09/10/2024

Một trong những quan tâm của Tòa Thánh là làm sao để giáo huấn và lập trường của Đức Thánh Cha được chuyển tới cộng đồng thế giới, lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói và bênh vực thiện ích của nhân loại, các tự do và nhân quyền. Vì thế, Tòa Thánh tận dụng những quan hệ đa phương với các tổ chức quốc tế để bênh vực và thăng tiến công ích của nhân loại.

 

Đức tổng giám mục Gabriele Giordano Caccia – Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp quốc ở New York 

 

 Tại Vatican

 Tại Vatican, có hơn 300 ký giả quốc tế đăng ký tại Phòng báo Chí Tòa Thánh, và qua họ, lập trường của ĐTC và Tòa Thánh được vọng tới các dân nước. Mỗi năm, sinh hoạt ngoại giao quan trọng nhất tại Vatican là buổi tiếp kiến của ĐTC vào dịp đầu năm dành cho các vị đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh, đến chúc mừng nhân dịp đầu năm mới. Trong dịp này, ngài thường kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự, những thách đố lớn của nhân loại.

 Với các tổ chức quốc tế

 Ngoài ra, hiện nay Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia trên thế giới và có đại diện tại 24 tổ chức quốc tế lớn nhỏ, kể cả với những cơ quan về năng lượng hạt nhân (A.I.E.A) ở Vienne, tổ chức thế giới về thương mại (O.M.C), hay tổ chức thế giới về du lịch (O.M.T). Trong số các tổ chức này, có một vài tổ chức chiếm vị thế quan trọng hơn và các Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các tổ chức này ở cấp Tổng Giám Mục sứ thần. Các vị thường lên tiếng trình bày lập trường của Tòa Thánh qua các bài tham luận tại các khóa họp, như tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, hoặc tại các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ.

 Tại các tổ chức quốc tế khác, Tòa Thánh chỉ có 1 Đức Ông làm quan sát viên thường trực như tổ chức an ninh và cộng tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE, có trụ sở tại Vienne bên Áo và qui tụ 54 nước Âu Châu cộng thêm Mỹ và Canada. Hoặc tại Hội đồng Âu Châu và Nghị Viện Âu Châu có trụ sở ở thành phố Strasbourg bên Pháp, Tổ chức Lương Nông Quốc tế, gọi tắt là FAO ở Roma, hay tổ chức Unesco, về giáo dục, khoa học và văn hóa ở Paris bên Pháp.

 Tại LHQ ở New York

 Lên tiếng nhiều nhất là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Gabriel Giordano Caccia 62 tuổi (1958) người Ý, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Philippines, được bổ làm Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York hồi tháng 11 năm ngoái (2019). Ngài xuất thân từ trường ngoại Tòa Thánh hồi tháng 7 năm 1991 và phục vụ trước tiên tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Tanzania, rồi trở về Vatican phục vụ tại Phân Bộ Tổng Vụ của Phủ Quốc vụ khanh. Năm 2002, ngài được bổ làm Phó Phụ tá Quốc vụ khanh (Assessore) (tương đương với thứ trưởng nội vụ). Sau đó năm 2009, ngài được thăng Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Liban, trước khi chuyển qua tòa Sứ Thần tại Manila.

 Các bài tham luận gần đây

 Thông thường tháng 9 và tháng 10 mỗi năm, vị Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York lên tiếng nhiều nhất vì là thời điểm Đại Hội đồng mới của Liên Hiệp Quốc bắt đầu nhóm họp: không những khóa họp khoáng đại nhưng còn có nhiều phiên họp của các Ủy ban khác nhau về những vấn đề thời sự. Có ngày ngài phải đọc 2 hay 3 bài tham luận. Ví dụ trong 2 tuần đầu tháng 10 này, Đức Tổng Giám Mục Caccia lần lượt lên tiếng trình bày lập trường của Tòa Thánh về những vấn đề như phát triển dài hạn (13/10), hoặc các biện pháp loại trừ khủng bố quốc tế (12/10), sự toàn cầu hóa và lệ thuộc lẫn nhau (9/10), v.v.

