23/11/2024

Suy niệm loan báo Tin Mừng

03/10/2019 – Thứ Năm Tuần 26 TN

 

Lời Chúa:

Sách Nkm 8:1-4a,5-6,7b-12

Trong những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.

Thầy thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc.

Nơkhemia là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.

Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta”.

Các Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: “Anh chị em hãy thinh lặng, vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn”. Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống, gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu rõ những lời mình nghe giảng dạy. 

Tin Mừng Lc 10, 1-12

Khi ấy, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’. Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần’. Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđom còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

 

Suy niệm 

Các sách Étra và Nơkhemia mô tả bằng một bản trường ca đức tin những thời khắc quan trọng của cuộc khôi phục cộng đồng Dân Thiên Chúa tại vùng đất xưa của tổ tiên sau thời lưu đày Babylon. Giữa những nỗi bất hạnh và đau khổ, kế hoạch của Thiên Chúa như đã được báo trước ở Is 55:12-13 vẫn được thực hiện, thậm chí thông qua các quyết định của một ông vua ngoại giáo, vua Kyrô nước Ba Tư; theo cả 2 Sb 36:22-23 và Er 1:1-4, chính sách của vua Kyrô đối với thiểu số sắc tộc tôn giáo Do Thái là sự hoàn thành lời của chính Đức Chúa. Tuy nhiên, cuộc hồi hương của một ít người lưu đày được trình bày không phải như một bản trường ca về một thứ hạnh phúc rẻ tiền. Kế hoạch của Chúa được thể hiện qua những đoàn người lưu đày khác nhau trở về nơi quê cha đất tổ của họ, trong một “lịch sử thánh” được mô phỏng theo cuộc trở về Đất Hứa nhiều thế kỷ sau khi họ ra khỏi Ai Cập (Nkm 8:17). Trong sách Nơkhemia, công cuộc tái thiết đền thờ và thành Giêrusalem được hoàn thành trong việc tái tổ chức cộng đồng theo các giới lệnh của Lề Luật (x. Nkm 11:1; 12:26), vào ngày lễ cung hiến “nhà của Thiên Chúa” (x. Nkm 12:27-43), và trong việc dân chúng tái cam kết về giao ước (x. Nkm 13:4-31).

Việc long trọng cử hành phụng vụ Lời Chúa vào ngày Lễ Lều là một bước quyết định trong việc khôi phục cộng đoàn phụng tự tại đất của tổ tiên. Vào ngày đầu tiên của dịp lễ này, phụng vụ Lời Chúa diễn ra ở ngoài trời (x. Nkm 8:1-2), vì toàn thể miền đất của tổ tiên là một không gian thánh, đặc biệt thành Giêrusalem, và luật Tora thậm chí còn quan trọng hơn cả đền thờ và các vật hi tế của đền thờ. Vị tư tế và ký lục Étra phải được mọi người nhìn thấy và lắng nghe khi ông công bố Luật Môsê (x. Nkm 8:4). Một nhóm người khác là các thầy Lêvi có nhiệm vụ đọc sách Luật và cắt nghĩa cho dân chúng (x. Nkm 8:7-8). Sau này, các truyền thống Do Thái giải thích ý nghĩa của động từ “cắt nghĩa”, được liên kết với việc “đọc” bản văn Kinh Thánh, như là khởi đầu của truyền thống diễn tả lại bằng tiếng Aram (ngôn ngữ rất quen thuộc của những người lưu đày trở về từ Babylon) bản văn Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Hípri, nghĩa là sự khởi đầu của việc giải thích (midrash) bản văn thánh để tìm kiếm Chúa qua Lời của Người. Dân chúng đáp lại lời Chúa bằng việc khóc lóc (x. Nkm 8:9,11), một dấu chỉ của sự thành thật ăn năn hối lỗi, trên hết là vì ý thức mình đã phạm tội chống lại sự thánh thiện của chính Chúa, đã khinh rẻ tình yêu và lòng thương xót của Người, theo ngôn ngữ tiên tri. Nhờ ơn Chúa, Lời đã đi vào được trong trái tim của mọi người và thúc đẩy họ đi trên con đường hoán cải. Cuộc cử hành phụng vụ này biểu thị ý nghĩa phong phú hơn là sự kiện lịch sử nguyên thuỷ; nó trở thành một biểu tượng cho mọi thế hệ tín hữu. Buồn sầu và khóc lóc được biến đổi thành niềm vui của việc tái khám phá ra lời của Chúa (x. Nkm 8:9); những vị đã cắt nghĩa lời ấy cho dân có thể và phải giúp dân biến đổi sự hối hận thành niềm vui (Nkm 8:11). Theo truyền thống của Đệ Nhị Luật 16:13-14, dịp lễ hội thu hoạch hoa màu – lễ này trở thành Lễ Lều, được cử hành để kỷ niệm cuộc hành trình trong sa mạc sau cuộc xuất hành – đòi hỏi chia sẻ một phần hoa màu cho những người nghèo của cộng đoàn. Chính tổng đốc Nơkhemia kêu gọi tổ chức bữa tiệc mừng để chia sẻ cho những ai không có gì để ăn (x. Nkm 8:10). Là dấu chỉ về sự hiệp thông của ngày lễ, việc chia sẻ là một nguồn vui và làm chứng rằng Lời Thiên Chúa đã được hiểu rõ trong tâm trí và trong đời sống của mọi người (x. Nkm 8:12).

