Khi một số vắc-xin Covid-19 đạt được các thử nghiệm lâm sàng tiên tiến, các Giám mục Công giáo ở Úc và Vương quốc Anh đưa ra một câu hỏi đạo đức liên quan đến việc sử dụng bào thai bị phá thai trong quá trình phát triển của một ứng viên vắc-xin cụ thể.
Vắc-xin Covid-19 AstraZeneca / Đại học Oxford, kết quả hợp tác giữa công ty thuốc đa quốc gia AstraZeneca của Anh và đại học Oxford, đã đạt được thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trên người. Theo kết quả được công bố trên tạp chí The Lancet, kết quả ban đầu cho thấy vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những người tham gia.
Những câu hỏi đạo đức
Vắc xin sử dụng dòng tế bào (HEK-293) được phát triển vào năm 1973 bằng cách sử dụng tế bào thận của phôi thai được phát triển trong nuôi cấy mô lấy từ một bào thai người bị phá thai tự nguyện. Điều đó có nghĩa là nguồn gốc lịch sử của vắc-xin có liên quan đến một bé gái bị phá thai, và nó làm dấy lên những câu hỏi đạo đức về việc sử dụng vắc-xin. Sau quá trình phát triển ban đầu, dòng tế bào được tái tạo lâm sàng mà không cần các cuộc phá thai tiếp theo.
Cung cấp “một loại vắc-xin thay thế không gây tranh luận về đạo đức”
Trả lời vấn đề này, các Giám mục Úc và Anh đã kêu gọi một loại vắc-xin Covid-19 sử dụng các dòng tế bào không được sản xuất qua việc phá thai.
Mới đây, Đức Tổng Giám mục người Úc, Anthony Fisher, đã trình bày quan điểm của ngài trên tờ The Catholic Weekly. Ngài kêu gọi chính phủ cung cấp “một loại vắc-xin thay thế không gây phản đối về mặt đạo đức, nếu đạt được một loại vắc-xin như thế.”
Chính phủ Úc gần đây đã ký một lá thư có ý định sản xuất vắc xin AstraZeneca, nếu nó chứng minh là thành công.
Sức khỏe thể lý và đạo đức
Đức Tổng Giám mục Fisher nói rằng “hầu hết các tín đồ tôn giáo không phải là những người chống vắc-xin”, và nhiều người Công giáo đang cầu nguyện để có được thuốc chủng ngừa Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định được 167 loại vắc xin ứng viên, trong đó 29 loại đã được thử nghiệm lâm sàng. Ngài nói tiếp: “Nếu Chính phủ theo đuổi một loại vắc-xin không đối nghịch về mặt đạo đức thì sẽ không thành vấn đề. Nếu nó đảm bảo với mọi người rằng không ai sẽ bị áp lực khi sử dụng loại vắc-xin như vậy hoặc bị thiệt thòi vì không làm như vậy, thì đó sẽ không phải là vấn đề. Vì vậy, điều quan trọng là tìm kiếm các giải pháp bảo vệ sức khỏe thể chất của cộng đồng đồng thời tôn trọng sức khỏe đạo đức của cộng đồng và cung cấp cho mọi người sự lựa chọn.”
Đức Tổng Giám mục Fisher đã viết rằng, nếu không có sẵn thuốc thay thế, ngài không nghĩ rằng việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca là trái đạo đức. Ngài nói: “Làm như vậy sẽ không phải là hợp tác trong bất kỳ vụ phá thai nào xảy ra trong quá khứ hoặc tương lai. Nhưng tôi vô cùng lo lắng về nó.”
Vắc-xin khác với đồng lõa
Vào cuối tháng 7, hai giám mục Anh phụ trách về các vấn đề sức khỏe và sự sống cũng nói về đề tài tương tự. Đức cha Paul Mason và John Sherrington nói rằng Giáo hội Công giáo ủng hộ việc tìm ra vắc-xin để bảo vệ những người yếu nhất trong xã hội. Các ngài thừa nhận “sự đau khổ mà nhiều người Công giáo phải trải qua khi phải đối mặt với lựa chọn không tiêm chủng cho con mình hoặc dường như đồng lõa với việc phá thai.”
Tuy nhiên, hai giám mục Anh nói thêm, “Giáo hội phân biệt giữa việc tìm nguồn cung ứng vắc-xin phi đạo đức hiện nay và việc sử dụng các dòng tế bào lịch sử có nguồn gốc từ những bào thai bị phá bỏ vào những năm 1970”. Các ngài lưu ý: “Chúng tôi hy vọng rằng việc cung cấp một loại vắc-xin hợp với đạo đức là có thể thực hiện được”.
Hồng Thủy – Vatican News