Trước tình hình nghiêm trọng mà người dân bản địa khu vực Amazon phải chịu đựng do virus corona lan rộng trên toàn lãnh thổ, Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM) lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo khu vực hành động khẩn cấp cho người dân.
Thông điệp của các Giám mục Mỹ Latinh được công bố trên trang web của Hội đồng Giám mục hôm 18/5. Thông điệp có tựa đề “Trong thời điểm nguy cấp của đại dịch, chúng tôi ủng hộ người dân vùng Amazon”. Các Giám mục thực sự lo ngại cho tình hình lây nhiễm virus ngày càng lan rộng. Tính đến ngày 16/5 có gần 70 ngàn trường hợp nhiễm Covid-19 và hơn 4 ngàn ca tử vong trên toàn khu vực Amazon. Tình hình trở nên khó khăn hơn do thiếu cơ sở hạ tầng y tế, nghèo đói, đặc biệt đối với người dân bản địa.
Trong thông điệp, Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh bày tỏ tình liên đới và gần gũi với các dân tộc, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo của khu vực Amazon ngay lập tức thiết lập các chiến lược giúp giảm các tác động nghiêm trọng do đại dịch gây ra cho cư dân trên lãnh thổ. Các Giám mục còn yêu cầu các chính phủ tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc quốc tế và các thỏa thuận và công ước mà họ là những người ký kết, nhằm đưa ra một phản ứng hiệu quả liên quan đến quyền con người của các dân tộc dễ bị tổn thương, đặc biệt chú ý đến các dân tộc bản địa.
Các Giám mục viết: “Một vấn đề cấp bách không thể chờ đợi đó là việc cung cấp cho các phòng khám và bệnh viện các công cụ và phương tiện đầy đủ để điều trị bệnh nặng”.
Hội đồng Giám mục cũng hướng đến các giám mục, linh mục, tu sĩ, và các tổ chức mục vụ, khuyến khích họ tiếp tục dấn thân trong thời điểm khó khăn này: “Chúng tôi nhìn nhận sự can đảm của anh chị em trong việc tiếp tục gần gũi và đồng hành với mọi người bằng những cử chỉ bác ái cụ thể, cũng như trong việc lên tiếng bảo vệ những người yếu đuối, không có tiếng nói”.
Sau cùng, Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh yêu cầu cộng đồng quốc tế quan tâm và giúp đỡ những cộng đồng này để họ có thể đối phó và vượt qua đại dịch.
Trước đó, người dân ở các vùng lãnh thổ khác nhau của khu vực vùng Amazon đã lên tiếng về việc các chính quyền không có những động thái cụ thể dành cho họ trong việc ứng phó với đại dịch. Cụ thể, ở Bolivia, các dân tộc bản địa chỉ trích chính phủ thiếu sự phối hợp và tham vấn với họ trong việc ứng phó với đại dịch. Ở Colombia, người dân bản địa, nông dân cho rằng họ thuộc thành phần có nguy cơ bị nhiễm virus corona cao, do họ đang phải sống trong tình cảnh nghèo về cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế và nước uống không đảm bảo. Ở Venezuela, người dân cảm thấy bị đại dịch đe dọa do nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp và số người dân di cư trở về. Cuối cùng ở Brazil và Perù, các dân tộc bản địa cho rằng chính phủ không có những đường hướng rõ ràng trong việc ngăn chặn đại dịch cho họ, đặc biệt những người không có công ăn việc làm phải di cư đến các thành phố lớn để mưu sinh. (CSR_3785_2020)
Ngọc Yến – Vatican News