Chúa nhật ngày 10/11, Ngày Giải phóng người Dalit, các Giám mục Ấn Độ kêu gọi đối xử công bằng đối với thành phần bị coi thường này, để giấc mơ bình đẳng của họ sớm trở thành hiện thực.

Audio

Đối với người Dalit ở Ấn Độ, giấc mơ của họ là tự do: tự do khỏi áp bức, tự do khỏi sự phân biệt đối xử, tự do khỏi mọi hình thức bất công. Ở Ấn Độ, người Dalit là “những người bị áp bức”, “những người bị ruồng bỏ”. Hệ thống phân cấp xã hội này đã chính thức bị bãi bỏ vào năm 1950, nhưng trong thực tế nó vẫn hiện diện, như trong lãnh vực lao động, quyền bính và quyền lợi.

Sáng kiến “Ngày giải phóng người Dalit” được thiết lập từ năm 2007, do HĐGM Ấn cùng với sự cộng tác của Hội đồng quốc gia các Giáo hội Ấn, các Giáo hội Tin lành và Chính thống tổ chức. Các hoạt động cho ngày này bao gồm: gặp gỡ, thảo luận, cử hành phụng vụ và các cuộc tuần hành trên toàn quốc.

Năm nay, đoạn Kinh thánh được lấy làm chủ đề cho suy tư và là kim chỉ nam cho các hoạt động của năm, được trích từ thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu thành Côrintô “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12, 26).

HĐGM Ấn mời gọi các tín hữu cử hành ngày 10/11: “Những người Dalit đã đón nhận Kitô giáo để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, tìm thấy trong Chúa Kitô phẩm giá là con Chúa. Các Kitô hữu Dalit bị phân biệt đối xử từ xã hội, từ Nhà nước và, đôi khi, ngay cả trong Giáo hội. Con người có phẩm giá và quyền lợi không thể thay thế. Bất kỳ việc giới hạn hoặc phủ nhận các quyền này là bất công”.

Nhân dịp này, HĐGM Ấn đã thúc đẩy một chiến dịch nâng cao nhận thức cho các quyền của người Delit, đồng thời kêu gọi các chính quyền các cấp từ địa phương đến trung ương nhìn nhận và áp dụng đúng đắn quyền của các anh chị em Dalit, để tình trạng phân biệt đối xử tiến tới không còn nữa. (Osservatore Roman 09/11/2019)

Ngọc Yến – Vatican