“Các báo cáo mới nhất về các sự kiện diễn ra ở Địa trung Hải từ cuối tháng 12/2020 đến những ngày đầu của tháng 01/2021 làm đau lòng những ai còn có lòng nhân đạo. Là người và Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để phản ứng lại điều này”.

 

Những người di cư  (ANSA)

 

Trên đây là những lời khẳng định của Đức Tổng Giám mục Corrado Lorefice của Tổng Giáo phận Palermo, Ý, khi đề cập đến những thảm trạng xảy ra gần đây nhất ở vùng biển Địa Trung Hải và ngài đặc biệt nhắc đến 4 em bé được tìm thấy đã chết trong tháng 12 năm ngoái trên bờ biển Libya.

“Nói chung là im lặng, những người di cư chết đuối do bị những người được gọi là lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đẩy trở lại biển”, Đức Tổng Giám mục giải thích trong một lưu ý trên cổng thông tin của Tổng Giáo phận, và kêu gọi năm 2021 sẽ mở ra một dấu hiệu của suy tư mới, sớm đưa đến một sự thay đổi trong việc chia sẻ các quy tắc của châu Âu. Theo Đức Tổng mục Palermo, việc đẩy những người tị nạn trở lại biển là “một vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Công ước Genève và nhân quyền quốc tế. Khi hành động như vậy, họ đang chà đạp lên Tin Mừng, phản bội tình huynh đệ phổ quát, và làm cho nhiều người phải quay trở lại các trại tập trung ở Libya đưa đến hậu quả là 4 em bé chết đuối. Sự im lặng đến chói tai và sự dửng dưng đang bao trùm lên các tin tức này thật đáng sợ. Là Kitô hữu chúng ta không thể không phẫn nộ trước thảm trạng này”.

Trên trang web của Tổng Giáo phận trích dẫn báo cáo của các tổ chức nhân đạo, theo đó trong năm 2020: có 34.476 người di cư đến các bờ biển Ý qua Địa Trung Hải, trong điều kiện không có các kênh tiếp cận hợp pháp và an toàn vào châu Âu, có 11.891 người đã bị chặn và đưa trở lại Libya, trong khi 323 thi thể được vớt từ biển và 417 người mất tích không được tìm thấy.

Đức Tổng Giám mục Lorefice viết: “Hiến chương Tin Mừng và Tin Mừng yêu cầu chúng ta lên tiếng và tham gia dấn thân vào lĩnh vực này. Trong khi chúng ta đang trực tiếp sống thảm cảnh của đại dịch, bị tước đi những tình cảm thân thương nhất và bị khủng hoảng kinh tế đè nặng, chúng ta tin tưởng vào trách nhiệm của tất cả mọi người để bảo vệ những điều tốt đẹp quý giá của sức khỏe và sự sống, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm đối với thảm cảnh vẫn đang tiếp tục xảy ra ở Địa Trung Hải”.

Đức Tổng Giám mục kết luận: “Chúng ta phải làm mọi cách để phục hồi những người đang tiếp tục bước vào những con thuyền của sự chết. Đây là trách nhiệm của toàn châu Âu”.

Ngọc Yến – Vatican News