Sự kiện quốc tế “Nền Kinh tế Phanxicô” kéo dài 3 ngày từ 19 đến 21/11, tại Assisi, Ý với sự tham dự trực tuyến của hơn 2.000 doanh nhân và sinh viên dưới 35 tuổi từ các châu lục. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp video đến các tham dự viên.
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho các tham dự viên tham dự cuộc gặp gỡ “Nền kinh tế Phanxicô” (ANSA)
Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha cám ơn sự tham gia, cùng nhau làm việc trong thời gian vừa qua của các chuyên gia và doanh nhân. Mặc dù chương trình phải thay đổi nhưng mọi người không hề nản chí, trái lại, tiếp tục suy tư một cách nghiêm túc và có trách nhiệm, hướng tới một sự thay đổi.
Đức Thánh Cha nói: “Ý tưởng ban đầu là gặp gỡ ở Assisi, để những bước chân của Thánh Phanxicô truyền cảm hứng cho chúng ta. Nơi Thánh Giá của Thánh Damiano và nơi những khuôn mặt khác, như khuôn mặt của người phong cùi, Thiên Chúa đã đến gặp thánh Phanxicô, gọi ngài và giao cho ngài một sứ vụ; Thiên Chúa tháo cởi những thần tượng đã làm thánh nhân bị cô lập, cởi bỏ những bối rối đã làm ngài bị tê liệt và đóng kín trong thói quen yếu đuối khi nghĩ rằng “đây là cách những sự việc thường được làm” (đây là một sự yếu đuối!)… Chúa đã ban tặng cho ngài khả năng cất lên bài ca ngợi khen, biểu hiện của niềm vui, tự do và trao ban chính mình. Vì vậy, đối với cha, cuộc gặp gỡ trực tuyến này ở Assisi không phải là điểm đến nhưng là một lực đẩy đầu tiên của một quá trình mà chúng ta được mời gọi để sống như một ơn gọi, một nền văn hóa và như một hiệp ước”.
Ơn gọi của Assisi
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói về ơn gọi của Thánh Phanxicô: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi nhà của Ta, như con thấy, đang đổ nát”. Những lời này đã làm cho người thanh niên Phanxicô xúc động và là lời kêu gọi đặc biệt đối với mỗi chúng ta. Khi các con cảm thấy được kêu gọi, được tham gia và là người giữ vai chính của “sự bình thường” cần được xây dựng, các con biết cách nói “vâng” và điều này mang lại hy vọng. Cha biết các con đã ngay lập tức đón nhận lời kêu gọi này vì các con đã thấy, phân tích, trải nghiệm và biết rằng chúng ta không thể tiếp tục đi theo cách này: điều này đã được thể hiện rõ ràng qua mức độ tán thành, đăng ký và tham gia vào hiệp ước này. Các con thể hiện sự nhạy cảm và quan tâm đặc biệt để xác định các vấn đề quan trọng đang chất vấn chúng ta. Các con đã làm điều đó từ một góc độ cụ thể: kinh tế, là lĩnh vực tìm kiếm, nghiên cứu và làm việc của các con. Các con biết rằng cần phải nhìn nhận một cách có trách nhiệm, hệ thống thế giới hiện nay không bền vững và đang ảnh hưởng đến trái đất, người chị của chúng ta, đang bị ngược đãi và tước đoạt nghiêm trọng, cùng với những nghèo và bị loại trừ, những người đầu tiên bị lãng quên.
Hãy cẩn thận để không bị thuyết phục rằng đây chỉ là một điểm chung được lặp đi lặp lại. Các con được kêu gọi tạo ra tác động cụ thể ở các thành phố và trường đại học của các con, trong công việc và nghiệp đoàn, trong các công ty và phong trào, trong các văn phòng công và tư với trí tuệ, cam kết và niềm tin, để đạt được cốt lõi và trái tim nơi các chủ đề và mô hình được xây dựng và quyết định. Tất cả điều này đã thúc đẩy cha mời các con thực hiện hiệp ước này. Mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại, mà đại dịch Covid đã gây ra, đòi hỏi sự nhận thức có trách nhiệm của tất cả các tác nhân xã hội, của tất cả chúng ta, trong đó các con nắm giữ vai chính: kết quả các hành động và quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến các con đầu tiên, do đó các con không thể tránh khỏi những nơi nó được tạo ra, cha không nói tương lai của các con, mà là hiện tại. Các con không thể đi ra khỏi nơi tạo ra hiện tại và tương lai. Hoặc là các con tham gia vào lịch sử hoặc lịch sử sẽ vượt qua các con.
Một nền văn hóa mới
Chúng ta cần một sự thay đổi, chúng ta muốn một sự thay đổi, chúng ta đang tìm kiếm một sự thay đổi. Vấn đề nảy sinh khi chúng ta nhận ra rằng, đối với nhiều khó khăn đang bủa vây chúng ta, chúng ta không có câu trả lời thích đáng và bao gồm; ngược lại, chúng ta bị phân mảnh trong các phân tích và chẩn đoán, dẫn đến việc ngăn chặn mọi giải pháp khả thi. Về cơ bản, chúng ta thiếu văn hóa cần thiết để cho phép và kích thích mở ra những tầm nhìn khác nhau, dựa trên một loại tư tưởng, một loại chính trị, một loại chương trình giáo dục. Nếu cấp thiết phải tìm câu trả lời, điều cần thiết là phát triển và hỗ trợ các nhóm quản lý có khả năng xây dựng văn hóa. Cần phải chăm sóc và cải thiện ngôi nhà chung của chúng ta, phải thay đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu dùng, cơ cấu quyền lực hợp nhất điều hành xã hội.
Để đạt được điều này, theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần các nhóm người lãnh đạo cộng đồng và thế chế có thể giải quyết các vấn đề.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha trích lời của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI khi nói về nạn đói trên thế giới: “Nạn đói không lệ thuộc quá nhiều vào sự thiếu vật chất, nhưng đúng hơn vào sự khan hiếm các nguồn lực xã hội, mà điều quan trọng hơn cả đó là tính chất thể chế”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Nếu các con có thể giải quyết điều này, các con sẽ có con đường rộng mở cho tương lai. Cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, mà nhiều người đang phải chịu đựng, không dung thứ cho việc chúng ta đặt lợi ích của một lãnh vực làm thiệt hại đến công ích. Chúng ta phải quay trở lại một chút về sự thần bí của công ích. Theo nghĩa này, hãy cho phép cha nhấn mạnh đến một hoạt động mà các con đã trải nghiệm như một phương pháp luận để giải quyết xung đột một cách lành mạnh và mang tính cách mạng. Trong những tháng này, các con đã chia sẻ những suy tư và các khung lý thuyết quan trọng. Các con đã thảo luận về 12 chủ đề và xác định những cách khả thi. Các con đã trải nghiệm văn hóa gặp gỡ là rất cần thiết, nó đối lập với văn hóa vứt bỏ, vốn là thời thượng. Và văn hóa gặp gỡ này cho phép nhiều tiếng nói ngồi cùng một bàn để đối thoại, suy nghĩ, thảo luận và sáng tạo, từ nhiều chiều kích khác nhau và đưa ra các câu trả lời cho các vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến các dân tộc và nền dân chủ của chúng ta. Việc thực hiện gặp gỡ vượt qua mọi khác biệt chính đáng này là bước cơ bản cho bất kỳ sự chuyển đổi nào giúp mang lại cho cuộc sống một nền văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội mới; bởi vì sẽ không thể tham gia vào những điều vĩ đại chỉ theo quan điểm lý thuyết hoặc quan điểm cá nhân”.
Để đạt được nền văn hóa mới này theo Đức Thánh Cha còn phải nhìn nhận quyền của mọi người là như nhau trong lĩnh vực kinh tế. Thực tế, có những người cho rằng mình hơn người khác, mình được sinh ra với những quyền cao hơn trong việc đảm bảo hưởng một số hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu. Mặc dù công việc của họ quan trọng, nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể giải quyết các vấn đề gây mất cân bằng, làm ảnh hưởng đến những người bị loại trừ. Cần phải chấp nhận rằng người nghèo có đủ phẩm giá để ngồi chung bàn tại các cuộc gặp gỡ của chúng ta, cùng thảo luận và mang bánh đến nhà họ. Điều này còn hơn cả phúc lợi.
Hiệp ước Assisi
Sau khi phân tích, nhận định, Đức Thánh Cha hướng mọi ngưới đến Hiệp ước Assisi. Ngài khẳng định nhiệm vụ to lớn và không thể hoãn lại này đòi hỏi một sự dấn thân quảng đại trong lĩnh vực văn hóa, trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, không bị lạc vào những khuôn mẫu trí thức hoặc những tư tưởng là được đặt ra là những ốc đảo, những thứ cô lập chúng ta khỏi cuộc sống và đau khổ cụ thể của con người. Đã đến lúc dám mạo hiểm ủng hộ và khuyến khích các mô hình phát triển, tiến bộ và bền vững trong đó con người, và đặc biệt là những người bị loại trừ và trong đó có cả chị trái đất, trở thành những người giữ vai chính trong cuộc sống của họ cũng như của toàn bộ cấu trúc xã hội.
Chúng ta không nghĩ cho họ, những người nghèo, chúng ta nghĩ với họ. Và từ họ, chúng ta học cách thúc đẩy các mô hình kinh tế mang lại ích lợi cho tất cả mọi người, bởi vì việc thiết lập cấu trúc và quyết định sẽ xác định bởi sự phát triển toàn diện con người, được học thuyết xã hội của Giáo hội xây dựng. Chính trị và kinh tế không được phục tùng các mệnh lệnh và mô hình hiệu quả của chế độ kỹ thuật cầm quyền.
