15/11/2024

Ngày 4/10 vừa qua, tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm ở Mátxcơva, thánh lễ tấn phong giám mục cho cha Nikolaj Dubinin, dòng Phanxicô Viện tu, giám mục phụ tá giáo phận Mẹ Thiên Chúa, đã được cử hành. Đức tân giám mục khẳng định Giáo hội Công giáo Nga không chiêu dụ tín đồ.

 

 

Đức cha Dubinin không phải là giám mục đầu tiên sinh tại lãnh thổ Nga, nhưng là giám mục Công giáo người Nga đầu tiên thuộc nghi lễ Công giáo Latinh trong lịch sử Giáo hội Công giáo.

Đức cha Paolo Pezzi của tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa đã chủ sự Thánh lễ phong chức linh mục. Cùng đồng tế với ngài có 4 giám mục Công giáo của Nga và khoảng 50 linh mục đến từ bốn giáo phận ở Nga.

Giáo phận Mẹ Thiên Chúa

Đức cha Dubinin được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa, giáo phận bao trùm một vùng rộng lớn xung quanh thủ đô Mátxcơva, và cả thành phố Saint Peterburg và vùng Kaliningrad. Đây cũng là lần đầu tiên tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa có giám mục phụ tá. Đức cha sẽ ở tại Saint Peterburg và chăm sóc cho các tín hữu ở vùng tây bắc và miền tây của tổng giáo phận, có các thành phố quan trọng như Novgorod và Pskov.

Giáo hội không chiêu dụ tín đồ

Hàng giáo phẩm Công giáo Nga được tái lập vào năm 1991, và Đức Gioan-Phaolô II đã thành lập bốn giáo phận, đặt tên theo nhà thờ chính tòa chứ không theo lãnh thổ, để tránh xung đột về phân bổ lãnh thổ với Chính thống giáo. Việc bổ nhiệm Đức cha Dubinin khơi dậy sự quan tâm sâu sắc trong dư luận của đất nước. Trong một cuộc phỏng vấn đầu tiên dành cho hãng tin Ria Novosti, Đức cha Dubinin phủ nhận lời cáo buộc các tín hữu Công giáo chiêu dụ tín đồ. Ngài nói rằng mục tiêu của Giáo hội không phải là “Công giáo hóa nước Nga” dù bản chất của Giáo hội là “luôn mở ra với những người tìm kiếm Chúa và chúng tôi không có quyền đóng cánh cửa đó lại.”

Thách đố truyền giáo của Giáo hội Công giáo Nga

Đối với vị tân giám mục, thách đố của Giáo hội Công giáo ở Nga là loan báo cho thế giới niềm vui của Tin Mừng, như Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố, niềm vui là đời sống đức tin và các giá trị của nó mang lại sự sống cho mọi người, có đức tin cũng như không có đức tin … đó là thánh hóa xã hội.” (Asia News 07/10/2020)

Hồng Thủy – Vatican News