Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ đã bắt đầu nhóm họp vào ngày 15/9 cho phiên họp toàn thể lần thứ 329 tại bang Jura. Nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh các chủ đề: vai trò của phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội Thụy Sĩ, vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội và tình trạng bi thảm của người tị nạn ở Lesbos.
Trong các buổi họp, có một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa một phái đoàn của các Giám mục, các đại biểu của Hội đồng Phụ nữ thuộc Hội đồng Giám mục, và một phái đoàn của Liên đoàn Phụ nữ Công giáo Thụy Sĩ. Mục đích cuộc gặp gỡ là để thảo luận về vấn đề phụ nữ trong Giáo hội trong khuôn khổ của lộ trình canh tân Giáo hội được Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ quyết định năm ngoái. Đối với Giáo hội Thụy Sĩ đây một sự kiện “lịch sử”.
Nội dung của buổi thảo luận tập trung vào các đoạn từ 99 đến 103 của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amazon, nói về sức mạnh và hồng ân của nữ giới trong Giáo hội. Đây là một cơ hội quan trọng để hiểu biết nhau và đối thoại về chủ đề vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, điều mà theo Liên đoàn Phụ nữ Công giáo Thụy Sĩ vẫn còn bị đặt bên lề, đặc biệt là đối với các vị trí lãnh đạo và trách nhiệm. Ba phái đoàn nhất trí rằng việc canh tân Giáo hội không thể diễn ra nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ.
Một vấn đề tế nhị khác được giải quyết trong cuộc họp liên quan đến “Hoán cải mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”, một tài liệu được Bộ Giáo sĩ công bố vào ngày 29/6. Cũng như ở Đức, văn kiện này cũng đã gây ra một số tranh luận trong Giáo hội Thụy Sĩ, nơi từ lâu đã có sự cộng tác giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong việc phục vụ Giáo hội.
Trong quá trình làm việc, các Giám mục đã xem xét cuộc chiến chống nạn ấu dâm trong Giáo hội và các khoản bồi thường dành cho các nạn nhân. Hội nghị được nghe báo cáo của của các tổ chức về vấn đề này. Theo con số của bảng báo cáo, các vị lãnh đạo nhận định các biện pháp được các Giám mục áp dụng vào năm 2002 đang phát huy tác dụng, ngay cả khi nó chỉ là phần nổi của tảng băng chưa biết độ sâu, như Đức cha Felix Gmür, Giám mục Basel, chủ tịch Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ đã chỉ ra. Một lần nữa chủ tịch Hội đồng Giám mục kêu gọi các nạn nhân tố cáo những hành vi ngược đãi phải chịu đựng.
Cuối cùng, các Giám mục xem xét hoàn cảnh của những người tị nạn ở Lesvos sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi trại của những người tị nạn Moria. Các Giám mục bày tỏ sự kinh ngạc trước tình hình ngày càng xấu đi trên hòn đảo Hy Lạp và hoan nghênh quyết định gần đây của Hội đồng Liên bang trong việc đón nhận 20 trẻ vị thành niên từ trại Moria. Các Giám mục cũng bày tỏ niềm vui vì một số thành phố có ý định tiếp tục đón tiếp người tị nạn khác và yêu cầu các tổ chức Giáo hội cung cấp cơ sở vật chất cho họ. Mặc dù đây là một vấn đề nếu chỉ một quốc gia đứng ra giải quyết thì không thể, nó phải được thực hiện ở cấp quốc tế, Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ vẫn coi sự đóng góp này của Thụy Sĩ là rất quan trọng.
Ngọc Yến – Vatican News