để nhận thấy rằng đôi khi nỗ lực của chúng ta không đem lại kết quả gì, và rằng chỉ khi đến với Chúa mới làm cho người anh em đối diện với chính lương tâm của mình và với trách nhiệm về những hành động đã làm. Nếu điều gì đó chưa được, thì hãy im lặng và cầu nguyện cho người anh chị em có lỗi, nhưng đừng bao giờ ngồi lê đôi mách.

Xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết làm cho việc sửa lỗi anh em trở nên một thói quen tốt lành hầu trong cộng đoàn chúng ta luôn có những tương quan huynh đệ, được đặt nền trên sự tha thứ lẫn nhau và nhất là trên sức mạnh tuyệt đối của lòng thương xót Chúa.

 

 

Mai Kha, SJ – CTV Vatican News