07/11/2024

Chưa có khi nào Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới phải trải qua một Mùa Chay đặc biệt như năm nay. Trước sự bùng phát và diễn tiến bất thường của cơn đại dịch virus Vũ Hán, nhịp sinh hoạt của thế giới và của cả Giáo Hội cũng bị đảo lộn. Giáo Hội nhiều nơi đã phải tuyên bố đình chỉ mọi Thánh Lễ vì lý do an toàn và sức khoẻ cộng đồng. Thế là rất nhiều tín hữu Công Giáo trong mùa Chay này không chỉ phải giữ chay trong việc ăn uống, mà còn phải “chay” cả Thánh Lễ, “chay” cả những cuộc tĩnh tâm và những buổi hội họp đông người.

 

Dưới ánh sáng của biến cố đại dịch mà cả nhân loại đang phải trải qua, chúng ta cùng đọc lại ba lời mời gọi chính yếu của Mùa Chay là ăn chay, làm việc bác ái, và cầu nguyện… Những lời khuyên này có vẻ đi ngược lại với xu hướng hiện đại và những ước muốn của lòng người. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cần suy niệm để thấy giá trị của những lời mời gọi ấy và tầm quan trọng của việc hình thành những nét văn hoá mới cho con người.

Ăn chay – hãm mình

Chay à? Nghe là đã thấy có vẻ nhạt nhạt rồi đấy! Có ai mà thích nhạt đâu! Phải có gì đó mằn mặn thì mới hấp dẫn, mới ngon lành, mới có vị chứ, phải không? Chả thế mà các MC nổi tiếng khi dẫn chương trình trước đám đông khán giả cứ phải xen vào đó những câu chuyện có cả “chay” cả “mặn” thì mới dễ hấp dẫn người nghe. Cũng vậy, trong nhiều gameshows ngày nay, các vị khách mời phải biết nói chuyện đủ mặn thì mới được gọi là những “vựa muối”, “siêu đáng yêu”, “siêu duyên dáng”… Chừng như con người càng ngày càng thích “mặn”, nên dễ trở nên xa lạ với những lời kêu gọi của chay tịnh.

Với người Công Giáo, “ăn chay” không chỉ đơn thuần được hiểu theo nghĩa đen, kiểu như được ăn món gì và không được ăn món gì, ngày nào thì phải ăn chay và ngày nào thì được ăn mặn… Ăn uống chỉ là một trong những cách biểu hiện bề ngoài của việc thực hành khổ chế và hãm mình. Tại sao phải hãm mình và khổ chế? Xin thưa: để giúp con người lớn lên trong khả năng làm chủ bản thân và làm chủ chính mình ngang qua việc làm chủ được những ham muốn, điều tiết được những đòi hỏi, hãm dẹp được những cái bất trị trong chính mình. Mùa Chay giúp con người là “người” hơn là “con”, nhờ đó có có thể ngày một nên thánh hơn nhờ biết hướng đời mình trên nẻo đường lành thánh.

Như thế, việc ăn chay của người Công Giáo không chỉ xoay quanh chuyện ăn uống, mà còn liên quan đến cách nói năng, cách suy nghĩ, cách sống. Mùa Chay giữa cơn đại dịch là cơn hội tốt để nhắc nhở mọi người trở về, tập lại và điều chỉnh lại từ những thói quen nhỏ nhặt của đời sống, nhất là thói quen nói năng. Ai cũng biết rằng nguồn lây nhiễm chính của Virus Vũ Hán là các hạt nước bọt mang virus. Những hạt nước bọt này văng ra từ những người hay nói. Càng có thói quen nói nhiều, nguy cơ lan truyền virus càng lớn. Như thế, virus Vũ Hán là một lời nhắc nhở và cảnh cáo cho những người mang nơi mình nhiều thói quen xấu trong việc ăn nói như ngồi lê đôi mách, thích chém gió, thích nổ, thích cà kê cà khịa, thích hội họp ồn ào, v.v… Mùa Chay năm nay mời gọi mọi người rút lui vào khoảng thinh lặng nhiều hơn. Thinh lặng đúng nghĩa là vàng. Sự thinh lặng đáng giá bằng cả sinh mạng của con người. Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, bớt giao du tiếp xúc bên ngoài khi không cần thiết, xây dựng văn hoá lịch sự và tôn trọng nhau ở những chốn đông người, bỏ qua những cuộc cãi vả và tranh luận không cần thiết, v.v… ấy là những nét đẹp cần có trong văn hoá Mùa Chay.

Làm việc bác ái và liên đới

Mùa Chay kêu gọi con người trở về, không chỉ theo nghĩa biết ngước nhìn lên Thiên Chúa, nhưng còn theo nghĩa biết nhìn sang chung quanh những người anh chị em của mình, nhất là những người nghèo khổ khốn khó. Mùa Chay dạy con người về đức bác ái ngang qua việc sống tình liên đới và trách nhiệm.

