Mỗi ngày, người nghèo ở Roma nhận được 200 lít sữa tươi và sữa chua đến từ Biệt thự Giáo hoàng Castel Gandolfo. Chính Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh sở từ thiện của Đức Thánh Cha nhận các sản phẩm này tại Vatican trước 7 giờ sáng.
Giám đốc Biệt thự Giáo hoàng giải thích: “Chúng tôi đang thực hiện sáng kiến liên đới này nhằm đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Từ khi bắt đầu tình trạng khẩn cấp do đại dịch gây ra, Đức Thánh Cha luôn nhắc nhở chúng ta không được để người nghèo cô đơn. Cung cấp một phần sữa được sản xuất mỗi ngày từ trang trại của Đức Thánh Cha là một dấu chỉ rất cụ thể để đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha, không khép kín nhưng mở lòng quảng đại cho những nhu cầu của người nghèo và người cô đơn, đặc biệt trong thời điểm khó khăn này”.
Giám đốc thổ lộ: “Thực tế, chúng tôi đã bắt đầu cung cấp sữa vào những ngày trước ngày 13/3, ngày kỷ niệm năm thứ bảy triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Đối với chúng tôi không có món quà nào quý giá hơn cho Đức Thánh Cha đó là tiếp tục phục vụ cho những người nghèo cần sự trợ giúp huynh đệ”.
Mỗi ngày, trang trại sản xuất khoảng 800 lít sữa, một nửa trong số đó được bán cho siêu thị Vatican, phần còn lại được chế biến thành sữa chua và các sản phẩm khác và tất cả được bán tại Vatican.
Cử chỉ liên đới này gợi lại sự quan tâm liên tục của Biệt thự Giáo hoàng đối với Caritas và một số cộng đoàn tu sĩ tại khu vực Castel Gandolfo. Đó là bản chất “dịch vụ” của Biệt thự Giáo hoàng đang ngày càng trở thành một “mô hình sinh thái tích hợp trong sự tôn trọng môi trường, con người và động vật”. Nói tóm lại, “một hệ sinh thái có tầm nhìn kinh tế và xã hội hài hòa” phù hợp với Thông điệp Laudato sì.
Vị Giám đốc cho biết thêm: “Qua kinh nghiệm của Viện Bảo tàng Vatican, chúng tôi ý thức Biệt thự Giáo hoàng đang đảm nhận chiều kích là ‘trung tâm văn hóa’, là di sản đích thực của nhân loại. Biệt thự có sứ mạng đưa ra một chiến lược ‘không nhằm mục đích lợi nhuận, nhưng tập trung vào việc tôn trọng công trình sáng tạo: con người, động vật và môi trường’”.
Thực tế, với 54 nhân viên, trang trại có thể thực hiện một một nền kinh tế không ích kỷ, một mô hình kinh tế liên đới con người vì con người. Nghĩa là một kinh tế công bằng, huynh đệ bền vững hơn. Một kinh tế trao một vai trò mới cho những ai bị loại trừ như chính Đức Thánh Cha giải thích. (CSR_3329_2020)
Ngọc Yến – Vatican News