“XIN CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ”

Sự dữ hoành hành trong thế gian từ ngày Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn loài. Tội lỗi và hệ lụy của tội là đau khổ bao gồm cả bệnh tật và chết chóc đều là sự dữ. Mỗi khi con người gặp đau khổ, nhất là bệnh tật, con người cứ khắc khoải âu lo. Khắc khoải là đúng bởi vì con người sẽ không thể thoát được nỗi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa là Đấng Tạo Thành và cứu cánh của cuộc đời mình (x. Thánh Augustinô, Confessions). Chúa Giêsu biết những nỗi khắc khoải của chúng ta và Người đã dạy chúng ta lời Kinh quý giá là Kinh Lạy Cha, trong đó Người có nhắc đến “sự dữ”. Vậy huấn quyền Hội Thánh dạy gì về sự dữ?

 

 

I. SỰ DỮ LÀ ÁC THẦN

Lời nguyện cuối cùng trong bảy lời nguyện xin trong Kinh Lạy Cha, lời Kinh mà chính Chúa Giêsu dạy chúng ta, là lời này: “nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Khi đọc câu kinh này, hẳn không ít người nghĩ đến việc xin cho mình khỏi bệnh tật, đau khổ và cả tội lỗi nữa. Nhưng sâu xa hơn, Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan (Gaudete et Exultate, G.E) giải thích rõ:

Chữ dùng ở đây không nhằm nói đến sự dữ trừu tượng; muốn sát nghĩa hơn phải dịch là “thần dữ”. Nó ám chỉ một kẻ nào đó đang tấn công ta. Chúa Giêsu dạy ta mỗi ngày phải cầu xin ơn giải cứu này để không bị quyền năng của nó chế ngự.” (G.E số 160)

Lời giải thích này không phải mới mẻ, mà phản ánh giáo lý tông truyền. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ số 2850 đến 2854 đã giải thích rất tường tận ý nghĩa của “sự dữ” mà Chúa Giêsu nhắc đến trong Kinh Lạy Cha. “Lời xin cuối cùng dâng lên Cha cũng được bao hàm trong kinh nguyện của Đức Giê-su: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15) (GLHTCG số 2850)

Giáo Lý số 2851 giải thích ý nghĩa đó: “Trong lời xin này, Sự Dữ không là một điều trừu tượng, nhưng là một nhân vật, là Satan, Ác thần, thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Sự Dữ ở đây là ma quỷ (tiếng Hy Lạp là Dia-Bolos: kẻ phá ngang), kẻ tìm cách ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ trong Chúa Kitô.”

Satan, thần dữ hay ma quỷ “ngay từ đầu đã là tên sát nhân, là kẻ nói dối và là cha sự gian dối”(Ga 8,44), “là Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12,9).

(Tượng trên nóc cột nhà thờ Đức Bà Paris)

 

II. SỰ DỮ ĐANG HOÀNH HÀNH

Đau khổ dưới mọi hình thức là hậu quả của tội lỗi, nhưng không phải do tội lỗi của cá nhân người chịu đau khổ như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng Gioan 9,1-11. Trong thời gian dịch bệnh Covid Vũ Hán này một số người thắc mắc Thiên Chúa ở đâu, sao Ngài để cho dịch bệnh xảy ra… Đứng trước mầu nhiệm đau khổ, con người hoang mang và đôi khi niềm tin bị khủng hoảng.

Ở đây chúng ta không nhằm lý giải vấn đề này. Thế nhưng khi nhìn lại lịch sử Cứu độ, chúng ta nhận thấy rất thường khi đau khổ xảy ra là dịp Thiên Chúa thanh luyện hoặc thử thách dân của Ngài.

Mỗi khi thiên tai hay dịch bệnh xảy ra, người ta thường giật mình nhìn lại cuộc đời mình cùng với ý thức sự đau khổ đang có mặt. Thật ra trong những thời khắc tưởng là bình yên nhất, sự dữ vẫn có mặt. Sự dữ có mặt ở cách hành xử vô nhân đạo, ở lối sống vô luân, ở thái độ kiêu căng ngạo mạn, ở sự thù ghét người lành, ở sự nghèo đói bệnh tật cá nhân v.v…

Sự dữ dưới hình thức đại dịch trong hai ngàn năm qua đã năm lần xảy ra: Đại dịch hạch Justinian năm 541, “Cái chết Đen” (Black Death) năm 1347, Đại dịch hạch London cứ 20 năm lại xuất hiện một lần suốt từ năm 1348 – 1665 với 40 đợt bùng phát trong vòng 300 năm, bệnh đậu mùa thế kỷ 17 và dịch tả đầu thế kỷ 19.

Dịch bệnh không chỉ xảy ra một lần. Điều quan trọng không phải ngồi suy nghĩ và đặt vấn đề về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, nhưng điều quan trọng là nhận ra sự quan phòng kỳ diệu cũng như ý định yêu thương mà Ngài dành cho mỗi cá nhân chúng ta. Chính trong sự quan phòng yêu thương ấy, Chúa đang mở chiếc loa phóng thanh để nói với chúng ta chứ không chỉ thầm thì trong tâm hồn chúng ta như Clive Staples Lewis, một nhà thần học giáo dân đã diễn tả.

