Cha mẹ tôi hiếm khi nói về những trải nghiệm thời chiến của gia đình, vì nhiều lý do: những ký ức đau buồn; họ muốn tránh giải thích sai về lịch sử gia đình; và họ thích tập trung vào việc tạo lập một cuộc sống mới ở Canada hơn.. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn này, tôi rất vui được trả lời một số chi tiết liên quan đến đất nước tôi sinh ra – Tiệp Khắc, trước khi chuyển đến Canada vào năm 1948.

 

Cha mẹ ngài có kinh nghiệm hay liên quan gì trong Thế chiến II?

Bố mẹ tôi sống ở Moravia. Mẹ tôi, Winifred Hayek Czerny, đã trải qua nhà tù và trại tập trung trong tổng cộng hai mươi tháng trong Thế chiến II. Bà cũng được yêu cầu làm công nhân nông trại. Mặc dù bà được sinh ra và lớn lên theo Công giáo bởi cha mẹ là tín hữu Công giáo, nhưng ông bà của mẹ tôi là người Do Thái và bà bị chính quyền Đức Quốc Xã xếp loại là người Do Thái.

Cha tôi, Egon Czerny, cũng là người Công giáo, không có dòng họ Do Thái, ông được tha trại tập trung; ông bị đưa vào trại lao động cưỡng bức tại Postoloprty trong tám tháng cuối của Chiến tranh, do ông từ chối ly dị mẹ tôi, khi bà bị giam tại Terezín.

Tại sao mẹ ngài bị cầm tù và bị đưa vào trại tập trung?

Chính quyền Đức Quốc Xã yêu cầu tất cả những người mà họ phân loại là người Do Thái phải nộp tất cả những đồ có giá trị cho họ. Người ta phát hiện mẹ tôi đã giữ lại một số đồ trang sức gia đình. Bà đã bị xét xử và bị kết án vì tội trộm cắp của nhà nước và thụ án một năm tại một nhà tù nữ ở thành phố Leipzig.

Thái độ của mẹ ngài như thế nào khi là người sống sót sau thảm họa diệt chủng?

Mẹ tôi đã không nghĩ mình thuộc nhóm này bởi vì “Holocaust” (phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã) là dành riêng cho cộng đồng Do Thái, trong khi bà được xác định là người Công giáo. Thái độ của bà là bà may mắn sống sót sau sự điên rồ giết người của một chế độ, không có những nền tảng luật pháp khi bức hại và xử tử bất cứ ai chỉ vì lý lịch của họ.

Mẹ tôi trở lại Terezín vào tháng 4 năm 1995, và trong cuốn lưu bút của bảo tàng, bà đã viết “Tôi đã sống sót”. Bà thực sự đã sống sót sau một sự ác ghê tởm, tước đoạt con người, mỗi người là duy nhất, nhưng đối xử với họ thành vô danh. Trước tiên là giảm thiểu họ thành những con số, sau đó bằng khí và lửa để biến họ thành tro, thành bụi.

Xin ngài cho biết đôi chút về gia đình của ngài khi di chuyển đến Canada.

Tôi sinh ra ở Brno vào tháng 7 năm 1946 và em trai Robert tháng 5 năm 1948. Cùng năm đó, gia đình chúng tôi bỏ trốn. Thử thách đầu tiên trong số rất nhiều thử thách là phải thoát ra ngoài, và chúng tôi phải tìm một nơi để đi. Cha mẹ chúng tôi đã thăm dò nhiều nơi. Họ biết rằng Canada sẽ cho chúng tôi vào nếu chúng tôi có thể tìm ai đó ở Canada để bảo lãnh cho chúng tôi. Đầu tiên, một người họ hàng sẵn sàng nhưng sau đó đã rút lại lời đề nghị. Sau đó, một doanh nhân đồng ý, ông có thể thuê cha tôi, nhưng cũng đã thay đổi ý định khi nhà máy của ông bị cháy.

Cuối cùng, gia đình chúng tôi ngày càng gặp nguy hiểm, một bạn thời trung học của bố mẹ tôi đã bảo lãnh chúng tôi. Ông đã di cư đến Canada chỉ một vài năm trước đó với vợ và con trai nhỏ. Một trong những nguy hiểm của việc bảo lãnh là phải hỗ trợ chúng tôi trong một năm nếu cha tôi không thể tìm được việc làm. Dầu vậy, gia đình này đã giúp chúng tôi vào Canada, chào đón và hướng dẫn chúng tôi những bước đầu để quen thuộc thành phố mới trước khi học nói một ngôn ngữ mới, học cách ứng xử trước khi nắm bắt một nền văn hóa khác, học cách kiếm sống, và cuối cùng là vượt qua những rào cản dân tộc và kết bạn… nhưng vẫn tiếp tục sống trong ngôn ngữ và văn hóa mà chúng tôi mang theo.

