Sau khi kết thúc Thánh Lễ, ĐTC đã đến khu phức hợp Kantei cách đó 6,4 km. Trước tiên, ĐTC gặp riêng Thủ thướng Nhật, ngài Shinzō Abe, trong khoảng 30 phút. Sau đó, ĐTC di chuyển qua hội trường lớn để gặp các quan chức chính phủ và ngoại giao.

 

Thủ tướng Shinzō Abe đã có diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha và diễn tả lòng cảm kích khi ĐTC luôn gởi những sứ điệp quan tâm đến thiên tai tại Nhật Bản hay những lời chúc mừng trong những dịp quan trọng.

ĐTC đáp lời trong diễn văn với lời cảm ơn về sự đón tiếp ngài tại Nhật Bản và nhắc lại mối quan hệ hữu nghị từ rất lâu giữa Tòa thánh và Nhật Bản, bắt nguồn từ sự quý trọng và ngưỡng mộ mà các nhà truyền giáo đầu tiên đã dành cho đất nước này, chỉ cần nhớ lại những lời của tu sĩ Dòng Tên Alessandro Valignano, đã viết năm 1579: “Bất cứ ai muốn xem những gì Chúa chúng ta đã trao cho con người thì chỉ cần đến Nhật Bản và sẽ nhìn thấy thấy nó”.

ĐTC nói với các quan chức chính phủ và ngoại giao về mục đích chuyến đi của ngài: “Tôi đến đây để củng cố người Công giáo Nhật trong đức tin và trong sự dấn thân bác ái của họ đối với những người nghèo và phục vụ đất nước với niềm tự hào của một công dân.”

Theo bước chân của những vị tiền nhiệm, tôi muốn khẩn cầu cùng Chúa và mời gọi tất cả mọi người thiện chí tiếp tục thúc đẩy công cuộc hòa giải cần thiết để trong lịch sử nhân loại, sự hủy diệt do bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki sẽ không bao giờ lặp lại.

Lịch sử dạy chúng ta rằng xung đột giữa các dân tộc và các quốc gia, ngay cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, chỉ có thể tìm ra giải pháp hợp thức thông qua đối thoại, là vũ khí duy nhất xứng đáng với con người và có khả năng đảm bảo một nền hòa bình dài lâu. Tôi tin rằng cần phải giải quyết vấn đề hạt nhân ở cấp độ đa phương, thúc đẩy một tiến trình chính trị và thể chế có khả năng tạo ra sự đồng thuận và hành động quốc tế rộng lớn hơn. Một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại – đánh dấu bằng sự khôn ngoan, tầm nhìn và chân trời rộng mở – là điều cần thiết để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.

Đức Thánh Cha ca ngợi: “Nhật Bản đã nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các liên hệ cá nhân trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, khi biết rằng những điều này có thể đóng góp rất lớn cho sự hài hòa, công bằng, liên đới và hòa giải, là chất kết dính để xây dựng hòa bình.” Trong đó, Olympic và Paralympic là một ví dụ, đóng vai trò đẩy mạnh tinh thần đoàn kết vượt khỏi biên giới quốc gia hay khu vực.

Thêm vào đó, ĐTC đánh giá cao về di sản văn hoá mà Nhật Bản đã bảo tồn và phát triển qua nhiều thế kỷ. Đồng thời, “mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau không chỉ cần thiết cho một tương lai hòa bình, mà còn chuẩn bị các thế hệ hiện tại và tương lai lấy các nguyên tắc đạo đức làm nền tảng cho một xã hội thực sự công bằng và nhân văn.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vẻ đẹp thiên nhiên của Nhật Bản, với hình ảnh biểu tượng của hoa anh đào. Tuy nhiên, “sự tinh tế của hoa anh đào nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của ngôi nhà chung của chúng ta, không chỉ chịu thiên tai mà còn do lòng tham, bóc lột và tàn phá bởi bàn tay con người. Khi cộng đồng quốc tế thấy khó tôn trọng các cam kết của mình để bảo vệ thụ tạo, đó là lúc những người trẻ lên tiếng và đòi hỏi các quyết định can đảm. Những người trẻ thách thức chúng ta coi thế giới không phải là sở hữu để khai thác, mà là một gia tài quý giá được truyền lại. Về phần chúng ta, “chúng ta phải đưa ra những câu trả lời thực sự, chứ không phải bằng ngôn từ trống rỗng; bằng hành động chứ không bằng sự ảo tưởng”. (Thông điệp cho Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thụ tạo 2019).

 

Về vấn đề này, một cách tiếp cận không thể thiếu để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng phải xét đến hệ sinh thái con người. Dấn thân bảo vệ có nghĩa là phải đối diện với khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo trong một hệ thống kinh tế toàn cầu, làm cho một số ít người được chọn sống sung túc trong khi phần lớn dân số thế giới sống trong nghèo đói. Tôi nhận thức được mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy các chương trình khác nhau trong vấn đề này và tôi khuyến khích quý vị kiên trì trong việc hình thành nhận thức ngày càng tăng về đồng trách nhiệm giữa các quốc gia trên thế giới.

Cuối cùng, ĐTC nhắc đến phẩm giá con người, ngài nói: “Nhân phẩm phải là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị; sự nối kết liên thế hệ phải được củng cố, và ở tất cả các cấp độ của đời sống cộng đồng, cần thể hiện mối quan tâm đối với những người bị lãng quên và bị loại trừ. Tôi nghĩ đặc biệt đến những người trẻ, những người thường xuyên cảm thấy choáng ngợp khi đối mặt với những thách thức trưởng thành, và ngay cả cảnh người già và đơn thân chịu cảnh cô lập. Chúng ta biết rằng, cuối cùng, nền văn minh của một quốc gia hay dân tộc được đo lường không phải bởi sức mạnh kinh tế của nó, mà bằng sự quan tâm của nó dành cho những người túng thiếu, cũng như khả năng trở thành người hữu ích và thúc đẩy sự sống.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn, toàn bộ cử toạ đứng lên và vỗ tay nồng nhiệt, trong khi Thủ tướng Shinzō Abe tiễn ngài ra xe để về Toà Khâm sứ, cách đó 2,4km. Kết thúc ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm 4 ngày của ĐTC tại Nhật Bản.

 

 

Văn Yên, SJ – Vatican News