Thứ Hai 01/3/2021, Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) và Liên đoàn châu Âu các Hiệp hội Gia đình Công giáo (FAFCE) tổ chức một hội thảo với chủ đề “Người già và tương lai của châu Âu”. Sáng kiến nảy sinh từ những suy tư về đại dịch đã ảnh hưởng đến người già, thành phần yếu đuối của xã hội.

 

 

Hội thảo làm việc dựa theo tài liệu đã được công bố vào 03/12/2020 với tựa đề “Người già và tương lai của châu Âu: tình liên đới và sự chăm sóc liên thế hệ trong thời điểm thay đổi nhân khẩu học”. Từ đây, buổi gặp gỡ tập trung thảo luận về tình trạng của người già, thành phần dễ bị tổn thương, đặc biệt trong thời đại dịch, nhưng người già cũng là thành phần tích cực và hiện diện trong xã hội châu Âu để có thể trở thành một nguồn hy vọng cho thế hệ trẻ.

Các ước tính gần đây cho thấy trong những thập kỷ tới, dân số người già ở Liên minh châu Âu sẽ tăng lên: hiện những người trên 65 tuổi chiếm 20% dân số, và sẽ tăng lên 30% vào năm 2070; trong cùng thời gian này, những người trên 80 tuổi sẽ tăng gấp đôi, trở thành 13% dân số vào năm 2070.

Nhân dịp này, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu, nhận định rằng, dân số già đánh dấu tương lai của châu Âu, một sự hiện diện cần được bảo vệ, phát triển và nâng cao giá trị. Đức Hồng y nói: “Không có người già, chúng ta không thể duy trì nhân loại và tôi nghĩ rằng duy trì nhân loại là điều quan trọng nhất cho tương lai của châu Âu và thế giới. Theo tôi, chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc nâng cao giá trị những người già, vì cho đến nay hành động này vẫn chưa được thực hiện. Người ta thường cô lập người già trong các nhà hưu dưỡng, cách ly họ, vì cho rằng chỉ có thành phần hữu ích cho việc tăng trưởng kinh tế mới được tính và là trung tâm của các chính sách. Điều này không đúng. Chúng ta phải sửa lại khái niệm tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải đưa tính nhân văn vào các khái niệm kinh tế. Người trẻ cần ông bà. Tình yêu của cha mẹ luôn là tình yêu quyền uy, nhưng người trẻ cần lắng nghe ông bà nói và cảm thấy được yêu thương. Nếu chúng ta không chăm sóc người già, người trẻ của chúng ta sẽ không có một tương lai tốt đẹp”.

Theo Đức Hồng y Chủ tịch, sau một năm đại dịch, chúng ta thấy việc cách ly người già là rất tàn nhẫn. Ai cũng cần được yêu thương, với những cử chỉ như những cái ôm, những lời nói trực tiếp. Trong các biện pháp bảo vệ và cách ly người già, chúng ta phải sáng tạo hơn để tìm ra những cách thức để bảo vệ nhưng không cách ly họ.

Ngọc Yến – Vatican News