Trong những ngày vừa qua, các Giáo hội Kitô Thái Bình Dương đã tổ chức một Hội nghị nhằm suy tư về đại kết, sinh thái, chính trị và phát triển trong khu vực, và khuyến khích mọi người xem xét các bài học từ quá khứ để “tạo ra một sự bình thường mới”.

 

 

Các Giáo hội Kitô Thái Bình Dương là một cơ quan đại kết có từ năm 1961, ngày nay quy tụ 30 Giáo hội và 8 Hội đồng của các Giáo hội. Mục sư Tevita Havea, người điều hành buổi gặp gỡ cho rằng năm 2020 là thời điểm cho bước ngoặt của các đảo Thái Bình Dương. Mặc dù tác động của virus corona rất bi thảm, nhưng ở một mặt khác nó mang đến cho chúng ta một cơ hội để hình dung cuộc sống theo một cách khác.

Đại kết

Trong Hội nghị, trước hết mọi người suy tư về đề tài đại kết. Vị điều hành buổi gặp gỡ cho rằng các vị lãnh đạo tôn giáo phải chỉ ra lộ trình, phác thảo tầm nhìn tương lai theo cách hiện diện mới. Nghĩa là không tìm kiếm, như trong quá khứ, các mô hình “mượn” từ thế giới phương Tây, nhưng nhìn theo kinh nghiệm, văn hóa, truyền thống xuất hiện trong những năm gần đây. Đại kết cần đi từ ý tưởng “hiệp nhất thân thể Chúa Kitô” đến “gia đình Đức Kitô”.

Sinh thái học

Sinh thái học là điểm quan trọng thứ hai được nhấn mạnh trong Hội nghị. Bổn phận của Kitô giáo là người trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này thể hiện trong sự dấn thân hợp tác, làm việc ở cấp địa phương và khu vực để tác động của toàn cầu hóa không tàn phá môi trường. Tất cả điều này phần lớn phụ thuộc vào việc hiểu sự phụ thuộc hỗ tương giữa các Giáo hội, sự phát triển, chính trị, kinh tế và môi trường.

Chính trị

Về đề tài chính trị, Hội nghị nói rõ: “bình thường mới” không còn phải là mô hình ở New York hay London nhưng phải tương ứng với thực tế của các dân tộc Thái Bình Dương, với nền tảng văn hóa, truyền thống và tâm linh của họ. Mọi người phải cùng nhau làm việc để tạo ra các mục tiêu chính trị chung. Cần từ bỏ thói quen chỉ lắng nghe những người giống mình hoặc những người đến từ cùng một khu vực. Trong bối cảnh này, “bình thường mới” phải “vượt qua ranh giới chính trị được tạo ra bởi quá khứ thuộc địa”, và trên hết là mọi người phải “tự hào về lịch sử của mình”.

Phát triển

Trong phần cuối dành riêng cho phát triển, mục sư Tevita Havea nhấn mạnh rằng: ngày nay, đặc điểm phát triển ở Thái Bình Dương đang trải qua không chỉ do áp lực từ việc tiêu thụ, thị trường và thế tục hóa ngày càng tăng, nhưng còn do không thể xác định được sự phát triển nào đang diễn ra trong khu vực. Hậu quả là lòng tự trọng, quan hệ hợp tác và phát triển suy giảm. Tất cả điều này dẫn đến thiếu niềm tin vào các nhà lãnh đạo chính trị và Giáo hội. (Osservatore romano 08/7/2020)

Ngọc Yến – Vatican News