Hội đồng Giám mục Canada kêu gọi các chính trị gia “làm việc siêng năng và trong sự tham vấn và liên đới với các dân tộc bản địa tại Canada, để đảm bảo sự bao gồm cần thiết và kịp thời về Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) vào luật pháp quốc gia và nhờ đó đóng góp vào các mối quan hệ công bằng và tôn trọng trong đất nước”.

 

 

Ngày 3/12/2020, chính phủ Canada đã đệ trình dự luật C-15 liên quan đến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP). Nếu được thông qua, dự luật sẽ khẳng định Tuyên bố về quyền của người bản địa là một công cụ nhân quyền quốc tế được áp dụng trong luật pháp Canada, điều này sẽ thể hiện một sự phát triển mạnh mẽ cho quyền của người bản địa ở nước này.

Dự luật C-15 hiện đang được Nghị viện xem xét và vì lý do này, Hội đồng Giám mục đã ra tuyên bố kêu gọi các chính trị gia tham vấn với người bản địa trong việc thảo luận đưa Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa vào luật quốc gia.

Về phần mình, Hội đồng Giám mục cam kết “thực hiện các bước quan trọng với người dân và cộng đồng bản địa, nhằm hướng tới một tương lai tôn trọng và hợp tác đầy đủ hơn”. Hội đồng Giám mục cũng nhắc lại rằng vào năm 2016, cùng với các tu sĩ và và giáo dân của đất nước, các Giám mục đã đưa ra một tuyên bố công khai ủng hộ việc áp dụng quyền của người bản địa, điều vẫn “tiếp tục được hiểu là một công cụ chính để hòa giải và củng cố quan hệ giữa người bản địa và các thành phần khác ở Canada”. Do đó, việc tiếp nhận nó trong luật pháp quốc gia “là một bước tiến quan trọng và cơ bản trên con đường này”. Vì lý do đó, Giáo hội Công giáo “tiếp tục ủng hộ ý định của chính phủ Canada trong việc ban hành luật thực hiện Tuyên bố về quyền của người bản địa trong khuôn khổ luật pháp quốc gia”.

Tuyên bố về Quyền của Người bản địa đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua trong kỳ họp thứ 62, tổ chức tại New York vào ngày 13/9/2007. Cụ thể, văn kiện thiết lập các quyền cá nhân và tập thể của người bản địa, bao gồm quyền không bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ và được hưởng các tài nguyên thiên nhiên ở đó. Các quyền khác liên quan đến văn hóa, bản sắc, ngôn ngữ, công việc, sức khỏe và giáo dục. Ngoài ra, trọng tâm là cấm phân biệt đối xử với người bản địa và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ vào tất cả các vấn đề liên quan đến họ. (CSR_3113_2021)

Ngọc Yến – Vatican News