Nữ nhà báo Nellie Bly được thế giới biết đến và nhớ ơn vì nhờ bà xã hội có được một bước nhảy vọt về chất lượng thể loại báo chí điều tra. Bà được công nhận là một phụ nữ can đảm vì đã tự nhốt mình trong một bệnh viện tâm thần để có thể điều tra, tố cáo sự ngược đãi phụ nữ ở nơi đây.
Nhân vật nổi tiếng này là một phụ nữ người Mỹ (1864-1922). Bà được cho là một trong những người đi tiên phong về thể loại báo chí điều tra. Tuy nhiên danh tiếng của bà chưa được biết đến nhiều và chỉ được nhìn nhận trong thời gian gần đây. Chính vì thế vào mùa xuân 2020 một tượng đài của bà sẽ được dựng trên đảo Roosevelt, nơi có nhà thương điên, nơi mà bà tố cáo và mô tả “về những sai lầm và hành vi sai trái” của những người quản lý.
Bà Nellie sinh ra trong một gia đình công nhân bình thường tại bang Pennsylvania. Là một người thích viết văn, Nellie đã góp phần khẳng định tiếng nói của phụ nữ, bóc trần những bất công đối với phụ nữ thời bấy giờ. Dù phụ nữ gần như không có cơ hội làm các công việc dành cho nam giới, Nellie đã có cơ hội theo đuổi sự nghiệp báo chí sau khi gửi một lá thư tới tổng biên tập tờ Pittsburgh Dispatch, chỉ trích một bài báo mang tên “Con gái thì giỏi cái gì được”. Sau khi đọc những lời phàn nàn của bà, tổng biên tập George Madden đã vô cùng ấn tượng và mời người phụ nữ về tòa soạn báo làm việc.
Là cây bút chuyên về các vấn đề quyền phụ nữ, bà Nellie tập trung bóc trần những bất công với phụ nữ, điều tra những nơi làm việc, khu vực xâm hại quyền phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi tổng biên tập chuyển bà tới chuyên mục đời sống, chuyên viết về những thứ vặt vãnh như nấu nướng, bí quyết làm vườn… bà quyết định nghỉ việc và chuyển đến New York. Vài tháng thất nghiệp trôi qua, bà được nhận vào làm việc tại tờ New York World.
Đây là lúc bà bắt đầu thiên phóng sự nổi tiếng của mình: Điều tra về những tin đồn xoay quanh trại thương điên Lunatic. Nellie chấp nhận thử thách này, giả vờ bị điên để được đưa vào đây trong 10 ngày. Một phóng viên trẻ 23 tuổi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cho thế giới biết những điều mà trước đây nhiều người biết nhưng không ai dám tiết lộ. Trước khi vào trung tâm này, Nellie Bly đã đến gõ cửa ông John Cockerill, giám đốc tờ “New York Word” để báo cho biết bà sẽ thực hiện cuộc điều tra này. Khi nghe bà trình bày, ông chết lặng vì thực tế chưa bao giờ một nữ phóng viên và hơn nữa, là một ứng cử viên cho một công việc rất khó khăn. Sau một thời gian ngắn ông đã đồng ý và chấp nhận thử thách mà Nellie đã đưa ra: một thử thách mà trong thực tế, là thử thách dành cho ông.
Bà Nellie không chỉ là một nhà báo tuyệt vời, mà còn là một nữ diễn viên giỏi. Bởi vì để vào bệnh viện tâm thần bà phải giả vờ và làm cho mọi người tin bà là một người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Sau 10 ngày giả vờ bị điên, luật sư của tờ New York World đã đến để đưa bà Nellie thoát ra ngoài. Câu chuyện của bà đã được chia sẻ trong cuốn tiểu thuyết mang tên “10 ngày trong trại điên”. Cuốn sách của Nellie Bly đã khiến nổ ra nhiều tranh cãi, đồng thời gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện. Chính phủ cũng đã vào cuộc điều tra và kể từ đó, chất lượng trong trại thương điên Lunatic đã được cải thiện rõ rệt. Kể từ đó, danh tiếng của bà Nellie lan ra toàn cầu. Bà trở thành một hình mẫu cho nữ quyền, một nhà hoạt động tích cực vì quyền phụ nữ.
Theo sau sự thành công này, bà Nellie Bly đã tiếp tục dấn thân hơn trong công việc mà bà xem là sứ vụ cuộc đời. Bà tiếp tục tố cáo các căn bệnh của xã hội: công nhân bị bóc lột, trẻ em bị bỏ rơi, điều kiện sống của những người giúp việc nhà cho các gia đình giàu.
Bà luôn kêu gọi giá trị của một nền báo chí: viết báo không chỉ nhằm mục đích thông tin mà còn đào tạo, đảm nhận một sứ mệnh đạo đức mang lại ích lợi và phẩm giá cho con người. Vài ngày trước khi chết bà đã thốt ra một câu phản ánh trung thực ý nghĩa và bản chất của nghề mà bà xem như là một sứ vụ: “Tôi chưa bao giờ viết một từ không xuất phát từ trái tim mình”.