Chiều thứ Ba 11/5, Đại sứ quán Senegal cạnh Tòa Thánh và Cộng đoàn thánh Egidio tổ chức một hội nghị liên quan đến việc áp dụng Tuyên bố chung về Tình huynh đệ Nhân loại, đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo và văn hóa hòa bình ở Senegal.

 

 

Tại quốc gia châu Phi đa số theo Hồi giáo này, từ khi được độc lập, việc xây dựng quê hương thống nhất luôn được người dân quan tâm và muốn thực hiện. Đối thoại tôn giáo là một trải nghiệm quan trọng và cả ngày nay, nó vẫn là một truyền thống mạnh mẽ, bắt nguồn từ sứ điệp của Léopold Sédar Senghor, một chính trị gia, thi sĩ và tổng thống đầu tiên của Senegal sau khi Pháp ra đi. Vị tổng thống Kitô hữu đầu tiên được đa số tín đồ Hồi giáo, Kitô giáo chọn này, đã khuyến khích mọi người chung sống tình huynh đệ, và cho tới nay tinh thần này vẫn còn sâu đậm nơi người dân Senegal.

Cha Angelo Romano, một chuyên gia về Senegal, và là một trong những người tổ chức hội nghị, giải thích về tầm quan trọng của sự kiện: “Đây là một cơ hội tốt để suy tư về chủ đề liên quan đến tài liệu Tình huynh đệ Nhân loại, và nói chung để suy tư về tầm quan trọng của đối thoại liên tôn đối với việc xây dựng hòa bình. Tài liệu của Abu Dhabi ủng hộ và tái khởi động công việc chung giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo vì công ích: từ sự phát triển bền vững đến chỗ đứng của người trẻ trong xã hội, những thách đố mà các tín đồ phải cùng nhau đối diện”.

Cha Romano cho biết, tại hội nghị có sự hiện diện của Đức Hồng y Hyachinthe Thiandoum, Tổng Giám mục Dakar, một biểu tượng đối thoại  Hồi giáo-Kitô giáo. Vị Hồng y tiên khởi của Senegal đã nhắc lại chuyến tông du của Thánh Gioan Phaolô II đến Senegal năm 1992. Trong dịp đó, Thánh Giáo hoàng đã nói rằng, ngài đi đến gặp một dân tộc có nhiều tôn giáo, nhưng biết chấp nhận sự khác biệt và tin tưởng đối thoại. Một dân tộc được quốc tế đánh giá cao vì tình thương đối với sự chung sống hài hòa giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau.

Nói thêm về lịch sử quan hệ giữa Senegal và các Giáo hoàng, cha Romano đề cập đến Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Chính Thánh Gioan XXIII đã đón tiếp ông Senghor khi ông chưa làm tổng thống, dịp gặp gỡ các nhà văn châu Phi trong năm 1959. Hơn thế nữa, Senegal là một trong những quốc gia được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trích dẫn nhiều trong những suy tư về châu Phi, và tổng thống Senghor đã được Thánh Phaolô VI tiếp kiến bốn lần.

Cha kết luận: “Quan hệ giữa Tòa Thánh và quốc gia châu Phi này ngày càng được phát triển, chắc chắn đây là một trong những thí dụ về đối thoại giữa các tôn giáo, dưới ánh sáng của tài liệu Abu Dhabi”.

Ngọc Yến – Vatican News