Thứ Năm 10/12, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức một cuộc họp về khủng hoảng nhân đạo ở Syria và Iraq, với mục tiêu nhắm đến là: “Thời gian để suy tư, hiệp thông huynh đệ và phối hợp giữa tất cả các tổ chức Giáo hội đang tham gia vào các hoạt động bác ái và trợ giúp cho dân chúng đang đau khổ ở khắp khu vực Trung Đông do cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

 

 

Tại cuộc gặp gỡ trực tuyến, ngoài các vị Sứ thần Tòa Thánh của khu vực, còn có sự tham gia của khoảng 50 tổ chức bác ái Công giáo, đại diện các Giám mục địa phương, các tổ chức Giáo hội, các Hội dòng ở Syria, Iraq và các nước lân cận.

Buổi họp được điều động bởi Đức ông Segundo Tejado Muño, Phó Tổng Thư ký của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện và Moira Monacelli, đại diện Caritas Quốc tế. Sau lời nguyện khai mạc của Đức ông Bruno Marie Duffé, Tổng thư ký của Bộ Phục vụ Phát triển, là một phiên thảo luận về tình hình chính trị-ngoại giao của khu vực, với các bài tham luận của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh và Đức Hồng y Mario Zenari, sứ thần Tòa Thánh tại Syria.

Tiếp theo, là phiên thảo luận về vai trò của Giáo hội ở Syria và Iraq. Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương có bài tham luận về vấn đề này.

Một tình trạng khẩn cấp ở khu vực này là di cư và di dân nội địa được quan tâm đặc biệt, với phần trình bày của Filippo Grandi, đại diện Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) và Pascale Debbane, thuộc Phân bộ Di cư và Tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.

Cũng tại cuộc họp này, Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện và ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế trình bày tại một phiên thảo luận về hoạt động của các tổ chức Công giáo trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn khẩn cấp sang giai đoạn phát triển toàn diện.

Xung đột ở Syria và Iraq đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong những thập kỷ gần đây. Ngoài hoạt động ngoại giao, Tòa Thánh còn tích cực tham gia các chương trình viện trợ và hỗ trợ nhân đạo. Kể từ năm 2014, mạng lưới Giáo hội đã phân bổ hơn 1 tỷ đô la cho ứng phó khẩn cấp. Theo Liên Hợp Quốc, vẫn còn 11 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở Syria, trong khi hơn 6 triệu người phải di cư trong nước; ở Iraq, hơn 4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo và hơn 1 triệu người phải di cư trong nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tất cả các quốc gia trong khu vực đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, đặc biệt là Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. (CSR_9098_2020)

Ngọc Yến – Vatican News