Hôm thứ Sáu 21/02, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ nổ súng tại Hanau, nước Đức, khiến cho 9 người thiệt mạng.
Thủ phạm các vụ nổ súng là Tobias Rathjen, được cho là bị thúc đẩy bởi niềm tin của phe cực hữu. Các nạn nhân của vụ tấn công đêm 19/02 phần lớn là những người nhập cư ở Đức, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani, Bulgari và Bosnia.
Chia buồn của Đức Thánh Cha
Trong điện thư đề ngày 21/02, gửi đến Đức cha Michael Gerber, giám mục của Fulda, nơi xảy ra vụ tấn công, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin viết: “Nghe biết về hành động bạo lực kinh hoàng ở Hanau, gây nên cái chết của những người vô tội, Đức Thánh Cha Phanxicô xúc động sâu sắc. Đức Thánh Cha chia sẻ sự tang thương của gia đình và bày tỏ sự gần gũi với họ.”
Đức Hồng y Parolin viết tiếp: “Trong lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha phó thác những người qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa và cầu khẩn Chúa Kitô, Chúa của sự sống, để những người đang gặp cảnh tang tóc sẽ tìm thấy sự an ủi và tin tưởng, và được phúc lành và bình an của Thiên Chúa đồng hành.”
Phản ứng của các Giám mục Đức
Các Giám mục Đức cũng đã kên tiếng về vụ tấn công. Đức Hồng y Reinhard Max, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, đã lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan và nói rằng những điều này không thể được biện minh từ quan điểm Kitô giáo. Đức Hồng y Max nói: “Tin tức về việc một người đã giết và làm bị thương nhiều người ở Hanau khiến tôi choáng váng. Tôi nghĩ đến và cầu nguyện của cho các nạn nhân và người thân của họ. Chúng tôi hy vọng rằng những người bị thương sẽ sớm hồi phục. Trong tình huống này, chúng tôi cũng nghĩ về những người phải đối phó với hành động khủng khiếp này trong khu phố của họ… Là các Kitô hữu, chúng ta tin rằng tất cả mọi người, bất kể tôn giáo, quốc gia, văn hóa hay ngôn ngữ, đều là con Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng tôi cùng với mọi người chống lại bạo lực và khủng bố.”
Bình luận về sự kiện, Đức cha Gerber nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo không gian đối thoại và thân hữu giữa những người thuộc các nguồn gốc khác nhau để trình bày một mẫu gương có thể chiếu tỏa trong xã hội và thúc đẩy mọi người. (CNA 21/02/2020)
Hồng Thủy – Vatican