15 tháng sau vụ hỏa hoạn tàn phá Nhà thờ Đức Bà Paris và làm cả thế giới xúc động, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã có niềm tin và quyết định: nhà thờ sẽ được tái thiết giống như trước đây.
Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được tái thiết như trước
Quyết định trên được công bố hôm thứ Năm 9/7, sau cuộc họp kéo dài hơn bốn giờ của Ủy ban Di sản và Kiến trúc Quốc gia (CNPA), gồm các chính trị gia, chuyên gia và kiến trúc sư. Ông Philippe Villeneuve, kiến trúc sư trưởng của công trình đã trình bày cho các tham dự viên một bộ hồ sơ dày 3.000 trang để xem xét các khả năng có thể. Đa số bày tỏ ý kiến ủng hộ phục hồi nhà thờ và ngọn tháp với kiểu mẫu giống với ngọn tháp trước đây, nghĩa là theo kiến trúc của kiến trúc sư Viollet-le-Du thế kỷ XIX. Liên quan đến vòm nhà thờ, cuộc thảo luận đã chỉ ra các chi tiết của việc tái thiết và vòm vẫn được thực hiện bằng gỗ.
Kể từ vụ cháy, vào ngày 17/4/2019 ông Édouard Philippe khi đó là thủ tướng đã tuyên bố sẽ có một cuộc thi dành cho các kiến trúc sư liên quan đến việc tái thiết Nhà thờ. Tuyên bố đã kích thích trí tưởng tượng của nhiều kiến trúc sư. Có người muốn Nhà thờ có ngọn tháp hiện đại thay thế, và ý tưởng này thoạt đầu được tổng thống Macron ủng hộ, vì ông muốn có “một dấu chỉ hiện đại”. Một số người đã đề xuất một ngọn tháp thủy tinh, một công viên, một sân thượng toàn cảnh. Nhưng kiến trúc sư Philippe Villeneuve thì vẫn giữ lập trường khôi phục Nhà thờ giống hệt thiết kế của thể kỷ XIX.
Ngọn tháp nhọn đầu tiên của Nhà thờ được xây vào thế kỷ thứ XIII, nhưng do các hư hại nặng nề, nó đã được tháo gỡ vào thế kỷ XVII. Ngọn tháp thay thế nó, do kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc thiết kế, đã được xây vào năm 1859. Hiện nay, việc tái thiết ngọn tháp còn cần thời gian lâu dài.
Từ ngày 8/6, hai đội công nhân đã bắt đầu tháo dỡ giàn giáo khổng lồ khoảng 200 tấn được dựng để phục hồi cơ bản khi mới xảy ra đám cháy. Tướng Jean-Louis Georgelin, giám sát viên của công trình cho biết: “Giai đoạn này sẽ được hoàn thành muộn nhất vào cuối tháng 9. Chỉ sau đó, các phục hồi thực sự của tòa nhà và ngọn tháp mới bắt đầu”. Tướng Georgelin bày tỏ: “Tôi rất vui khi người Pháp, khách hành hương và du khách từ khắp nơi trên thế giới trong tương lai sẽ có thể thấy lại Nhà thờ họ yêu mến”.
Tổng thống Emmanuel Macron vẫn đang lên kế hoạch tái thiết trong năm năm, với việc mở cửa trở lại vào năm 2024 là năm Paris sẽ đứng ra tổ chức Thế vận hội. Và vì thế, theo tổng thống Pháp, ông không muốn trì hoãn việc tái thiết và làm cho nó ra phức tạp, sự việc cần phải được tiến hành nhanh chóng.
Ngọc Yến – Vatican News