14/10/2024

Trong bài viết đăng trên trang đầu báo L’Osservatore Romano – Quan sát viên Roma – ra ngày 16/9, ông Andrea Tornielli, tổng biên tập Bộ Truyền thông của Vatican, đã khẳng định rằng tựa đề của thông điệp Fratelli tutti, tiếng Ý có nghĩa là “Tất cả anh em”, bao gồm tất cả mọi người, mọi người nam nữ, không loại trừ người nữ, như được nói đến trong các cuộc tranh luận tại một số nước.

 

(Vatican Media)

 

Ngày 16/9 Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết vào trưa ngày 4/10, lễ thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban hành thông điệp mới có tựa đề Fratelli Tutti, về tình huynh đệ và thân hữu xã hội. Từ khi tựa đề thông điệp  mới được công bố, tại một số nước đã có những tranh luận khi tựa đề chỉ nói “fratelli” nghĩa là “các anh em”, chứ không đề cập cả “sorelle”, nghĩa là các chị em. Phải chăng tựa đề có sự kỳ thị giới tính hay loại trừ người nữ?

Tựa đề trích từ tác phẩm của thánh Phanxicô Assisi

Theo tổng biên tập Bộ Truyền thông, Fratelli tutti là tựa đề Đức Thánh Cha chọn cho thông điệp mới của ngài. Tựa đề bằng tiếng Ý sẽ được giữ nguyên trong tất cả các bản dịch của các ngôn ngữ. Những từ của tựa đề được lấy từ tác phẩm của thánh Phanxicô Assisi.

Ông Tornielli giải thích: “Vì đó là một trích dẫn trực tiếp từ thánh Phanxicô (từ tác phẩm Admonitions, 6, 1: FF 155), rõ ràng là Đức Giáo hoàng đã không thay đổi nó. Nhưng việc chọn tựa đề không hề có ý định loại trừ phụ nữ, tức là hơn một nửa nhân loại.” Ông nói thêm: “Ngược lại, Đức Phanxicô đã chọn những lời của vị thánh thành Assisi để bắt đầu suy tư về một điều mà ngài rất quan tâm: đó là tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Vì vậy, ngài nói với tất cả các anh chị em của mình, tất cả người nam và người nữ sinh sống trên trái đất: tất cả mọi người, bao gồm, và không hề loại trừ ai.”

Cần hiểu tựa đề với ý nghĩa bao gồm tất cả mọi người

Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, chủ đề của thông điệp, theo ông Tornielli, chỉ ra điều liên kết người nam và người nữ. Đó là tình cảm cần thiết được thiết lập giữa con người ngay cả khi không phải là họ hàng ruột thịt. “Mối quan hệ phải được thể hiện qua các hành động tốt, các hình thức trợ giúp, các hành động công bình và quảng đại trong lúc cần thiết, một tình cảm vô vị lợi đối với tha nhân.”

Ông Tornielli mời gọi: “Vì lý do này, mọi độc giả nên hiểu tựa đề Fratelli tutti với ý nghĩa hoàn toàn bao gồm (mọi người) như tựa đề muốn nói.” (CSR_6652_2020)

Hồng Thủy – Vatican News