Thánh Phaolo từng suy niệm về sự liên đới thế này: “Vì một người mà tội lỗi đã thâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết. Như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5,12). Đã từng có không ít người phản đối lối suy niệm ấy và tự hỏi: tại sao một người gây hoạ mà nhiều người phải gánh cùng? Tại sao một người làm sai mà nhiều người phải chịu tội?

Cơn đại dịch nổ ra, lây lan từ người này sang người khác, chỉ ra cho thấy quả thật con người liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau nhiều hơn những gì người ta từng tưởng nghĩ. Trong những ngày qua, đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười đến từ những người thiếu trách nhiệm và không có ý thức gì về sự liên đới giữa người với người. Vì sợ, có những người tìm cách trốn cách ly. Họ sợ cho mình, nhưng lại không nghĩ xa hơn được rằng trốn tránh và chỉ nghĩ cho riêng mình chính là nguyên nhân làm cho bệnh dịch lây lan nhanh chóng. Khi ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình, người ta có nguy cơ trở thành nguồn gây hoạ cho vô số người khác, khởi đầu từ những người thân yêu nhất của mình. Một người sai, nhưng nhiều người phải gánh hậu quả là thế!

Mùa Chay giữa cơn đại dịch là cơ hội để mỗi người Công Giáo sống đức bác ái Kitô giáo, theo nghĩa không chỉ nghĩ cho riêng mình, nhưng còn biết nghĩ đến những người khác nữa. Ai cũng sợ bị nhiễm bệnh, nhưng không vì chỉ sợ cho mình mà quên mất nghĩ đến người khác. Văn hoá Mùa Chay dạy chúng ta không dành giật để tích trữ cho riêng mình, khi sự tích trữ của mình là nguyên nhân làm cho những người bên cạnh mình trở nên thiếu thốn. Văn hoá Mùa Chay dạy chúng ta sống như một người có trách nhiệm, không giấu diếm khi thấy mình có vấn đề. Bởi vì cách thế tốt nhất để vượt qua là chấp nhận để cho mình được chăm sóc, để cho mình không trở thành nguồn cơn mang lại bệnh tật và đau khổ cho người khác.

Cầu nguyện

Quan trọng hơn hết trong văn hoá Mùa Chay là tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện là trở về đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Ấy là cơ hội cho con người nhìn lại chính mình. Đứng trước cơn dịch, ai cũng hoang mang và lo sợ. Thay vì chỉ là một phản ứng chóng qua, nỗi hoang mang và lo sợ ấy nên là lời cảnh tỉnh giúp con người suy nghiệm và phản tỉnh về chính thân phận của mình. Nhìn lại để thấy mình là ai trước một cơn đại dịch. Nhìn lại để thấy giá trị mỏng manh của kiếp người. Nhìn lại để sống và chiêm nghiệm lời mời gọi của Mùa Chay: Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro!

Cơn đại dịch làm cho mọi thứ bị đình trệ, mọi nhịp chuyển động đều bị ngừng lại. Nhiều cửa khẩu đã bị đóng chặt. Nhiều quốc gia đã tự cô lập để tập trung xử lý vấn đề của chính mình. Như có một nút chặn được đặt vào giữa nhịp sống quay cuồng vội vã của cả thế giới hiện đại… Chắc chắn việc đóng cửa như thế sẽ mang đến nhiều thiệt thòi và bất tiện cho mọi người. Nhưng chắc chắn sự chậm lại của nhịp sống cũng là cơ hội để mọi người quay trở về trong thinh lặng nội tâm và kín múc sức mạnh từ niềm tin của mình. Cần tĩnh và lặng nhiều hơn để có thể nghe được tiếng Chúa. Cần bình an và phó thác nhiều hơn để có thể học được điều Chúa muốn dạy dỗ. Thay vì hoang mang và phản ứng theo số đông, mỗi người Công Giáo đều được mời gọi trở nên một người chứng về lòng tin, về sự bình an nội tâm, về mẫu gương sống tốt và sống đẹp.

Khi có khả năng hướng về Thiên Chúa, con người cũng sẽ có khả năng hướng về nhau nhiều hơn. Rồi cơn đại dịch sẽ qua đi. Còn đọng lại sẽ là những thói quen tốt và những nét văn hoá đẹp được hình thành ngang qua biến cố này. Những lo lắng cố công chiến đấu với bệnh dịch sẽ không ra vô ích, nếu chúng ta học được nhiều bài học để lớn lên trong lối sống văn minh và trưởng thành hơn trong đời sống đức tin Kitô giáo của mình.

Gia An, SJ – CTV Vatican News