07/11/2024

Trưa Chúa Nhật 15/3, như thường lệ, Đức Thánh Cha có buổi đọc Kinh Truyền Tin. Tuy nhiên, vì đại dịch virus corona, buổi đọc Kinh Truyền Tin chỉ được truyền hình trực tiếp từ thư viện, chứ không tại cửa sổ Điện Tông Toà cùng với các tín hữu như thường lệ.

 

 

Trước bài huấn dụ của buổi Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến và cảm ơn Đức Tổng Giám mục của Milano và các linh mục về những sáng kiến để gần gũi với dân chúng trong thời gian dịch bệnh. Ngài nói: “Các linh mục đã nghĩ ra hàng ngàn sáng kiến với sự nhiệt thành tông đồ để gần gũi với dân chúng, để dân chúng không thấy mình bị bỏ rơi. Xin cảm ơn các linh mục rất nhiều!”

Kế đến Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn:

Đoạn Tin Mừng của Chúa nhật, Tuần III Mùa Chay, trình bày cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người phụ nữ Samari (x. Ga 4,5-42). Ngài đang đi đường cùng với các môn đệ và họ dừng lại ở một giếng nước ở Samari. Người Samari bị người Do Thái coi là dị giáo, và rất coi thường, như những công dân hạng hai. Chúa Giêsu mệt và khát nước. Một người phụ nữ đến lấy nước và Ngài hỏi chị: “Xin cho tôi chút nước” (câu 7). Như thế, Ngài phá vỡ mọi rào cản, một cuộc đối thoại bắt đầu, trong đó Ngài cho người phụ nữ ấy biết về mầu nhiệm nước hằng sống, đó là về Chúa Thánh Thần, một món quà của Thiên Chúa. Thật vậy, với phản ứng ngạc nhiên của chị phụ nữ, Chúa nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ của Thiên Chúa và ai là người nói với chị ‘cho tôi chút nước’, thì chị đã xin người ấy cho chị nước hằng sống” (câu 10).

Trung tâm của cuộc đối thoại này là nước. Một mặt, nước là một yếu tố thiết yếu để sống, làm thỏa cơn khát của cơ thể và hỗ trợ sự sống. Mặt khác, nước như một biểu tượng của ân sủng thiêng liêng, mang lại sự sống vĩnh cửu. Theo truyền thống Kinh Thánh, Thiên Chúa là nguồn nước sống, như được viết trong các Thánh Vịnh và các sách ngôn sứ: việc xa cách Thiên Chúa, nguồn nước hằng sống, và xa cách Luật Pháp của Ngài, dẫn đến sự khô hạn tồi tệ nhất. Đó là kinh nghiệm của người dân Israel trên sa mạc. Xuyên suốt chặng đường tiến về tự do, dân bị thiêu đốt bởi cơn khát. Họ đã phản đối Môsê và chống lại Thiên Chúa vì không có nước. Sau đó, theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Môsê làm cho nước chảy ra từ một tảng đá, như một dấu chỉ quan phòng của Thiên Chúa đồng hành với dân của Ngài và ban cho họ sự sống (x. Xh 17: 17-7).

Và Tông đồ Phao-lô giải thích rằng tảng đá là biểu tượng của Chúa Kitô. Ngài nói thế này: “Tảng đá là Đức Kitô”. Là một hình ảnh mầu nhiệm về sự hiện diện của Ngài ở giữa dân Chúa trên hành trình (x. 1Cr 10: 4). Thật vậy, Chúa Kitô là Đền Thờ mà theo thị kiến của các tiên tri, tuôn trào Thánh Thần, là nước hằng sống, giúp thanh tẩy và ban sự sống. Những người khao khát ơn cứu độ có thể nhận được từ Chúa Giêsu một cách nhưng không, và Thánh Thần sẽ trở thành một nguồn sống trọn vẹn và vĩnh cửu nơi người ấy. Lời hứa về nước hằng sống mà Chúa Giêsu ban cho người phụ nữ Samari đã trở thành hiện thực trong cuộc Vượt Qua của Ngài: “máu và nước” đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu (Ga 19,34). Chúa Kitô, Con Chiên bất tử và phục sinh, là nguồn từ đó phát xuất Chúa Thánh Thần, Đấng thứ tha tội lỗi và tái sinh vào đời sống mới.

Món quà này cũng là nguồn chứng tá. Giống như người phụ nữ Samari, bất cứ ai trực tiếp gặp Chúa Giêsu hằng sống đều cảm thấy cần phải nói điều đó với người khác, để mọi người đến tuyên xưng rằng Chúa Giêsu “thực sự là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42), như những người đồng hương của chị phụ nữ đã nói. Cả chúng ta nữa, được sinh ra trong đời sống mới qua Bí tích Rửa tội, được mời gọi làm chứng cho sự sống và niềm hy vọng trong chúng ta. Nếu sự tìm kiếm và khao khát của chúng ta được thỏa mãn trọn vẹn trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ tỏ ra rằng ơn cứu độ không nằm nơi “những điều” của thế giới này vốn tạo nên sự khô hạn, mà là nơi Đấng yêu thương chúng ta và luôn yêu thương chúng ta: Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, trong nước hằng sống mà Ngài ban cho chúng ta.

Xin Đức Maria rất thánh trợ giúp chúng ta nuôi dưỡng ước muốn của Chúa Kitô, nguồn nước hằng sống, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn khát sự sống và tình yêu mà chúng ta mang nơi tim mình.

Văn Yên, SJ – Vatican News