10/10/2024

Sáng thứ Bảy, tại Đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 200 thành viên của Tổ chức Banco Farmaceutico, một tổ chức do một nhóm dược sĩ trẻ thành lập vào năm 2000, nhằm đáp ứng nhu cầu thuốc cho người nghèo.

 

 

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Ai sống trong cảnh nghèo đói thì nghèo về mọi thứ, kể cả về thuốc, sức khỏe của họ dễ bị tổn thương hơn. Đôi khi người nghèo không được điều trị vì thiếu tiền hoặc vì không được tiếp cận với một số loại thuốc nhất định. Về mặt đạo đức, nếu một bệnh có thể được điều trị  bằng thuốc, thì thuốc phải được cung cấp cho tất cả mọi người, nếu không sẽ tạo ra bất công. Trên thế giới, vẫn còn nhiều người, nhiều trẻ em đang chết vì họ không được chữa trị như ở các nơi khác”.

Tới đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những nguy hiểm của toàn cầu hóa thờ ơ. Để chống lại điều này, Đức Thánh Cha đề nghị toàn cầu hóa việc điều trị, nghĩa là khả năng tiếp cận những loại thuốc có thể cứu sống nhiều người. Để làm được điều này, theo Đức Thánh Cha cần một nỗ lực chung, có sự tham gia của tất cả mọi người. Cụ thể, theo Đức Thánh Cha, các nghiên cứu khoa học luôn tìm kiếm các giải pháp mới cho các vấn đề cũ và mới; các công ty dược phẩm cần hỗ trợ nghiên cứu và định hướng sản xuất, có thể đóng góp một cách quảng đại vào việc phân phối thuốc công bằng hơn; về phía chính quyền, qua các lựa chọn lập pháp và tài chính, cần xây dựng một thế giới công bằng hơn, trong đó người nghèo không bị bỏ rơi.

Đề cập đến đại dịch, Đức Thánh Cha nói: “Kinh nghiệm đại dịch mà chúng ta đang trải qua, cho thấy: bên cạnh tình trạng khẩn cấp về sức khỏe khiến gần một triệu người đã chết, đang chuyển sang một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tạo ra những người nghèo và những gia đình không biết làm thế nào để tiến lên. Trong khi các hoạt động hỗ trợ bác ái đang được thực hiện, trong đó có việc chống lại sự nghèo về dược phẩm, đặc biệt việc phổ biến các loại vắc xin mới trên thế giới. Sẽ rất buồn nếu việc ưu tiên cung cấp vắc-xin được dành cho những người giàu nhất, hoặc nếu vắc-xin trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia kia, và không dành cho tất cả mọi người”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cám ơn các tham dự viên về những hoạt động dành cho người nghèo mà họ đang thực hiện. Ngày Thu gom Dược phẩm là một ví dụ quan trọng cho thấy lòng quảng đại và chia sẻ tài sản có thể cải thiện xã hội của chúng ta như thế nào và làm chứng cho tình yêu thương gần gũi mà Tin Mừng đòi hỏi chúng ta (Ga 13, 34).

 

 

 

Ngọc Yến – Vatican News