Ở Canada, gia đình chúng tôi sống tại một khu nói tiếng Pháp trong hai năm. Sau đó chuyển đến nơi khác ở Montreal và cuối cùng, năm 1953, đến vùng ngoại ô nói tiếng Anh của Pointe Claire (lúc đó gọi là Lakeside). Vì vậy, tôi đã nói tiếng Séc, tiếp theo tôi học tiếng Pháp và sau đó là tiếng Anh như là ngôn ngữ “thứ nhất” của tôi.

Xin ngài giải thích huy hiệu Hồng y của ngài?

Từ tháng 1 năm 2017, tôi là một trong hai thành viên của Phân Bộ Người di cư và Người tị nạn của Vatican. Để phản ánh sứ vụ này cũng như kinh nghiệm sống của chính mình, huy hiệu cho thấy một chiếc thuyền chở một gia đình bốn người – người tị nạn và những người khác “đang trên đường di chuyển”, thường bằng thuyền. Thật vậy, gia đình bốn người của chúng tôi đã đến Canada năm 1948, do đó nước bên dưới thuyền gợi nhớ đến Đại Tây Dương. Chiếc thuyền cũng là một hình ảnh truyền thống của Giáo hội, là Thuyền của Phêrô, được Chúa giao cho nhiệm vụ “Đón nhận người ngoại quốc” (Mt 25,35), bất kể Giáo hội ở đâu. Hơn nữa, như biểu tượng của phong trào L’Arche, chiếc thuyền là lời nhắc về các công việc của lòng thương xót đối với tất cả những người bị loại trừ, bị lãng quên hoặc thiệt thòi. Tia nắng vàng phía trên thuyền là biểu tượng của Dòng Tên. Và nền màu xanh lá cây là lời nhắc về thông điệp Laudato sì của Đức Giáo hoàng Phanxicô, với lời kêu gọi tất cả chúng ta quan tâm đến thiện ích của Tạo Thành, ngôi nhà chung của chúng ta.

Và châm ngôn của ngài?

Châm ngôn của tôi là “Suscipe – Hãy nhận”, là từ đầu tiên và cũng là tên của lời nguyện mà Thánh I-Nhã đặt trong bài chiêm niệm cuối cùng của Linh Thao, đó là bài “Chiêm Niệm để được Tình Yêu”. Vì vậy, với một từ “Suscipe”, tôi muốn gợi lên toàn bộ lời nguyện hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa như là linh đạo của một Hồng y. Trong thư gửi các tân Hồng y hồi tháng 10 năm 2019, Đức Thánh Cha đã giải thích điều này thực sự nghĩa là gì: “Giáo hội kêu mời anh em đến một hình thức phục vụ mới, một yêu cầu tự hiến nhiều hơn và một nhân chứng kiên trung trong cuộc sống.” Và phẩm phục đỏ nói đến sự đổ máu – usque ad effusionem sanguinis – với tất cả lòng trung thành và tín nghĩa đối với Đức Kitô.

Huy hiệu Hồng y của ĐHY Czerny
Huy hiệu Hồng y của ĐHY Czerny

Cây thánh giá của Đức hồng y được làm bằng gỗ, xin ngài giải thích đôi chút về nó?

Cây Thánh giá của tôi được làm bởi nghệ sĩ người Ý Domenico Pellegrino. Anh lấy gỗ từ phần còn lại của một chiếc thuyền được người di cư sử dụng để vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi trong nỗ lực để đến hòn đảo Lampedusa của Ý.

Chất liệu này liên tưởng đến gỗ thập giá mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, chịu đóng đinh để “xóa tội trần gian”. Chiếc đinh nguyên nhắc nhớ chúng ta về việc Chúa Giêsu bị đóng trên Thập giá; huy hiệu Dòng Tên với ba cây đinh truyền thống. Thanh gỗ nghèo nàn nói đến lời khấn khó nghèo của Dòng Tên và mong ước về một Giáo hội khiêm nhường và dấn thân. Nguồn gốc của thanh gỗ nói đến chuyến đi của gia đình tôi đến nơi an toàn khi tôi còn nhỏ cũng như trách nhiệm hiện tại của tôi tại Phân Bộ Người Di cư và Người Tị nạn.

Các vết nứt giữa gỗ và sơn đỏ là những lời nhắc đến những vết thương, sự đau khổ, máu đổ trong cuộc khổ hình Thập Giá và khi thế giới quên đi lòng trắc ẩn và công lý, trong khi màu nhạt hơn ở phần trên gợi lên sự Phục sinh của Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, và sự sống viên mãn mà Ngài đã mang đến.

Văn Yên, SJ – Vatican News