 Đặc biệt hôm 6/10, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia đã cảnh giác rằng việc giải thích lại các quyền con người là điều mưu lợi cho những người hùng mạnh và gây hại cho những người yếu thế. Trong bài tham luận tại khóa họp thứ 3 thuộc Đại Hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Caccia nói: ”Tòa Thánh rất quan tâm vì càng ngày người ta càng tạo sức ép, đòi giải thích lại chính các nền tảng của các quyền con người, và như thế làm thương tổn sự thống nhất nội tại của các quyền con người và xa lìa sự bảo vệ phẩm giá con người và nhắm thỏa mãn những lợi lộc chính trị và kinh tế… Lối tiếp cận như thế tạo nên một phẩm trật trong các quyền con người bằng cách tương đối hóa phẩm giá con người và dành nhiều giá trị hơn cho các quyền được thêm vào cho những người giầu mạnh, trong khi đó lại gạt bỏ những người yếu thế”.

 Chống lạm dụng từ ”các quyền con người”

Vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York cũng đặc biệt phê bình chủ trương cổ võ phá thai và làm cho chết êm dịu, coi chúng là ”nhân quyền”. Đức Tổng Giám Mục Caccia nói: ”Sự không hiểu bản chất và thực tại các quyền con người dẫn tới những chênh lệch và bất công trầm trọng, ví dụ cố tình không biết đến các thai nhi ở trong lòng mẹ hoặc đối xử với sinh mạng của người già và những người khuyết tật như những gánh nặng không thể chịu nổi đối với xã hội”.

 Đức Tổng Giám Mục Caccia trưng dẫn Thư ”Người Samaria nhân lành” mà Bộ giáo lý đức tin công bố ngày 22/9/2020, khẳng định rằng ”Cũng như không có quyền phá thai, thì cũng không có quyền làm cho chết êm dịu: có luật pháp qui định rằng không được giết chết, nhưng phải bảo vệ sự sống và tạo điều kiện dễ dàng cho sự sống chung giữa con người với nhau”.

 Tại các tổ chức quốc tế ở Genève

 Vấn đề giải thích không đúng về các quyền con người cũng được Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các Tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, đề cập tới. Đức Tổng Giám Mục người Sloveni, năm nay 43 tuổi (1977), đã phục vụ trong các Sứ quán của Tòa Thánh tại Hàn quốc, Colombia, Nga, rồi làm Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Belarus, Ucraina, Nga, Uzbekistan, trước khi chuyển về Genève từ năm 2016.

 Trong bài tham luận ngày 2-9-2020, tại Hội nghị về tiến trình duyệt lại các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về các quyền con người, dưới ánh sáng các biện pháp do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề ra năm 2014 với nghị quyết số 56/268, Đức Tổng Giám Mục Jurkovic kêu gọi các nước giải thích chặt chẽ các hiệp ước về các quyền con người, và ngài nói rằng ”bất kỳ giải thích nào khi đi quá điều được xác định trong hiệp ước đều là vô hiệu, tai hại và phản tác dụng”. Đức Tổng Giám Mục cảnh giác rằng ”Mọi toan tính thay đổi phạm vi hoặc nội dung các nghĩa vụ của mỗi quốc gia ký kết hiệp ước mà không có sự đồng ý của quốc gia ấy đều là một hành vi phủ nhận giá trị sự phê chuẩn của quốc gia liên hệ đối với Hiệp Ước”. Ngoài ra, cần bảo đảm sự nhất quán giữa những kết quả do các cơ quan nhà nước về các hiệp định và công pháp quốc tế”.

 Vị đại diện Tòa Thánh bày tỏ lo ngại vì nhiều khi các cơ quan nhà nước vừa nói đưa ra ”một giải thích năng động về các Hiệp Ước, du nhập những ý niệm mới. Trong khi đó, các văn kiện ấy đòi hỏi một sự giải thích chặt chẽ, theo các qui luật đã được qui định do Công Ước Vienne về luật liên quan đến các hiệp ước hồi năm 1969”. Đức Tổng Giám Mục Jurkovic ám chỉ đến sự việc một số quốc gia Âu Mỹ muốn du nhập việc phá thai, hôn nhân đồng phái, và một số điều khác như những ”nhân quyền” và do đó chúng phải được các nước ban hành luật buộc dân chúng phải tôn trọng.

 Giuse Trần Đức Anh O.P. – Vatican News