Sáng thứ Năm 03/9, Đức Thánh Cha tiếp một phái đoàn đang dấn thân bảo vệ môi trường đến từ Pháp, do Đức cha Moulins Beaufort hướng dẫn.

 

 

Sau lời chào giới thiệu của Đức Cha Moulins Beaufort, Tổng Giám mục Giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Thánh Cha có bài huấn từ với phái đoàn. Trước hết, Đức Thánh Cha cám ơn Hội đồng Giám mục Pháp về những sáng kiến thực hiện Thông điệp Laudato Sì, một trong số đó là sự hợp tác của các chuyên gia với Giáo hội Pháp.

Chúng ta là một gia đình duy nhất sống trong một ngôi nhà chung

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta là một phần của một gia đình duy nhất, được kêu gọi sống trong một ngôi nhà chung, nhưng hiện nay chúng ta lo ngại về sự xuống cấp của ngôi nhà này. Chúng ta hiểu rằng chúng ta được liên kết với nhau, và việc ngược đãi ngôi nhà chung này gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về môi trường, mà còn cả xã hội và con người”.

Kinh Thánh và khoa học cùng bảo vệ thiên nhiên

Tiếp đến, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui vì ngày nay chủ đề sinh thái ngày càng được nhiều người quan tâm, nhưng theo ngài cần phải có sự cộng tác của mọi người ở mọi lĩnh vực khác nhau cho vấn đề môi trường. Cụ thể, những đề xuất của khoa học và Thánh Kinh với cách tiếp cận khác nhau, cả hai có thể phát triển một cuộc đối thoại hiệu quả.

Mỗi thụ tạo đều có chỗ trên thế giới

Đức Thánh Cha giải thích: “Kinh Thánh dạy chúng ta rằng thế giới được tạo dựng không phải từ sự hỗn độn hay ngẫu nhiên, nhưng từ quyết định của Thiên Chúa, Đấng luôn kêu gọi nó hiện hữu vì tình yêu. Mọi thụ tạo đều là đối tượng của sự dịu dàng của Chúa Cha, Đấng đã trao cho nó một vị trí trên thế giới. Người Kitô hữu phải tôn trọng và chăm sóc khu vườn đã được Thiên Chúa giao cho chăm sóc, không được sử dụng cho mục đích cá nhân”.

Không thể khôi phục tương quan với thiên nhiên nếu không hàn gắn mối quan hệ con người

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi sự đều kết nối với nhau. Chính sự thờ ơ, tham lam, tự nhận mình là chủ nhân của thế giới, một mặt đã khiến con người tiêu diệt các loài và cướp phá tài nguyên thiên nhiên, và ở mặt khác dẫn đến việc bóc lột người nghèo, lạm dụng người khác, không tôn trọng sự sống. Vì thế, nếu khủng hoảng sinh thái là biểu hiện bên ngoài của khủng hoảng đạo đức, văn hóa và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể khôi phục mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên và môi trường nếu không hàn gắn tất cả các mối quan hệ nền tảng của con người. Vì vậy, sẽ không có mối quan hệ mới với thiên nhiên nếu không có con người mới, và chính bằng cách chữa lành trái tim con người, người ta có thể hy vọng chữa lành thế giới đầy sự vô trật tự về xã hội và môi trường.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích phái đoàn trong khi dấn thân bảo vệ thiên nhiên, cho dù tình hình xem ra không thể cứu vãn, hãy hướng ánh nhìn về Đức Kitô. Ngài là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã đến thăm công trình sáng tạo và ở giữa chúng ta. (CSR_6343_2020)

Ngọc Yến – Vatican News