10/10/2024

Trong bài giáo lý được livestream từ Dinh Tông Tòa, nói về Mối Phúc thứ tư “khao khát trở nên người công chính”, Đức Thánh Cha nhắc rằng dù không ý thức, trong trái tim mỗi người đều khao khát Thiên Chúa, Công lý vĩ đại nhất. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái khám phá lại điều thực sự quan trọng, sống còn đối với mỗi người, đó là khao khát tìm thấy Thiên Chúa.

 

 

Do sự bùng nổ của virus corona tại Ý, và để tránh việc các tín hữu tụ tập vào quảng trường thánh Phêrô, có nguy cơ lây nhiễm virus corona cho nhau, Tòa Thánh đã đóng cửa quảng trường thánh Phêrô. Do đó thay vì buổi tiếp kiến chung tại quảng trường, sáng thứ Tư 11/03,  Đức Thánh Cha đã quyết định “gặp” các tín hữu qua màn hình.

Từ Thư viện Tòa Thánh tại Dinh Tông Tòa, nhờ các đài truyền hình, các mạng lưới truyền thông xã hội, Đức Thánh Cha có thể gặp gỡ các tín hữu và trình bày giáo lý của ngài. Hiện diện tại Thư viện Tòa Thánh với Đức Thánh Cha chỉ có hai Đức ông thuộc Phủ Giáo hoàng và các vị làm nhiệm vụ phiên dịch ra các ngôn ngữ chính.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Các Mối Phúc, Đức Thánh Cha giải thích về Mối Phúc thứ tư: khao khát công chính.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, chúng ta tiếp tục suy niệm về con đường hạnh phúc tươi sáng mà Chúa ban cho chúng ta trong các Mối phúc. Chúng ta suy niệm về mối phúc thứ tư: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,6).

Đói khát công lý: không phải là muốn báo thù

Chúng ta đã nói đến sự nghèo khó tinh thần và sự than khóc; hôm nay chúng ta nói đến thêm một loại yếu đuối, có liên hệ đến sự đói khát. Đói và khát là những nhu cầu chính yếu liên quan đến sự sống còn. Điều này được nhấn mạnh: Ở đây không nói đến một mong muốn chung chung, nhưng là một nhu cầu quan trọng và hàng ngày, giống như lương thực.

Nhưng đói và khát công lý có nghĩa gì? Chắc chắn là chúng ta không đang nói đến những người muốn trả thù, ngược lại, trong các Mối Phúc trước đây, chúng ta đã nói về sự hiền lành. Chắc chắn sự bất công làm tổn thương nhân loại; xã hội loài người rất cần công bằng, sự thật và công bằng xã hội; chúng ta hãy nhớ rằng sự ác mà những người nam nữ trên thế giới phải chịu đựng chạm đến trái tim của Thiên Chúa Cha. Người cha nào không đau khổ vì nỗi đau của con mình?

Công lý xuất phát từ Thiên Chúa

Các sách Thánh nói về nỗi đau của những người nghèo khổ và những người bị áp bức mà Chúa biết và chia sẻ với họ. Để lắng nghe tiếng kêu cứu của con cái Israel vì bị áp bức – như sách Xuất hành thuật lại (x. Xh 3,7-10) – Thiên Chúa đã xuống trần gian để giải thoát dân của Ngài. Nhưng sự đói khát công lý mà Chúa nói với chúng ta thậm chí còn sâu sắc hơn nhu cầu chính đáng về công lý của con người, điều mà mọi người đều mang trong lòng.

Trong cùng “diễn từ trên núi”, sau một chút nữa, Chúa Giêsu nói về một công lý vĩ đại hơn nhân quyền hoặc sự hoàn thiện cá nhân. Ngài nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 5,20). Và đây là công lý xuất phát từ Thiên Chúa (x. 1Cr 1,30).

Khao khát Thiên Chúa

Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một khát khao sâu sắc hơn khát khao thể lý, đó là một khao khát nằm ở gốc rễ của bản thể chúng ta. Một Thánh vịnh nói: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Tv 63,2). Các Giáo phụ nói về sự thao thức trong trái tim con người. Thánh Augustino nói: “Lạy Chúa, Ngài đã tạo dựng chúng con cho Ngài, và trái tim chúng con không tìm thấy sự bình an cho đến khi an nghỉ nơi Ngài”. Có một khát khao nội tâm, một cơn đói nội tâm, một sự bất an…

Trong tim mỗi người đều có khao khát Thiên Chúa

Trong mọi con tim, ngay cả nơi những người hư hoại và xa cách với điều tốt đẹp nhất, vẫn có một khao khát ánh sáng, ngay cả khi nó nằm dưới đống đổ nát của sự lừa dối và sai lầm, nhưng luôn luôn khao khát sự thật và điều tốt, đó là khát khao Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần làm gia tăng cơn khát này: Ngài là nước hằng sống, là Đấng đã tạo hình cát bụi của chúng ta, Ngài là hơi thở sáng tạo đã mang lại cho nó sự sống.

Vì thế, Giáo hội được sai đi để loan báo cho mọi người Lời Chúa, thấm nhuần Chúa Thánh Thần. Bởi vì Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là công lý lớn nhất có thể ban cho cho trái tim của nhân loại cần có nhu cầu sống, ngay cả khi nó không nhận ra điều đó.

Ví dụ, khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ dự định sẽ làm một điều gì đó tuyệt vời và đẹp đẽ, và nếu họ giữ được khát khao này, họ sẽ luôn tìm cách tiến lên, giữa những vấn đề, với sự giúp đỡ của ân sủng. Ngay cả những người trẻ có cơn đói này, và họ không được đánh mất nó! Chúng ta phải bảo vệ và nuôi dưỡng trong trái tim của những đứa trẻ khao khát tình yêu, sự dịu dàng, sự chào đón được thể hiện trong những sáng kiến chân thành và sáng ngời của chúng.

Tái khám phá lại khao khát tìm thấy Chúa

Mỗi người được kêu gọi để khám phá lại điều gì thực sự quan trọng, điều gì họ thực sự cần, điều gì giúp sống tốt, đồng thời, điều gì là thứ yếu và điều gì chúng ta có thể bỏ đi cách thanh thản.

Chúa Giêsu tuyên bố trong Mối Phúc này – đói và khát công lý – có một khát khao sẽ không bị thất vọng; một khát khao mà nếu được thực hiện, sẽ được thỏa mãn và luôn tiến bước, vì nó tương ứng với chính trái tim của Thiên Chúa, với Chúa Thánh Thần của Người Đấng là tình yêu, và cũng với hạt giống mà Chúa Thánh Thần đã gieo vào lòng chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này: có được sự khao khát công lý này, chính là mong muốn tìm thấy Người, được nhìn thấy Thiên Chúa và làm điều tốt cho người khác.

Hồng Thủy – Vatican