Cuối buổi tiếp kiến chung ngày 03/03/2021, Đức Thánh Cha xin các tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Iraq của ngài từ ngày 5 đến 03/03. Ngài nói rằng không thể để cho người dân Iraq phải thất vọng lần thứ hai sau khi thánh Gioan Phaolô đã không thể thăm nước này. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi đối thoại, hòa giải, chấm dứt bạo lực cho Myanmar giữa lúc các cuộc biểu tình tiếp tục xảy ra.
Trước khi đọc kinh Lạy Cha và ban phép lành cho các tín hữu đang tham dự trực tuyến, Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Iraq của ngài có thể được thực hiện tốt đẹp.
Gặp gỡ Giáo hội tử đạo
Đức Thánh Cha nói: “Ngày mốt, Chúa muốn, tôi sẽ đến Iraq để hành hương ba ngày. Từ lâu tôi đã muốn gặp gỡ dân tộc đã phải chịu đựng rất nhiều đó; gặp gỡ Giáo hội tử đạo ở miền đất của tổ phụ Áp-ra-ham. Cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, chúng ta cũng sẽ tiến thêm một bước nữa trong tình huynh đệ của các những người có đức tin.”
Đức Thánh Cha mời gọi: “Tôi xin anh chị em đồng hành với cuộc tông du này bằng lời cầu nguyện, để nó có thể diễn ra theo cách tốt nhất có thể và sinh hoa trái mong muốn. Người dân Iraq đang chờ đợi chúng ta; họ đã chờ đợi thánh Gioan Phaolô II; ngài bị ngăn cản thực hiện chuyến viếng thăm. Chúng ta không thể làm một dân tộc thất vọng lần thứ hai.”
Kêu gọi đối thoại và hòa giải cho Myanmar
Trước đó, Đức Thánh Cha đã nhắc đến Myanmar với những tin tức đau buồn về những cuộc đụng độ đẫm máu. Ngài kêu gọi sự quan tâm chú ý của các chính quyền liên hệ, để đối thoại thắng vượt thắng đàn áp, và hòa hợp chiến thắng bất hòa. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để nguyện vọng của người dân Myanmar không bị bóp nghẹt bởi bạo lực.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chớ gì những người trẻ của vùng đất thân yêu đó được ban niềm hy vọng về một tương lai, nơi mà hận thù và bất công nhường chỗ cho sự gặp gỡ và hòa giải.” Cuối cùng, ngài nhắc lại hy vọng mà ngài đã bày tỏ một tháng trước: “Con đường hướng tới dân chủ được thực hiện trong những năm gần đây của Myanmar có thể tiếp tục thông qua cử chỉ cụ thể là trả tự do cho các nhà lãnh đạo chính trị bị giam tù.”
Hồng Thủy – Vatican News