Các Giám mục Philippines phản đối việc chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác mỏ đã được cựu tổng thống Benigno Aquino ký năm 2012, vì điều này đồng nghĩa với việc cho phép các công ty khai thác, và hậu quả sẽ là dân chúng, đặc biệt những người dễ bị tổn thương, phải gánh chịu.

 

 

Đức cha Jose Colin Bagaforo, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục giải thích: việc dỡ bỏ lệnh cấm chỉ mang lại ích lợi cho các hoạt động kinh doanh lớn, nhưng người dân thì lại không được hưởng lợi gì.

Theo phát ngôn viên của chính phủ, việc dỡ bỏ lệnh cấm này sẽ cho phép đầu tư 4 tỷ đô la vào ba dự án khai thác lớn. Đối với Giáo hội, chính phủ đã chọn lợi nhuận hơn là đau khổ của người dân và việc bảo vệ công trình thụ tạo, chọn lợi ích ích kỷ hơn là công ích. Vì thế, Đức cha Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình kêu gọi quyền hành pháp Philippines xem xét lại việc dỡ bỏ lệnh cấm khai thác mỏ.

Đức cha Ricardo Bacca, Tổng Giám mục của Tuguegarao cho biết, các hoạt động khai thác ngoài khơi đã gây ra nhiều trận lũ lụt trong tổng giáo phận của ngài mỗi khi có bão đổ bộ vào khu vực. Đức cha khẳng định: “Khai thác mỏ chỉ có thể làm cho lũ lụt trở nên trầm trọng hơn và gây xói mòn hàng loạt các khu vực ven biển, gây thiệt hại về nhân mạng”.

Nguyên Giám mục của Sorsogon, Đức cha Arturo Bastes, cũng lên tiếng phản đối việc khai thác mỏ và cho rằng “những tác động tiêu cực của khai thác mỏ là không thể phủ nhận. Và những gì người dân nhận được từ các hoạt động này là rất nhỏ bé so với số tiền lớn rơi vào túi của một số quan chức tham nhũng”.

Ngọc Yến – Vatican News