Việc Đức Giêsu kêu gọi bảy mươi hay bảy mươi hai môn đệ, mỗi người đại diện cho mười hai chi tộc Ítraen, diễn ra sau khi Người kêu gọi Nhóm Mười Hai (x. Lc 9:1-6). Cả hai lần sai phái sứ giả này đều là để trợ giúp và chuẩn bị cho cuộc hành trình của chính Đức Giêsu. Chuẩn bị cho sứ mạng hệ tại việc thuộc về cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu theo nghĩa rộng, thậm chí giữa những người không phải là Do Thái; lời của Thiên Chúa được giơ lên cao trong chính con người Đức Giêsu, giống như Luật Môsê được giơ lên cao trước cộng đoàn vào thời Étra và Nơkhemia (x. Nkm 8:1). Trong cộng đoàn môn đệ nguyên thuỷ của Người, chính Đức Giêsu bắt đầu cắt nghĩa Sách Thánh như là một Tin Mừng (x. Lc 24:44-48), coi việc đọc và giải thích Sách Thánh là điều cốt yếu trong cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu (x. Lc 24:25-35).

Khi uỷ thác cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng nói về các phương pháp truyền giáo: các trang bị và thực hành (x. Lc 10:1-11). Ngài cho họ các hướng dẫn thực hành, một phần tuân giữ nền văn hóa Do Thái- Palestin của thời đó, như là tuân giữ ‘tục lệ chào hỏi’ (x. Lc 10:4-7; St 18:1-8), nhưng Người cũng nhấn mạnh sự cấp bách và vị trí ưu tiên tuyệt đối của sứ mạng trên nền văn hóa của thời đại (x. Lc 10:4), và họ bị đưa vào những nơi nguy hiểm (x. Lc 10:3). Họ mang theo một thông điệp bình an (x. Lc 10:5; 24:36) giúp khơi dậy những cử chỉ thuận lợi của người rao giảng Tin Mừng và những người được nghe rao giảng Tin Mừng (x. Lc 10:8-9a) và có mục tiêu là sự đến của “Nước Thiên Chúa” (Lc 10:9b): sự đến của Đức Giêsu, hành trình của Người (x. Lc 10:1). Như trong thế giới Palestin thời ấy thế nào, thì cũng sẽ luôn luôn như thế tại mọi nơi và mọi thời trên thế giới. Thậm chí các lời dạy của Đức Giêsu về việc các môn đệ phải ứng xử thế nào khi họ bị từ chối trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa cũng được hướng dẫn bởi vị trí ưu tiên của sứ mạng (x. Lc 10:10-11); cùng một cách ứng xử này sẽ được áp dụng bởi Phaolô và Banaba khi các ông gặp sự chống đối của cộng đồng Do Thái (x. Cv 13:44-51).

Đức Giêsu bảo đảm cho các người truyền giáo của Người rằng khi họ bị từ chối, thì không phải là vì họ, mà là vì Chúa (x. Lc 10:12). Thậm chí sự từ chối và bách hại của Đức Giêsu và vì Đức Giêsu có thể trở thành cơ hội cho các môn đệ truyền giáo trở nên phù hợp với cuộc Vượt Qua của Thầy mình, trong đó sứ điệp được cống hiến, Nước Thiên Chúa được rao giảng, thân phận vừa là Thiên Chúa vừa là người và số phận là Đấng Mêsia và Cứu Thế của Người trở thành mối quan tâm duy nhất: thi hành ý muốn của Cha để cứu rỗi thế giới. Việc xét xử liên quan đến sự cứu rỗi của các thành phố được nghe rao giảng ơn cứu độ nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, việc Nước Thiên Chúa được hiện thân nơi con người Chúa Con, việc xét xử ấy chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Không ai có thể giả định sự lên án hay án phạt (x. Mt 13:24-43); các môn đệ truyền giáo phải cháy lửa đam mê và yêu mến đối với thế giới, để mọi người được cứu độ, bằng việc lên đường tìm đến với mọi người nam người nữ thuộc mọi thế hệ, mọi nơi và mọi thành phố, để không một ai bị lỡ cơ hội được nghe rao giảng Tin Mừng cứu độ. 

 

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng