23/11/2024

“Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa” (Cv 16, 14b)

Suy niệm loan báo Tin Mừng: 10/10/2019 – Thứ Năm Tuần 27 TN

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

Sách Tiên tri Malakhi Ml 3, 13 – 4, 2a

Chúa phán: “Lời của các ngươi chống lại Ta thật thô kệch. Các ngươi đã nói: “Chúng tôi có nói gì chống lại Chúa đâu ?” Các ngươi còn nói: “Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát”.

Bấy giờ những kẻ kính sợ Chúa đàm đạo với nhau, thì Chúa lắng nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người. Chúa các đạo binh phán: “Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta. Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình. Khi trở lại, các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người”.

“Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả”, Chúa các đạo binh phán như vậy. “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người”.

Tin Mừng: Lc 11, 5-13

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.” 

“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 11:5-13), chúng ta thấy nổi bật chủ đề về tình bạn. Các sách Tin Mừng có rất nhiều ví dụ về việc Đức Giêsu đến gần những người khác trong tình bạn hữu. Thánh Luca cho thấy một Đức Giêsu đầy thương cảm khi tiếp xúc với những người phong cùi, người bại liệt, người tội lỗi, người thu thuế, người đại đội trưởng, những bà góa, những người bị quỷ ám, những người bị động kinh – một danh sách rất dài. Bản thân Đức Giêsu là người Samaria nhân hậu (Lc 10:29-37) và là người cha đầy thương cảm (Lc 15:11-32). Người quảng đại và tự nguyện mở rộng bàn tay thương xót của Người với đầy tình bằng hữu.

Tin Mừng Gioan cũng cung cấp những nhận thức sâu sắc về Đức Giêsu và tình bạn. Tình yêu bằng hữu của Đức Giêsu đối với ba chị em Maria, Matta và Ladarô được Gioan mô tả trong chương mười một: “Ðức Giêsu thương yêu cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11:5). Khi được tin Ladarô chết, Đức Giêsu nói, “Anh bạn của chúng ta đang ngủ thôi” (Ga 11:11), và sau đó Đức Giêsu khóc khi biết Ladarô đã chết: “Những người Do Thái nói, ‘Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!’” (Ga 11:36).

Ở bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu ban cho chúng ta giới luật yêu thương nhau; Người nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 11:13- 16). Thế nên Đức Giêsu tỏ lộ chiều sâu của tình yêu-bằng hữu bằng cách chết trên thập giá vì chúng ta. Như Thánh Phaolô ghi nhận, “Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).

Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi trải nghiệm rằng Đức Giêsu là người bạn, thực sự là người bạn thân thiết của mọi người. Tình bạn với Đức Kitô có nghĩa là lớn lên trong sự thân mật với Thầy, cũng như một đời sống trong Đức Kitô. Chiều kích thâm sâu của tình bạn như thế làm cho Chúa Thánh Thần sống động trong chúng ta. Tình bạn với Đức Kitô, cả trong khi yếu đau bệnh tật, giúp chúng ta có sức mạnh để lướt thắng nỗi cay đắng, mệt mỏi của cuộc đời, và mọi nỗi thất vọng. Tình bạn là “chuyện của con tim”, trong đó chúng ta tỏ bày cho người khác biết những gì chất chứa trong tâm khảm mình, với lòng tin tưởng và cởi mở với nhau. Sự tăng trưởng trong tình bạn xảy ra nhờ sự mở lòng ra cho nhau. Trong tiến trình này, chúng ta thấy mình đi vào một mối quan hệ sâu hơn với Thiên Chúa và với tha nhân. Người ta sẽ được khích lệ để theo Đức Kitô khi họ thấy được tình bạn của Người đã biến đổi như thế nào người môn đệ truyền giáo đang rao giảng và làm chứng.

Tình bạn được mô tả cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay có vẻ không đủ để đạt được những gì chúng ta tìm kiếm. Nhu cầu của chúng ta phải được hỗ trợ bởi sự kiên trì cầu xin, bởi lòng tin chắc chắn của người cầu xin, và trong khả năng ban cho của người được cầu xin, cả trong những lúc không phù hợp. Sự kiên trì để cầu nguyện luôn luôn, cầu nguyện không biết mệt (x. Lc 18:1), thử thách và tăng cường đức tin như là một mối quan hệ giữa những người bạn hữu, hay thậm chí giữa cha mẹ và con cái. Những cái bánh và Chúa Thánh Thần được nhắc đến rõ ràng trong lời cầu xin cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa Thánh Thể và Thanh Tẩy của tình bạn với Đức Giêsu và mối quan hệ với Cha của Người. “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:26-27).

Sự kiên trì của lời cầu xin người bạn cho ba ổ bánh nhấn mạnh sự hiệp thông chia sẻ để nuôi dưỡng và chăm sóc người người bạn của mình. Lời cầu nguyện nếu chân thực sẽ làm cho mối quan hệ tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa được mở ra cho tha nhân và thúc đẩy chúng ta truyền giáo. Chúng ta cầu xin cho các nhu cầu của mình cũng như của những người khác, thông qua Hội Thánh mà chúng ta trở thành nhờ Thần Khí của Chúa Cha và bánh Thánh Thể mà chúng ta chia sẻ. Chúng ta không bao giờ chỉ cầu xin cho riêng mình; đó không phải là cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì nó gia tăng sự hiệp thông của chúng ta với người khác và mở rộng ranh giới đoàn của Đức Giêsu.

Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Niềm Vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu” (số 1). Đức Phanxicô viết tiếp, “Chỉ nhờ sự gặp gỡ này—hay sự gặp gỡ mới mẻ này—với tình yêu của Thiên Chúa, được triển nở thành một tình bạn phong phú, chúng ta được giải phóng khỏi sự chật hẹp và khép kín của mình.… Ở đây chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực phúc-âm-hóa của chúng ta” (số 8). Chúng ta là “những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài” (số 27). Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin rằng “chúng ta được dựng nên để hưởng nhận điều mà Tin Mừng cống hiến cho chúng ta: tình bạn với Đức Giêsu và tình yêu của các anh chị em chúng ta” (số 265). Niềm tin truyền giáo của chúng ta “phải được nâng đỡ bởi trải nghiệm không ngừng được đổi mới của chúng ta về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (số 266).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên sử dụng một cách mô tả đơn sơ và hữu ích về truyền giáo: “Truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người” (số 268). Có nghĩa là mỗi người truyền giáo có trải nghiệm sâu xa sự gặp gỡ với Đức Giêsu bằng tình bạn thân thiết thì sẽ muốn chia sẻ cho người khác những kết quả của sự gặp gỡ này. Vì vậy, xuất phát từ sự gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, chúng ta cũng ước muốn là bạn với những người khác trong việc chia sẻ tình bạn của họ với Đức Giêsu.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng