Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu thực hiện hành trình hoán cải khi chúng ta chuẩn bị đón Chúa. Ngài cũng khẳng định rằng không có đại dịch nào có thể dập tắt ánh sáng Giáng sinh, ánh sáng tình yêu mà Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 6/12, Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng, Đức Thánh Cha suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng, với lời của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi lãnh nhận phép rửa hoán cải. Đức Thánh Cha giải thích hai chiều kích của hoán cải: thứ nhất là từ bỏ tội lỗi và tính thế gian; và thứ hai là tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Người.
Đức Thánh Cha nói rằng đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 1,1-8) giới thiệu thân thế và hoạt động của thánh Gioan Tẩy giả. Thánh nhân chỉ cho những người đương thời với ngài một hành trình đức tin giống với hành trình mà Mùa Vọng đề ra cho chúng ta, để chuẩn bị cho chúng ta đón tiếp Chúa vào lễ Giáng sinh. Hành trình đức tin này là một hành trình hoán cải.
Ý nghĩa của từ “hoán cải”
Từ “hoán cải” có nghĩa là gì? Đức Thánh Cha giải thích: Trong Kinh Thánh, từ này muốn nói trước hết đến việc thay đổi hướng đi và định hướng; và do đó nó cũng có nghĩa là thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta. Trong đời sống luân lý và thiêng liêng, hoán cải có nghĩa là xa rời sự dữ và hướng đến điều thiện, từ bỏ tội lỗi và hướng đến tình yêu của Thiên Chúa. Đây là điều mà thánh Gioan Tẩy giả đã dạy khi ở trong sa mạc Giuđêa, ngài “đã loan báo phép rửa hoán cải để được tha tội” (c.4). Đức Thánh Cha nhận xét: Việc lãnh nhận phép rửa là một dấu hiệu bên ngoài và hữu hình, cho thấy sự hoán cải của những ai lắng nghe lời giảng của thánh nhân và quyết định ăn năn đền tội. Phép rửa đó được thực hiện bằng việc dìm mình trong nước, nhưng nó sẽ vô ích nếu không có lòng sám hối và thay đổi cuộc sống.
Từ bỏ tội lỗi và tinh thần thế gian
Đức Thánh Cha giải thích thêm: Việc hoán cải bao gồm lòng đau đớn vì các tội đã phạm, ước mong được giải thoát khỏi tội lỗi, ý muốn vĩnh viễn loại trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống của mình. Để loại trừ tội lỗi cần chối từ tất cả những điều liên quan đến tội lỗi: não trạng thế gian, quá coi trọng tiện nghi, khoái lạc, hạnh phúc, của cải.
Và Đức Thánh Cha nhận định rằng thánh Gioan Tẩy Giả chính là mẫu gương của sự từ chối này như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: ngài là một người khắc khổ, từ bỏ sự dư thừa và tìm kiếm điều thiết yếu. Đây là khía cạnh đầu tiên của sự hoán cải: tách rời khỏi tội lỗi và thế gian.
Tìm kiếm Thiên Chúa và Vương quốc của Người
Khía cạnh khác của sự hoán cải chính là mục đích của hành trình, đó là tìm kiếm Thiên Chúa và Vương quốc của Người. Đức Thánh Cha giải thích: Việc từ bỏ sự tiện nghi và não trạng thế gian không phải là mục đích, không phải chỉ để hãm mình, nhưng nhằm đạt được điều lớn lao hơn, đó là Nước Chúa, hiệp thông với Chúa, tình bạn với Chúa.
Đức Thánh Cha cảnh giác: Nhưng điều này không dễ dàng, bởi vì có nhiều ràng buộc đưa chúng ta đến gần với tội lỗi, cám dỗ luôn kéo chúng ta xuống. Đó là tính hay thay đổi, chán nản, môi trường bất lương, gương xấu. Đôi khi chúng ta cảm thấy sự thúc đẩy hướng đến Chúa quá yếu ớt và dường như Chúa im lặng; những lời hứa an ủi của Người, giống như hình ảnh người chăn cừu ân cần và chu đáo vang vọng trong đoạn sách ngôn sứ Isaia hôm nay (40,1.11), dường như xa vời và viển vông đối với chúng ta,. Và vì vậy chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng không thể thực sự hoán cải được, và thay vì xa rời thế giới để đến với Chúa, chúng ta có nguy cơ ở lại trong bãi ‘cát lún’ của một cuộc sống tầm thường.
Đức Thánh Cha nói tiếp: Đã bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy sự chán nản này? Chúng ta nói: “Không, tôi không thể làm được! Chúng ta bắt đầu một chút và rồi chúng ta quay trở lại, và điều này thật tệ. Đức Thánh Cha khẳng định: Hoán cải là có thể. Và ngài nhắc nhở:Khi bạn có ý nghĩ nản chí này, đừng dừng lại ở đó, bởi vì đây là đụn cát lún; đụn cát lún của một cuộc sống tầm thường.
Hoán cải là một ân sủng
Chúng ta có thể làm gì trong những trường hợp này? Đức Thánh Cha noi: Trước hết, hãy nhớ rằng sự hoán cải là một ân sủng, không ai có thể tự hoán cải nhờ sức mình. Đó là ơn sủng Chúa ban, do đó, cần cầu xin Chúa hoán cải chúng ta, cầu xin để chúng ta có thể hoán cải đến mức độ mở lòng đón nhận vẻ đẹp, sự tốt lành, sự dịu dàng của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha mời gọi: Hãy nghĩ đến sự dịu dàng của Chúa. Chúa không phải là một người cha xấu xa, một người cha tồi tệ. Người dịu dàng, Người yêu thương chúng ta rất nhiều, giống như mục tử tốt lành, người đi tìm con chiên cuối cùng trong đàn chiên của mình. Đó là tình yêu, và sự hoán cải là một ân sủng từ Thiên Chúa. Bạn hãy bắt đầu bước đi, vì chính Thiên Chúa là Đấng thúc đẩy bạn bước đi, và bạn sẽ thấy cách Người sẽ đến. Hãy cầu nguyện, bước đi và bạn sẽ luôn tiến về phía trước.
Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện: Xin Mẹ Maria Rất Thánh mà chúng ta sẽ tôn kính là Đấng Vô nhiễm nguyên tội vào ngày mốt, giúp chúng ta luôn luôn tách khỏi tội lỗi và những điều thuộc về thế gian, để mở lòng với Thiên Chúa, với lời của Người, với tình yêu tái tạo và cứu độ của Người.
Không đại dịch nào có thể dạp tắt ánh sáng của lễ Giáng sinh
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào tất cả các tín hữu đang hiện diện tại quảng trường dù thời tiết xấu, và chào mọi người đang kết nối qua các phương tiện truyền thông.
Đề cập đến cây thông Noel đã được dựng lên ở quảng trường và khung cảnh Chúa giáng sinh, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu: Trong những ngày này, hai dấu hiệu Giáng sinh này cũng được chuẩn bị trong nhiều gia đình, trước sự thích thú của trẻ em – và cả người lớn. Chúng là dấu hiệu của hy vọng, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này. Và Đức Thánh Cha khuyến khích: Chúng ta hãy cố gắng để không chỉ dừng lại ở dấu chỉ, nhưng đi đến ý nghĩa, nghĩa là đến với Chúa Giêsu: đến với tình yêu của Thiên Chúa mà Người đã mặc khải cho chúng ta, đi đến với sự tốt lành vô biên mà Người đã chiếu sáng trên thế giới. Không có đại dịch, không có cuộc khủng hoảng nào có thể dập tắt ánh sáng này. Chúng ta hãy để nó đi vào trái tim của chúng ta: chúng ta hãy đưa tay ra với những người cần nó nhất, để Thiên Chúa sẽ được giáng sinh lần nữa trong chúng ta và giữa chúng ta.
Hồng Thủy – Vatican News