Đức Giáo hoàng Gregoriô Cả, nổi tiếng trong việc chiến đấu chống lại dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh. Ngài dạy điều mà chúng ta nên suy gẫm và sống trong cơn dịch bệnh: “tiên liệu mọi sự dữ có thể xảy ra để không bao giờ phải ngạc nhiên sửng sốt, yêu thương kẻ thù chứ không phải chỉ là chịu đựng kẻ thù, chuyện đã qua thì đừng bao giờ lấy làm buồn bực trong lòng, kẻo như thế sẽ làm mất đi những lợi ích khi đã vượt qua được cơn thử thách.”

Như thế, đứng trước sự dữ, chúng ta không trách móc, không buồn bực, không ngạc nhiên mà biết yêu thương và tin yêu, hy vọng cũng như tha thiết cầu xin.

III. CHÚNG TA CẦU XIN GÌ?

Kinh Thánh và huấn quyền Hội Thánh dạy chúng ta xin Chúa cứu chúng ta khỏi thần dữ là kẻ muốn kéo chúng ta ra khỏi Thiên Chúa để ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa.

Giáo Lý (số 2854) dạy chúng ta rằng “khi xin Thiên Chúa giải thoát khỏi Ác Thần, chúng ta cũng xin cứu khỏi mọi sự dữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay kẻ chủ mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội Thánh trình lên Cha mọi nỗi khốn cùng của thế giới. Hội Thánh không những xin được gìn giữ khỏi mọi sự dữ đang hoành hành nơi nhân loại, mà còn van xin Cha ban ơn bình an và ơn bền vững đang khi trông đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. Khi cầu nguyện như thế, Hội Thánh khiêm tốn và tin tưởng tiền dự vào ngày mọi người và mọi loài được quy tụ trong Đức Ki-tô Đấng nắm quyền trên “Tử Thần và Âm Phủ”, “Chủ Tể của mọi sự, Đấng hiện có, đã có và đang đến” (Kh 1,4.8.18)

Giáo Lý Hội Thánh dạy đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, hệ quả của sự dữ trên cuộc đời mỗi người mỗi khác nhau. Chúng ta xin Cha chúng ta cứu thế giới khỏi những đau khổ khốn cùng, đồng thời xin cho chúng ta xa tội lỗi, thoát ách ma quỷ và những hậu quả khủng khiếp của nó là làm chúng ta xa Chúa.

Khi chúng ta cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi tội lỗi, chúng ta ý thức mình thuộc về Thiên Chúa và không muốn bị khuất phục bởi kẻ chống báng Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông Đồ dạy: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, thì không phạm tội nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra gìn giữ người ấy và Ác Thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác Thần“(1Ga 5,18-19). Điều này được Giáo Lý Hội Thánh trích lại, để nhấn mạnh rằng nếu chúng ta hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa thì Ác Thần không làm gì được chúng ta.

Thế nhưng thực tế con người vẫn còn yếu đuối do hậu quả của nguyên tội, nên con người vẫn còn phạm tội. Cùng với Hội Thánh, chúng ta cầu xin “một ngày khi nó bị đánh bại hoàn toàn, mọi thụ tạo “sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết” (x. kinh nguyện Thánh Thể IV).

Chúng ta lại nhớ Giáo lý dạy: “Chúa là Đấng xóa tội và tha lỗi cho chúng ta; Người bảo vệ và gìn giữ chúng ta khỏi những mưu kế của Ma Quỷ hãm hại, để kẻ thù quen dẫn đường tội lỗi không lừa dối được chúng ta. Ai trông cậy Chúa thì không sợ ma quỷ. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, còn ai chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31) (T. Ambrôxiô 5,30 ) .

Chúng ta tin “Thần Dữ là “thủ lãnh thế gian” đã bị đánh bại, một lần dứt khoát, vào Giờ Đức Giê-su tự hiến thân chịu chết để ban cho chúng ta Sự Sống của Người. Đó là lúc Người phán xét thế gian này và “thủ lãnh thế gian này bị tống ra ngoài” (Ga 12,31; Kh 12,11).

Thánh Giáo hoàng Gregoriô Cả nói: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể là những vị tử đạo, nếu chúng ta thực sự giữ đức kiên nhẫn trong lòng” (Bài Giảng Tin Mừng). Cùng với Mẹ chúng ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và được ơn Hồn Xác Lên Trời, là hình ảnh của Hội Thánh, chúng ta kiên nhẫn chờ đợi lúc Thiên Chúa cất hết sự dữ ra khỏi chúng ta để chúng ta cùng được sống trong Tình Yêu của Ngài muôn thuở.

 

Gioan Lê Quang Vinh

Nguồn:  Truyền thông HĐGMVN