Ngày nay, nghĩ đến lợi ích chung, tất nhiên chúng ta cần đến chính trị và kinh tế, nhưng phải phục vụ cuộc sống, nhất là sự sống con người. Nếu không có sự tập trung và định hướng này, chúng ta sẽ vẫn là tù nhân của một vòng tuần hoàn của suy thoái, loại trừ, bạo lực. Mọi chương trình, được phát triển để tăng sản lượng, rốt cuộc không có lý do nào khác hơn là phục vụ con người nhưng điều này là chưa đủ. Thúc đẩy công nghệ để trái đất trở nên nhân văn hơn để sinh sống, điều này cũng chưa đủ.
Thước đo của lòng nhân đạo về cơ bản được xác định trong mối tương quan với sự đau khổ và người đang đau khổ. Điều này đúng cho cá nhân cũng như cho xã hội; một thước đo cũng phải được thể hiện trong các quyết định và mô hình kinh tế của chúng ta.
“Phát triển không chỉ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế. Phát triển đích thực phải là sự tăng trưởng toàn vẹn, cho mỗi người và của toàn thể con người. Chúng ta không chấp nhận tách kinh tế khỏi con người. Điều quan trọng đối với chúng ta là con người, mọi người, mọi nhóm người và toàn thể nhân loại”, Đức Thánh Cha trích lời của Thánh Phaolô VI và tiếp tục: “Theo nghĩa này, nhiều người trong số các con sẽ có cơ hội hành động và tác động đến các quyết định kinh tế vĩ mô, nơi số phận của nhiều quốc gia đang bị đe dọa. Những viễn cảnh này cũng cần những người đang được chuẩn bị, ‘khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu’ (Mt 10,16), có khả năng giám sát sự phát triển bền vững của các quốc gia và tránh sự phục tùng gây nghẹt thở của các quốc gia đó vào hệ thống tín dụng, vốn không thúc đẩy sự tiến bộ, khiến người dân phải chịu các cơ chế nghèo đói, loại trừ và phụ thuộc nhiều hơn. Cần khơi dậy và đồng hành với một mô hình liên đới quốc tế nhìn nhận và tôn trọng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia và ủng hộ các cơ chế kiểm soát có khả năng tránh bất kỳ hình thức phục tùng nào, cũng như giám sát việc thúc đẩy các nước đang phát triển và thiệt thòi nhất; mỗi dân tộc được kêu gọi để biến mình thành người thực hiện cho chính vận mệnh của mình và của toàn thế giới.
Một cơ hội để trở thành người Samaritanô tốt lành
Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Các bạn trẻ thân mến, ngày nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội tuyệt vời để thể hiện chúng ta là anh chị em của nhau, là những người Samaritanô tốt lành khác, những người nhận lấy nỗi đau thất bại, thay vì khơi dậy hận thù và oán giận. Một tương lai không thể đoán trước đã hình thành; mỗi người trong các con, bắt đầu từ nơi mình làm việc và quyết định, có thể làm được nhiều điều; đừng chọn những lối đi tắt, nó dụ dỗ và ngăn cản các con trộn men vào nơi các con đang hiện diện (Lc 13, 20-21). Không có đường tắt, men: làm bẩn tay. Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe mà chúng ta đang trải qua kết thúc, phản ứng tồi tệ nhất sẽ là rơi vào cơn sốt chủ nghĩa tiêu dùng và những hình thức tự bảo vệ ích kỷ mới. Đừng quên, người ta không bao giờ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng với tình trạng giống như trước: chúng ta sẽ trở nên tốt hơn hay tệ hơn. Chúng ta hãy gia tăng làm những gì tốt đẹp, nắm lấy cơ hội và phục vụ vì công ích. Hãy học cách phát triển một lối sống biết cách nói “chúng ta”, một “chúng ta” vĩ đại, không phải một “chúng ta” nhỏ bé.
Lịch sử dạy chúng ta rằng không có hệ thống hay khủng hoảng nào có thể hủy bỏ hoàn toàn khả năng, sự khéo léo và óc sáng tạo mà Thiên Chúa không ngừng khơi dậy trong các tâm hồn. Với sự cống hiến và lòng trung thành với dân tộc, hiện tại và tương lai của các con, các con có thể cùng với những người khác tạo nên một cách thức mới để làm nên lịch sử. Đừng sợ tham gia và chạm vào linh hồn của các thành phố với cái nhìn của Chúa Giêsu; đừng ngại can đảm sống những xung đột và ngã rẽ của lịch sử để xức cho chúng hương thơm của các Mối Phúc. Đừng sợ, vì không ai được cứu độ một mình.
Với các bạn trẻ đến từ 115 quốc gia, cha mời các con nhận ra rằng chúng ta cần nhau để mang lại sức sống cho nền văn hóa kinh tế này, có khả năng “biến ước mơ đâm chồi, khơi dậy những lời tiên tri và tầm nhìn, làm cho hy vọng nở hoa, khuyến khích niềm tin, băng bó vết thương, dệt nên các mối quan hệ, làm sống lại một bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một hình ảnh tích cực soi sáng tâm trí, sưởi ấm những tâm hồn, phục hồi sức mạnh cho đôi tay và truyền cảm hứng cho những người trẻ – tất cả những người trẻ, không ai bị loại trừ – viễn tượng về một tương lai tràn ngập niềm vui của Tin Mừng.
Ngọc Yến – Vatican News