Theo thông tin của Hội Giáo hoàng truyền giáo Tây Ban Nha, hiện tại có 208 linh mục truyền giáo người Tây Ban Nha, tương đương với 50.96% tổng số các linh mục truyền giáo người Tây Ban Nha, đang hoạt động tại Mỹ châu Latinh.

 

Audio

Hôm Chúa Nhật 01/03, Giáo hội Tây Ban Nha đã cử hành “Ngày Mỹ châu Latinh”, với chủ đề “Để nơi Người họ có được sự sống”. Ngày này được tổ chức tại Tây Ban Nha từ năm 1949, để ghi nhớ và hỗ trợ hoạt động tông đồ của các nhà truyền giáo Tây Ban Nha ở châu Mỹ Latinh, chú trọng đến hoạt động phục vụ của các linh mục giáo phận ở Tây Ban Nha được gửi đi thi hành sứ vụ tại các Giáo hội ở châu Mỹ Latinh. Các quyên góp hôm Chúa Nhật vừa qua tại các giáo xứ Tây Ban Nha sẽ được dùng để giúp đỡ cho các linh mục trong chương trình hợp tác truyền giáo này.

208 linh mục Tây Ban Nha truyền giáo tại châu Mỹ Latinh

Ủy ban truyền giáo của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã điều phối sự hợp tác giữa các giáo phận gốc và các nơi truyền giáo. Hiện tại có 208 nhà truyền giáo Tây Ban Nha đang hoạt động tại 20 nước ở châu Mỹ Latinh; năm ngoái có 237 vị. Hai giáo phận gửi nhiều linh mục thừa sai nhất là Toledo và Burgos, trong khi đó Peru là quốc gia đón nhận nhiều thừa sai Tây Ban Nha nhất.

Trong chương trình của Ngày Mỹ châu Latinh được phát sóng trên mạng lưới truyền hình Trecetv của Tây Ban Nha, cha Javier Pedraza, linh mục giáo phận Madrid và là thành viên của Hoạt động cộng tác các linh mục Tây Ban Nha và châu Mỹ, đã trình bày chứng tá về kinh nghiệm truyền giáo của cha trong 18 năm tại các giáo phận Feira de Santana và Ruy Barbosa, bang Bahia của Braxin. Một đôi vợ chồng truyền giáo và một nữ tu người Colombia đã làm việc nhiều năm tại Congo, Haiti và Angola cũng trình bày chứng từ của họ.

Gặp gỡ tích cực giữa các dân tộc và giữa con người

Trong sứ điệp gửi đến các thừa sai Tây Ban Nha đang hoạt động tại châu Mỹ Latinh, Đức Hồng y Marc Ouellet, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, đã khuyến khích các linh mục, tu sĩ, và giáo dân kiên trì trong sứ vụ truyền giáo và đào sâu cuộc gặp gỡ tích cực giữa các dân tộc và giữa con người. Đức Hồng y nói rằng cách thức truyền giáo được ưu tiên là thúc đẩy tình huynh đệ, đoàn kết, đối thoại và do đó xây dựng một cuộc sống mới cho tất cả khởi đi từ Tin Mừng.

Niềm vui của các nhà truyền giáo là khí cụ loan báo Tin Mừng

Nói đến những thách thức đối với việc truyền giáo, Đức Hồng y Ouellet lưu ý cách đặc biệt, ở châu Mỹ Latinh có những hình thức mới khai thác tài nguyên và con người, và sự bất bình đẳng rõ rệt. Thêm vào đó là bạo lực, bất ổn xã hội, hiện tượng liên quan đến di cư, các hình thức mới của “thực dân hóa tư tưởng”. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng dù cho thực trạng đau khổ và sự từ chối của mọi người và cộng đồng, niềm vui của các nhà truyền giáo là khí cụ đặc quyền để truyền tải ân sủng của Thiên Chúa. Ngài kết luận rằng chứng tá tình yêu đó là lời mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng ở những vùng đất này. 

Hồng Thủy – Vatican